Bệnh viện tư gặp khó
Cách đây một tháng, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á ở cửa ngõ Tây Bắc - Củ Chi được khánh thành và đưa vào hoạt động với 750 giường bệnh, tổng kinh phí đầu tư trên 800 tỷ đồng. Tại đây, hai trung tâm tim mạch và thần kinh cũng sắp được mở ra. TS.BS. Nguyễn Văn Châu, Tổng giám đốc bệnh viện, cho biết ông đang “nhức đầu” về bài toán kinh doanh với nhiều tình huống thử thách, đã khiến hàng loạt bệnh viện tư khác đứng trước bờ vực phá sản.
Đầu tư bệnh viện trong giai đoạn hiện nay được nhiều chuyên gia nhận định là... “đầu tư lãng phí”. Nhận định này dựa trên tình trạng ngắc ngoải của không ít bệnh viện. Như Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ (quận Tân Phú, TP.HCM) với 500 giường bệnh và nhiều trang thiết bị hiện đại đã phải ngưng hoạt động cả năm nay cùng với số nợ lên tới 120 tỷ đồng. Hay như Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh (quận Gò Vấp) 200 giường được đầu tư theo mô hình bệnh viện khách sạn 5 sao 200 giường, nhưng hiện lượng người đến khám bệnh mỗi ngày chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Trước đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ từng được đánh giá là “ăn nên làm ra”, do được nhiều người sử dụng dịch vụ nhờ mức giá vừa phải. Tuy nhiên, do khó kiếm được đồng lời và không chịu nổi lãi vay, bệnh viện này đã được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bệnh nhân tại một phòng khám. Việc kinh doanh bệnh viện trong giai đoạn hiện nay không hề dễ dàng khi mà đời sống đại bộ phận người dân còn khó khăn, thu nhập còn thấp. |
Hay một câu chuyện khác. Ai cũng thấy hai bệnh viện chuyên khoa là Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM và bệnh viện K. ở Hà Nội luôn trong tình cảnh quá tải. Một nhà đầu tư tư nhân những tưởng sẽ có cơ hội kinh doanh bệnh viện chuyên khoa ung bướu tại miền Trung, tức khu vực trung tâm đất nước về mặt địa lý. Thế nhưng Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc rất hiện đại, lại chỉ có vài chục bệnh nhân nằm viện trong khi công suất bệnh viện là 700 giường. Nhiều máy móc thiết bị tại đây thường xuyên được... đắp mền!
PGS.BS. Nguyễn Hoài Nam, người đã tâm huyết đầu tư Bệnh viện quốc tế Minh Anh (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết kinh doanh bệnh viện trong giai đoạn hiện nay không hề dễ dàng. Với lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện tư nói chung chỉ ở mức 25-30% công suất, hiệu quả đầu tư vào bệnh viện là rất thấp.
Bài toán suất đầu tư
Theo TS.BS. Nguyễn Hữu Tùng, nguyên Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ, nếu nhìn nhận bệnh viện tư là một loại hình kinh doanh ngoài công lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì kinh doanh phải có lãi. Và nếu các nhà đầu tư muốn có lãi sớm trong lĩnh vực này thì liệu có nên đầu tư vào lúc này, khi mà đời sống đại bộ phận người dân còn khó khăn, thu nhập còn thấp? Liệu có bao nhiêu nhà đầu tư xác định đầu tư từ bây giờ để phục vụ người dân, rồi kiên nhẫn chờ đến chục năm sau, khi cuộc sống người dân tốt lên thì mới tính chuyện thu lãi? Đầu tư như vậy liệu có lãng mạn, phi thực tế hay không?
Do đó, theo BS. Tùng, vấn đề nghiên cứu, phân tích tính khả thi của dự án đầu tư bệnh viện là rất cần thiết.
