Hai con tin người Nhật mà phiến quân IS dùng để gây sức ép với Tokyo. Ảnh: CNN |
Nhật Bản vẫn bị ràng buộc vì "hiến pháp hòa bình" của nước này, ngăn cản Nhật Bản tham gia những hoạt động chiến đấu. Tuy nhiên, Nhà nước Hồi giáo ngay từ đầu năm 2015 đã thể hiện rõ tổ chức này xem Nhật Bản là kẻ thù, ngay sau khi Tokyo tuyên bố sát cánh cùng Washington trong chiến dịch truy quét khủng bố IS. Khoản tiền 200 triệu USD mà chiến binh của IS nêu trong video công bố 2 con tin cũng là khoản tiền mà Thủ tướng Shinzo Abe thông báo hỗ trợ phi quân sự cho các nước đang đối phó với IS, theo CNN.
Vai trò không tham chiến của Nhật Bản trên trường thế giới không giúp nước này thoát khỏi việc trở thành nạn nhân của thời kỳ khủng bố hậu 11/9. Năm 2003, hai nhà ngoại giao người Nhật thiệt mạng trong một cuộc tấn công phục kích ở Iraq. Một số công dân Nhật bị bắt làm con tin ở Iraq năm 2004 và 2005. Năm 2012, một nhà báo người Nhật thiệt mạng ở Syria. Vào tháng 1/2013, 9 công dân Nhật Bản thiệt mạng trong vụ bắt cóc con tin ở nhà máy dầu tại Algeria gây chấn động thế giới.
Vụ con tin Nhật bị hành quyết gần đây nhất thu hút sự quan tâm của dư luận Nhật Bản vì nhiều lý do. Tuy nhiên, nguyên cớ đầu tiên chính là cách thức khủng bố tinh thần khoa trương của IS, với tối hậu thư có thời hạn, một khoản tiền chuộc khổng lồ, và hình ảnh nạn nhân sau khi bị hành quyết.
Một số người Nhật vẫn tranh cãi về hai con tin, vì sao nhà báo Kenji Goto và nhà thầu quần sự Haruna Yukawa phớt lờ cảnh báo của chính phủ mà đến Syria, nơi nguy hiểm nhất thế giới hiện nay? Tuy dân Nhật cầu mong các con tin được bình an, phần lớn ý kiến đồng tình rằng chính phủ không nên nhượng bộ khủng bố mà chấp nhận trả tiền chuộc.
Người Nhật cũng thắc mắc, vì sao chính phủ không có động thái nào sớm hơn trong việc tìm kiếm và giải cứu các con tin đã mất tích nhiều tháng trời? Khủng hoảng con tin lần này có thể là tiền đề chứng tỏ tình hình bất ổn ở những nơi cách xa Nhật Bản hàng nghìn dặm, qua đó nhấn mạnh Nhật Bản cần áp dụng chính sách an ninh tích cực, chủ động hơn ở bên ngoài khu vực Đông Á.
Một trong 15 kịch bản an ninh mà Tokyo thông qua từ tháng 3/2014 có đề xuất cho phép lực lượng tự vệ sử dụng vũ khí trong các chiến dịch giải cứu con tin ở nước ngoài. Đây là kết quả từ bài học khủng hoảng con tin năm 2013 ở Algeria.