Theo Bloomberg, hồi tháng 2/2020, tỷ phú Masayoshi Son - nhà sáng lập SoftBank Group - đến thăm Indonesia để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào thủ đô mới của nước này. Khi đó, doanh nhân Lex Greensill - nhà sáng lập hãng tài chính Greensill Capital - cũng là thành viên của phái đoàn SoftBank.
Trước đó, SoftBank đầu tư 1,5 tỷ USD vào công ty tài chính của ông Greensill. Tuy nhiên, khi hội kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo, tỷ phú Son giới thiệu Greensill là "Money Guy" (người xuất tiền).
Chỉ một năm sau, "người xuất tiền" của tỷ phú Son trở thành "kẻ đốt tiền". Trong tháng 3, Greensill Capital của Lex Greensill sụp đổ bất ngờ và chóng vánh. Đây là một trong những bê bối lớn lớn nhất trong ngành tài chính toàn cầu những năm qua.
Cú ngã ngựa của "Money Guy" còn ảnh hưởng trực tiếp tới một ngân hàng Thụy Sĩ khổng lồ, hai công ty hàng đầu Nhật Bản và đế chế công nghiệp của một tài phiệt người Anh.
Doanh nhân Lex Greensill. Ảnh: Bloomberg. |
Gặp chóng vánh, thân thiết nhanh
Giới quan sát nhận định Greensill Capital là một trong những khoản đầu tư tồi tệ nhất của tỷ phú Son và quỹ Vision Fund, bên cạnh "kỳ lân" WeWork. Dù vậy, kết quả kinh doanh quý I/2021 của SoftBank vẫn rất tươi hồng với khoản lợi nhuận hơn 30 tỷ USD nhờ đợt niêm yết thành công của startup thương mại điện tử Coupang (Hàn Quốc) và việc giá cổ phiếu Didi Chuxing Technology (Trung Quốc) tăng vọt.
Tuy nhiên, bê bối Greensill Capital và WeWork phản ánh rõ những rủi ro trong chiến lược đầu tư ồ ạt của ông chủ SoftBank. Đó là mua phần lớn cổ phần tại nhiều startup, sau đó khuyến khích các công ty này hợp tác với nhau.
Mối quan hệ của tỷ phú Son và Greensill bắt đầu một cách tình cờ. Một nhân viên Vision Fund giới thiệu Greensill với ông Son. Sau đó, đến tháng 5/2019, SoftBank đầu tư 800 triệu USD vào Greensill Capital. Sang tháng 10, quỹ đầu tư của tỷ phú Son rót thêm 655 triệu USD vào công ty tài chính này.
Ông Son và Greensill thường xuyên trao đổi, dù SoftBank đổ tiền vào hơn 80 startup và Greensill Capital không phải là khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn Nhật Bản. Ông Son nhiều lần giới thiệu Greensill trong các sự kiện của SoftBank.
Tỷ phú Masayoshi Son rất thân thiết với Lex Greensill. Ảnh: Reuters. |
Nguồn tin nội bộ từ SoftBank tiết lộ Lex Greensill được tỷ phú Son đối xử đặc biệt tương tự cựu CEO WeWork Adam Neumann và Ritesh Agarwal, nhà sáng lập chuỗi khách sạn Oyo tại Ấn Độ. Hơn một năm qua, Oyo kinh doanh thua lỗ nặng vì tác động của đại dịch Covid-19.
Tại đại hội cổ đông của SoftBank năm 2019, bức ảnh chụp Neumann, Greensill và Agarwal được chiếu trên màn hình lớn. Đại diện SoftBank mô tả họ là "nhóm doanh nhân trí tuệ nhân tạo trong cuộc cách mạng lớn nhất lịch sử nhân loại".
Về phần mình, Lex Greensill luôn khoe về các cuộc trò chuyện với tỷ phú Son. "Một trong những điều tuyệt vời khi gia nhập đại gia đình Vision Fund - ngoài nguồn vốn, mối quan hệ và những lời khuyên - là tôi có một đối tác và cố vấn tuyệt vời như ông Masa", Lex Greensill khẳng định.
