Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao nhà máy xăng sinh học ngàn tỷ ở Bình Phước bỏ hoang?

"Nhà máy không hoạt động do xăng sản xuất ra không thể tiêu thụ. Họ đầu tư xây dựng nhà máy xăng sinh học, nhưng chưa chuẩn bị cho người dân xài", UBND huyện Bù Đăng cho biết.

Khởi công thật rầm rộ vào tháng 3/2010, nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol Bình Phước đã hoàn thành vào đầu năm 2012. Thế nhưng, cũng từ ấy đến nay, chưa bao giờ nhà máy trị giá 81 triệu USD (tương đương hơn 1.600 tỷ đồng) này hoạt động chính thức. Trái lại, suốt 2 năm qua, chỉ vận hành thử nghiệm ngắn ngủi và đến nay, nhà máy ngàn tỷ đồng bị đắp chiếu, bỏ không hoàn toàn.

Dự án hoành tráng

Ngày 20/3/2010, tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PV Oil), tập đoàn Công nghiệp Itochu (Nhật Bản) và công ty Licogi 16, đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol BP (thuộc địa bàn xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh BP). Tổng vốn đầu tư xây dựng nhà máy này khoảng 81 triệu USD; trong đó, Itochu chiếm 49% vốn đầu tư, PV Oil chiếm 29% và Licogi 16 chiếm 22%. Trong tổng vốn đầu tư trên, 30% là vốn tự có của các chủ đầu tư, 70% là vay tín dụng. Lễ khởi công diễn ra hoành tráng, vì đây là dự án được chính quyền và người dân Bình Phước kỳ vọng nhiều.

Nhà máy có công suất thiết kế hơn 100 triệu lít xăng sinh học ethanol/năm, sẽ tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô (tức khoai mì)/năm. Điều này sẽ là cơ hội cho hàng trăm ngàn hộ dân Bình Phước và các tỉnh Nam Tây Nguyên, vốn hàng chục năm nay trồng khoai mì mà không có nơi tiêu thụ ổn định. Sau 21 tháng thi công, vào đầu năm 2012, nhà máy ethanol BP được xây dựng hoàn thành. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong muốn.

Một góc nhà máy ethanol BP đang trong cảnh hoang hóa.

Xây rồi “đắp chiếu”

Vào những ngày này, bất kỳ ai có dịp đến nhà máy ethanol Bình Phước sẽ có chung cảm nhận: nếu trước đây khởi công nhà máy hoành tráng, rầm rộ bao nhiêu, thì nay cả công trình hiện đại vươn lên giữa vùng núi đồi đang trong cảnh... hoang hóa, đìu hiu bấy nhiêu. Cổng nhà máy chỉ có vài bảo vệ qua lại trông coi; phía bên trong nhà máy, mọi thứ bất động, cửa đóng then cài, cây cỏ mọc lên hoang hóa, một số hạng mục đã bắt đầu gỉ sét theo thời gian.

Tại sao một nhà máy trị giá hơn 1.600 tỷ đồng được xây lên, chưa kịp khánh thành đã lâm cảnh đắp chiếu hoang hóa? Qua tìm hiểu, đại diện UBND huyện Bù Đăng cho biết: “Nhà máy không hoạt động hình như là do xăng sinh học sản xuất ra không thể tiêu thụ được. Họ đã đầu tư xây dựng nhà máy xăng sinh học, nhưng lại chưa chuẩn bị cho người dân xài xăng sinh học, nên có bán được đâu. Tiếc cả ngàn tỷ đồng đổ ra xây nhà máy, rồi bỏ không; giá như sử dụng số tiền này làm việc khác lợi biết bao nhiêu...”.

Thật vậy, ngày 20/11/2007, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ra Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg, về phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Nhà máy ethanol BP được xây dựng chính là nhằm đón đầu triển vọng này... Thế nhưng, trên thực tế, xăng ethanol đưa ra sử dụng thử nghiệm trên thị trường lại không thu hút được khách hàng. Trong lúc đó, các điểm phân phối xăng ethanol cũng chưa chuẩn bị hoàn thiện các thiết bị pha, trộn, nâng cấp bồn chứa, xe chuyên dụng...; dẫn đến chi phí cho xăng ethanol có giá thành cao hơn giá xăng dầu truyền thống. Ông Nguyễn Minh Tân - chủ đại lý xăng dầu ở thị xã Đồng Xoài cho biết: “Người dân vẫn chưa quen xài xăng sinh học đâu. Có nhập về cũng ế ẩm, rất khó tiêu thụ”.

Đề cập tới vấn đề này, ông K.Watanabe - cố vấn cấp cao của Itochu (đối tác góp vốn lớn nhất trong liên doanh xây dựng nhà máy ethanol BP) than thở: “Nhà máy đã xây dựng xong, nhưng vì chưa có thị trường xăng sinh học ở Việt Nam nên hoạt động của nhà máy gặp rất nhiều khó khăn”. Itochu hiện đang muốn tháo chạy khi hạ giá rao bán toàn bộ 49% vốn góp vào dự án xây dựng nhà máy xuống chỉ còn 35%, nhưng đến nay vẫn chưa có đối tác nào dám "gánh”.

Trong khi đó, 2 đối tác Việt Nâm là PV Oil và Licogi 16 cũng hoàn toàn bế tắc, chưa tìm được lối ra. Việc nhà máy ethanol BP chưa khánh thành đã rơi vào cảnh đắp chiếu bỏ hoang không chỉ là thảm họa đối với chủ đầu tư, mà còn làm mất niềm hy vọng của hàng trăm ngàn hộ dân chuyên canh cây mì ở tỉnh Bình Phước và các tỉnh Nam Tây Nguyên. Theo phản ánh của một số cán bộ tại nhà máy, chủ đầu tư đã lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho các chi phí bảo trì máy móc, lãi suất ngân hàng, trả lương công nhân đang chờ việc.

http://laodong.com.vn/kinh-te/binh-phuoc-nha-may-ngan-ti-xay-xong-roi-bo-khong-185957.bld

Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm