Ngoằn ngoèo nhập, phân phối thuốc
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công thương (VITIC), tính từ đầu năm cho đến hết tháng 6/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 963,3 triệu đô la Mỹ hàng dược phẩm, tăng 8,27% so với cùng kỳ 2013. Nhập khẩu chiếm hơn 70% giá trị của thị trường dược, và chiếm hầu như toàn bộ sản phẩm dược công nghệ cao tại Việt Nam.
Theo Business Monitor International, Việt Nam đứng thứ 13/175 nước và lãnh thổ về tốc độ tăng trưởng mức chi tiêu cho dược phẩm.
Mười thị trường nhập khẩu dược phẩm chính của Việt Nam là Ấn Độ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Anh, Ý, Thụy Sỹ, Mỹ, Bỉ, Thái Lan cung cấp 69,5% giá trị dược phẩm cho Việt Nam, với kim ngạch 670,1 triệu đô la Mỹ.
Để thuốc vào được thị trường Việt Nam là một quá trình phức tạp. Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ ngày 1/1/2009, các doanh nghiệp nước ngoài được quyền nhập khẩu trực tiếp. Do vậy, mô hình đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng cũng thay đổi. Trước đây, quy trình đi theo thứ tự từ nhà sản xuất (nước ngoài) - nhà nhập khẩu ủy thác (tại Việt Nam) - nhà phân phối sỉ (tại Việt Nam) - nhà phân phối lẻ (tại Việt Nam). Hiện tại, quy trình đã được rút ngắn, lược bỏ khâu “nhà nhập khẩu ủy thác”, luật Việt Nam cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, nhằm giảm chi phí, giúp công ty mẹ kiểm soát nhiều hơn trong kinh doanh.
Tuy nhiên, việc thành lập một công ty con có thể là một quá trình lâu dài và nhiêu khê, do Chính phủ Việt Nam yêu cầu công ty mẹ phải có cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Vì vậy, chỉ những công ty xác định lợi ích thương mại về lâu dài mới mở cơ sở sản xuất.
Theo nhiều hãng dược lớn của thế giới tại Việt Nam, việc mở cơ sở sản xuất còn nhiều vấn đề như các điều khoản hạn chế, không thể hoạt động như một công ty đúng nghĩa. Các quy định quản lý nhà nước thường là không rõ ràng và được áp dụng theo từng trường hợp cụ thể. Sự không chắc chắn này là một rào cản cho các công ty dược phẩm nước ngoài thâm nhập thị trường.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia có công ty nhưng hoạt động không mạnh, và “quyền sinh sát” vẫn còn nằm trong tay các công ty được phép nhập khẩu ủy thác.
Các công ty dược nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam chỉ được phép xúc tiến hoạt động tiếp thị, giới thiệu, xây dựng hình ảnh sản phẩm và công ty. Muốn phân phối sản phẩm, các nhà sản xuất phải ký hợp đồng với các công ty phân phối đa quốc gia chứ không làm việc với các công ty phân phối địa phương vì các công ty này không mang chuẩn quốc tế.
Các công ty này lại phải giao việc phân phối sản phẩm cho công ty của Việt Nam có chức năng xuất nhập khẩu và phân phối. Nếu không có chức năng xuất nhập khẩu, công ty dược phải chịu phí ủy thác với chi phí 1,5-3% trên tổng giá trị lô hàng, phí này thay đổi theo sự cồng kềnh của hàng hóa.
Ông N.V.T., Trưởng văn phòng đại diện của tập đoàn chuyên kinh doanh thuốc biệt dược lớn tại Việt Nam, cho biết để phân phối thuốc tại Việt Nam, hãng này phải ký hợp đồng với các công ty phân phối đa quốc gia như Zuellig Pharma (ZP), DKSH Vietnam hoặc Mega Lifesciences... Sau đó, các công ty này phải ký hợp đồng phân phối lại với các công ty ở Việt Nam, vì các công ty Việt Nam mới đủ tư cách pháp nhân để ký hợp đồng, xuất hóa đơn bán hàng và thu tiền.
Lợi ích chằng chịt
Còn đối với thị trường thuốc generic (thuốc phiên bản, nhượng quyền), việc xin cấp số đăng ký dễ dàng hơn so với thuốc gốc. Tuy nhiên, trong đó ẩn chứa nhiều phức tạp, khó kiểm soát.
Nói về việc VN Pharma trúng thầu lớn cung cấp thuốc cho các bệnh viện, một chuyên gia kinh doanh và phân phối dược phẩm tại Việt Nam lâu năm cho biết, những công ty dược phẩm trúng thầu với giá mềm thường tiếp xúc, làm ăn với các công ty nhỏ của châu Á, đặc biệt là những công ty không đăng ký giao dịch trên sàn quốc tế. Làm ăn với những công ty nước ngoài này, các công ty của Việt Nam phải có “máu mặt”, có vốn lớn và quan hệ quốc tế mạnh. Bởi đây là cách làm ăn theo thỏa thuận, không hóa đơn chứng từ, có chuyện gì xảy ra cũng không thể kiện được.
Ví dụ, một viên thuốc sản xuất ở Hàn Quốc có giá thành 2.000 đồng, khi công ty này bán lại cho một công ty phân phối tại Hàn Quốc giá lên 4.000 đồng/viên (phải đóng thuế 5% cho nhà nước Hàn Quốc, và “lo” nội bộ), nhưng đến tay công ty dược phân phối tại Việt Nam, công ty này thỏa thuận với công ty phân phối Hàn Quốc, làm sao để nâng giá viên thuốc lên giá 8.000 đồng. Các công ty Việt Nam lời 2.000 đồng, còn 2.000 đồng nữa để thực hiện những động tác “chung chi” cho bác sĩ, mời các bác sĩ đi du lịch, tham quan, hội thảo... Khi viên thuốc đó về Việt Nam, từ giá 8.000 đồng/viên bán vào bệnh viện nhà nước với giá 9.000 đồng/viên (nếu bán với giá cao hơn, điểm chấm thầu sẽ thấp và sẽ bị loại ra khỏi vòng đấu thầu). 1.000 đồng tiền lời còn lại tại thị trường Việt Nam các công ty thực hiện chi phí trung chuyển.
Vì cùng một mặt hàng, đều phải nhập nguyên liệu như nhau nhưng VN Pharma bỏ giá thầu quá thấp khiến các công ty làm ăn chân chính phải tìm hiểu. Vị chuyên gia này còn khẳng định rằng VN Pharma làm được thì các công ty khác cũng làm được.
Ngành phân phối dược vì thế mà khép kín với các nhóm lợi ích chằng chịt, khó kiểm soát. Lợi nhuận hàng trăm phần trăm khiến ngành này trở nên hấp dẫn. Cũng bởi thế mà cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm đã trở nên vô cùng khốc liệt.