Cú ngã đau đớn
Là cựu giám đốc ngân hàng Morgan Stanley, Lex Greensill, 44 tuổi, thành lập Greensill Capital vào năm 2011. Công ty này cung cấp dịch vụ cho vay trên hóa đơn (invoice financing). Trong "đại gia đình" Vision Fund, Greensill Capital làm nhiệm vụ hỗ trợ các startup khác tiếp cận nguồn vốn mà không cần thế chấp tài sản.
Tuy nhiên, nguồn tin từ SoftBank tiết lộ tỷ phú Son quyết định đầu tư vào Greensill Capital với kỳ vọng vào doanh số sau này, chứ không dựa trên kết quả kinh doanh thực tế. Để có tiền hoạt động, Greensill Capital vay vốn từ các quỹ đầu tư của Credit Suisse Group AG.
Việc SoftBank cũng đầu tư vào các quỹ của Credit Suisse dẫn đến cáo buộc xung đột lợi ích. Ngân hàng Thụy Sĩ thực hiện cuộc đánh giá nội bộ và buộc SoftBank rút 700 triệu USD tiền đầu tư ra khỏi các quỹ này.
"Việc một công ty trong cộng đồng Vision Fund làm nhiệm vụ kiếm vốn cho các startup anh em không phải ý tưởng hay. Việc có tiền quá dễ dàng khiến mọi thứ lộn xộn, và bạn không biết liệu mình có đang làm đúng hay không", Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Kirk Boodry của hãng Redex Research (Nhật Bản) nhận định. Chuyên gia Boodry mô tả đây là "sự hợp lực tiêu cực".
Greensill Capital là thất bại lớn tiếp theo của ông chủ SoftBank. Ảnh: Ken Kobayashi. |
Cái tên Greensill liên tục xuất hiện trong các cuộc họp của Vision Fund. Những câu hỏi liên quan đến vốn - vấn đề hóc búa đối với mọi startup - đều được gửi tới Greensill Capital. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tỷ phú Son và "Money Guy" rạn nứt chỉ một tháng sau chuyến đi đến Indonesia.
Tháng 3/2020, đại dịch Covid-19 ập đến, các nhà đầu tư rút hàng tỷ USD khỏi nhóm quỹ của Credit Suisse. Lex Greensill xin ông Son giải cứu. Greensill nói với ông Son rằng Greensill Capital có thể sẽ phải ngừng hỗ trợ tài chính cho các startup trong danh mục đầu tư của SoftBank.
Kể từ đó, tỷ phú Son và "Money Guy" ngừng trao đổi thân tình. Sau đó, ông Colin Fan - người quản lý đầu tư của Vision Fund - không còn tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị của Greensill Capital nữa. Đại diện SoftBank giải thích ông Fan cần tập trung vào những kênh đầu tư khác.
Sau thất bại của WeWork, SoftBank cam kết sẽ không ném tiền ra cửa sổ, nhưng vẫn giẫm chân vào vết xe đổ
Chuyên gia Kirk Boodry của hãng Redex Research
Greensill Capital ngày càng chìm sâu trong khó khăn. Tháng 12/2020, khi Greensill Capital cạn tiền mặt, SoftBank rót thêm 400 triệu USD cho công ty này. “Sau thất bại của WeWork, SoftBank cam kết sẽ không ném tiền ra cửa sổ nữa. Nhưng SoftBank lại giẫm chân vào vết xe đổ. Tỷ phú Son biết Greensill Capital có vấn đề, nhưng vẫn cố chấp rót thêm tiền vào", chuyên gia Boodry chỉ trích.
Tính đến cuối năm ngoái, SoftBank sở hữu khoảng 25% cổ phần Greensill Capital. Ngày 8/3, công ty này nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Anh. SoftBank đang tìm cách lấy lại khoảng 1,15 tỷ USD từ Greensill Capital.
Trong khi đó, Credit Suisse đang đánh giá lại vai trò của các thành viên ban giám đốc - bao gồm cả CEO Thomas Gottstein - về mối quan hệ với Greensill Capital. Tại Đức, các cơ quan quản lý tài chính cũng đang điều tra mối quan hệ của Greensill Capital với nhà tài phiệt Anh Sanjeev Gupta.