Trưa 14/4, tin nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời đã làm xôn xao giới nghệ sĩ và công chúng yêu nhạc. Cuối tháng 3, ông nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu.
Sau nhiều ngày điều trị ở bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, ông được gia đình đưa về nhà tĩnh dưỡng. Làng văn nghệ thở phào nhẹ nhõm khi hay tin ông vượt qua cơn nguy kịch. Nhưng tất cả đều bàng hoàng khi chưa đầy một tuần sau đó, nhạc sĩ Buồn ơi, chào mi trở bệnh và lìa xa cõi tạm.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, ca sĩ nhiều thế hệ đều dành cho ông những tình cảm chân thành. Người nhạc sĩ tài hoa được yêu mến bởi nhân cách đẹp và đã có giai thoại thú vị về cuộc đời, sự nghiệp.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 giai đoạn cuối đời không còn sáng tác nhưng vẫn đam mê chơi nhạc. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
Nghệ danh Nguyễn Ánh 9 từ đâu?
Những ai yêu mến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đều bày tỏ thắc mắc trước con số đứng sau tên của ông. Nhiều người bảo, nghệ danh này do người yêu đầu tiên đặt cho ông.
Bởi nếu lấy tên thật Nguyễn Đình Ánh thì nó quá dài, trong khi Nguyễn Ánh lại trùng tên với vua Gia Long. Vì thế, tình đầu đã thêm số 9 sau tên của ông như một con số may mắn theo quan niệm của người phương Đông.
Nhưng sau này, nhạc sĩ Không lại phủ nhận cách lý giải ấy. Ông bảo, số 9 trùng hợp với ký tự tên họ và rơi vào ngày ông lấy vợ nên đã lấy nghệ danh này. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thích nghệ danh này bởi nó đánh dấu sự chuyển mình trong sự nghiệp của ông.
Từ một nhạc công, ông chuyển sang nhạc sĩ sáng tác. Sự thay đổi ấy khiến ông cảm nhận rõ rệt hơn về sự trưởng thành trong ông. Từ một chàng trai ở tuổi dậy thì, ông bước sang độ tuổi trưởng thành, chín chắn.
Đến nay, dư luận vẫn thích tin vào giai thoại đầu tiên hơn bởi những tin đồn về tình yêu lúc nào cũng khiến người ta tò mò.
Làm nghệ thuật, dễ rung động trước những cái đẹp, đặc biệt với những bóng hồng. Nhạc sĩ tài hoa ấy cũng không phủ nhận ông dễ rung rinh trước cái đẹp.
Nhưng ông đặt cho mình giới hạn để không vượt khỏi lằn ranh ấy dù chỉ một bước chân. Bởi ở lứa tuổi 18, ông đã bỏ nhà ra đi để sống trọn với niềm đam mê âm nhạc vì gia đình ngăn cấm.
Ông muốn chứng minh cho bố thấy, dù “xướng ca” nhưng không “vô loài”. Vì vậy, ông sống chừng mực, luôn giữ mình trước cạm bẫy để không sa chân vào cám dỗ.
Những bóng hồng trong cuộc đời
Con người chuẩn mực ấy đã có nhiều bóng hồng đi ngang đời. Mối tình đầu của ông là cô gái hàng xóm. Tình yêu với ông khi ấy đi liền với sự háo hức, muốn ùa vào đời của chàng trai trẻ.
Nhưng định kiến của gia đình khiến họ rời xa nhau trong vô thức. Âm nhạc như cứu cánh của cuộc đời, để ông tựa vào những khi tâm hồn chơi vơi. Nhưng lúc đó, cảm xúc của ông được gửi vào những ngón đàn buồn.
Tình đầu khắc khoải không nguôi, mãi tận sau này, ông vẫn giữ cho mình ký ức thầm kín. Vợ ông, nghệ sĩ thiết hài Ngọc Hân tôn trọng góc khuất của chồng, bà không đả động đến tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ.
Nguyễn Ánh 9 thật thà thú nhận, tình đầu là niềm cảm hứng dạt dào để ông viết nên nhiều ca khúc bất hủ như Ai đưa em về, Không…
Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 luôn tôn trọng và đối xử ân cần với nhau như thời mới yêu. Ảnh: Tiến Quyên |
Cuộc đời ông lại quen biết thêm nhiều bóng hồng khác, trong đó có nhiều người hoạt động trong giới nghệ thuật. Nhưng đến năm 1965, ông đã dừng chân khi tìm được bến đỗ.
Lúc chơi nhạc trong vũ trường, ông quen biết nghệ sĩ thiết hài Ngọc Hân. Nhan sắc và tài năng của cô vũ công đã chinh phục trái tim nhảy múa của chàng nhạc công nhỏ con nhưng đẹp trai. Hai năm sau họ kết hôn.
Nhưng cuộc sống khi ấy khó khăn chồng chất, đặc biệt giai đoạn sau giải phóng. Vì kinh tế, ông phải bỏ nghề để mưu sinh, lo cho 2 con nhỏ.
Hai vợ chồng ông làm việc ở xa suốt một thời gian dài cho đến khi tham gia phong trào văn nghệ. Đến khi ông tạo dựng được tên tuổi qua một loạt các sáng tác đình đám như Không, Ai đưa em về, Xin đừng nói yêu tôi, Buồn ơi, chào mi, Mênh mông tình buồn, Bơ vơ, Cho người tình xa, Mùa thu cánh nâu…
Khi hai vợ chồng cưới nhau, bà Ngọc Hân đã từ bỏ đam mê để làm tròn bổn phận người mẹ, người vợ. Sống với nhau hơn 50 năm, vợ ông trở thành hậu phương vững chắc để giúp chồng yên tâm sống trọn với tình yêu nghệ thuật.
Có giai đoạn, ông bị bệnh nên cả nhà đều muốn cố nhạc sĩ nghỉ ngơi, tạm ngưng hoạt động. Nhưng ông buồn vì xa cây đàn. Nỗi khắc khoải ấy được ông gửi trọn trong ca khúc Lặng lẽ tiếng dương cầm.
Hơn ai hết, vợ ông hiểu được ước muốn của chồng. Bà động viên ông trở lại bởi ngọn lửa âm nhạc trong ông không bao giờ tắt.
Trước tấm chân tình của bạn đời, cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 xúc động viết nên Màu tím tình yêu để tặng bà. Tình yêu của bà không những giúp trái tim đa tình biết dừng lối mà còn chấp cánh cho sự thăng hoa của ông trong nghệ thuật.