Hiện nay, bệnh viện tư “chết” nhiều vì thiếu chính sách hỗ trợ. Ví như một bệnh viện tư muốn xin khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) cũng không dễ, mệnh giá bảo hiểm người bệnh được hưởng thấp nên bệnh viện không thể cạnh tranh với bệnh viện công. Một bệnh viện muốn có đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh thường phải tính toán suất đầu tư thấp. Chẳng hạn bệnh viện X có 500 giường, suất đầu tư 70 triệu đồng/giường thì tổng vốn đầu tư chỉ hết 35 tỷ đồng. Phí khám chữa bệnh tại đây sẽ rẻ hơn nhiều so với dự án bệnh viện T với 320 giường, suất đầu tư 5,6 tỷ đồng/giường, tổng vốn đầu tư lên tới 1.800 tỷ đồng. Gần đây, một số nhà đầu tư đã rút ra bài học thực tiễn đó và họ rót vốn đầu tư thấp.
Tầm nhìn nhà đầu tư
Nhận định về dịch vụ y tế tại Việt Nam, ThS.BS. Trương Vĩnh Long, Giám đốc điều hành y khoa - tập đoàn quốc tế Hoa Lâm (Bệnh viện Quốc tế Thành Đô), cho rằng bệnh viện công thì quá tải, nhiều người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh. Thực tế này cho thấy tiềm năng đầu tư thêm bệnh viện là có thực, tuy nhiên khi đi vào khảo sát thực tế, nhiều nhà đầu tư đã không dám mạo hiểm.
Một thực tế cho thấy, đầu tư y tế là đầu tư dài hạn. Nếu nhà đầu tư nóng lòng có lợi nhuận ngay thì vô cùng khó, vì nếu lấy giá cao thì khả năng người dân không chịu nổi, còn lấy giá thấp thì không đủ kinh phí hoạt động. Chưa kể ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị còn mối lo về nguồn nhân lực có chất lượng; rồi khi có nhân lực chất lượng cao thì phải trả lương cao, dẫn đến giá khám chữa bệnh càng tăng. Do đó, việc đầu tư bệnh viện cần một dự án tiền khả thi thật kỹ lưỡng, tiếp sau đó là một công nghệ quản trị bệnh viện hiệu quả.
Thực tế ở Việt Nam chưa có công nghệ quản trị bệnh viện và thiếu đội ngũ phục vụ chất lượng cao. Khi mua cổ phần Bệnh viện Hoàn Mỹ, tập đoàn Fortis (Ấn Độ) nhìn thấy tiềm năng kinh doanh, nhưng họ đã không có bước tiếp theo là đào tạo, nâng cấp nguồn nhân lực, nâng tầm quản trị để tạo sự khác biệt với bệnh viện công. Và chỉ sau ba năm, họ lại phải bán lại cổ phần cho một tập đoàn y tế của Singapore.
Nói về mô hình bệnh viện đẳng cấp khu vực, nhắm tới thu hút người nước ngoài vào Việt Nam hoặc người Việt Nam thay vì ra nước ngoài khám chữa bệnh thì chữa bệnh trong nước, BS. Tùng cho rằng, hiện chưa phải lúc, bởi nền y tế của ta chưa đủ cơ sở, dịch vụ chưa chuyên nghiệp - ngay từ khâu tiếp đón cho đến việc khám chữa bệnh, và do đó, chưa tạo được lòng tin của xã hội.
Còn theo BS. Nguyễn Hoài Nam, với tình trạng gần bốn phần năm bệnh viện tư nhân đang trong tình trạng lỗ hay hoạt động cầm chừng hiện nay, thì khoan nói tới việc mở rộng hệ thống bệnh viện tư nhân. Bởi số ít bệnh viện tư thành công cho đến nay là những bệnh viện đã được thành lập từ hơn 10 năm trước, có vị trí tốt và có vốn đầu tư ổn định. Ông cũng cho rằng, Nhà nước cần có kế hoạch điều chỉnh hệ thống y tế tư nhân hiện có một cách phù hợp.