Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Vì sao người Việt đi nước ngoài thì tip, trong nước lại không?

Câu chuyện tiền tip của một hiệp hội du lịch địa phương gây chú ý thời gian gần đây. Vấn đề tip hay không tip khi đi du lịch, sử dụng dịch vụ tạo nên nhiều tranh cãi.

tien tip la gi anh 1

Câu chuyện tiền tip của một hiệp hội du lịch địa phương gây chú ý thời gian gần đây. Vấn đề tip hay không tip khi đi du lịch, sử dụng dịch vụ tạo nên nhiều tranh cãi.

Khi nói về chuyện tip của người Việt, đa số đồng tình văn hóa này chưa thực sự phổ biến. Một số ý kiến nhận xét người Việt khi du lịch nước ngoài sẵn sàng tip cho nhân viên, hướng dẫn viên. Tuy nhiên, khi đi du lịch trong nước hay sử dụng dịch vụ, ăn nhà hàng..., họ lại từ chối tip. Dưới đây là quan điểm từ một số chuyên gia du lịch và những người trẻ Việt đã hoặc đang sống ở nước ngoài.


Phan Anh

Cựu nhân viên tập đoàn Rheinland Hotel Kollektion

tien tip la gi anh 2

Tôi có thời gian dài làm trong ngành khách sạn, nhà hàng tại Đức. Trong khoảng 1,5 năm làm dịch vụ ở nhà hàng, tôi nhận được khá nhiều tiền tip - thường là 10-15% hóa đơn. Khoảng nửa năm làm bộ phận tiếp tân, số tiền tip tôi nhận được ít hơn, cỡ 20-50 euro/tuần.

Nhìn chung, ở Đức, văn hóa tiền tip phổ biến nhưng không bắt buộc. Thông thường, mức chung mọi người tip là 10-15% giá trị hóa đơn. Tôi cũng từng tới Italy du lịch. Ở đây, người ta không thường nhận tip nhưng có thu thêm một khoản, tạm gọi là tiền "bát đĩa", cỡ 3-5 euro. Các nước khác tôi không để ý lắm nhưng bản thân vẫn chủ động tip.

Cá nhân tôi ủng hộ chuyện tip vì những người làm ngành dịch vụ thường có thu nhập thấp, công việc vất vả. Kể cả khi tiền tip trở thành thứ bắt buộc, tôi vẫn sẵn lòng trả thêm cho họ. Ở Việt Nam, theo tôi thấy cũng có nhiều nơi áp dụng phí dịch vụ. Nếu trong trường hợp này, tip thêm thì bất hợp lý.


Sơn Tùng

Cựu quản lý khách sạn ở Hà Nội

tien tip la gi anh 3

Tôi chủ yếu làm việc với khách nước ngoài nên chuyện được tip cũng thường xuyên. Có lần ít, lần nhiều nhưng lớn nhất là 100 USD. Lần đó, tôi cũng không chắc vì sao khách tip nhiều vậy. Tôi chỉ có thể đoán là mình thực sự làm người ta vui và vị khách đã coi tôi như một người bạn bản địa.

Thực tế làm việc, tôi thấy khách Việt tip không nhiều như khách Tây. Cứ khoảng 4 khách Tây tip thì sẽ có một khách Việt tip. Đôi khi, người Việt tip đơn giản vì muốn thể hiện bản thân chứ không hẳn do họ hài lòng với dịch vụ.

Tôi có nghe qua câu chuyện gần đây. Nhìn chung, việc tip sẽ giúp tăng thu nhập cho người làm trong ngành du lịch và tạo động lực để xây dựng những sản phẩm tốt hơn. Vấn đề ở chỗ hình thức tip riêng thường chỉ dành cho đối tượng thường xuyên giao tiếp với khách. Do đó, các bộ phận hỗ trợ phía sau đôi khi khá thiệt thòi - dù họ cũng vất vả và góp phần vào chất lượng, thành công của dịch vụ.

Cá nhân tôi ủng hộ việc quy định rõ mức tip. Nó sẽ giúp thay đổi văn hóa và cải thiện thái độ văn minh khi đi du lịch của người Việt Nam. Bởi tiền tip không đơn thuần là việc thể hiện bản thân.


Phạm Hà

CEO Lux Group

tien tip la gi anh 4

Trong ngành du lịch Việt Nam không có yêu cầu bắt khách trả tiền tip. Theo tôi, nguyên tắc của người làm dịch vụ là khách hàng đã trả đủ mọi chi phí, họ chỉ cần tip nếu vui. Chúng ta không thể quy định mức tip.

Thực ra, Việt Nam không có văn hóa tip. Để khiến khách dễ chấp nhận hơn, tôi nghĩ nên thông báo trước với họ. Ví dụ có thể gợi ý nếu khách hàng thỏa mãn với dịch vụ, họ nên tip 2-4 USD/người/ngày.

Chuyện người Việt ra nước ngoài thì tip, ở nhà lại không, tôi nghĩ cũng dễ hiểu. Đó là nhập gia tùy tục. Bạn cứ thử sang Singapore xem có dám vứt rác ra đường không? Hay đến khách sạn 5 sao ở Mỹ, bạn không tip còn lâu nhân viên mới cười với mình. Khi nhân viên xách đồ lên phòng hộ, bạn không tip, họ có khi cũng chẳng đi ra.

Đây là vấn đề văn hóa. Chúng ta ở Việt Nam thì nên làm theo cách của Việt Nam.


Thảo Nguyễn

Cựu du học sinh Mỹ

tien tip la gi anh 5

Tôi chưa đi các nước châu Âu nên không rõ vấn đề tip bên đó thế nào. Tuy nhiên, ở Mỹ, tip là một thứ văn hóa, là luật bất thành văn. Ví dụ, khi bạn vào nhà hàng hay đi sử dụng các dịch vụ làm đẹp, tip là bắt buộc. Tuy nhiên, nếu đơn giản chỉ đến quầy đồ ăn nhanh hay ghé qua mua cốc trà sữa, bạn không nhất thiết phải tip.

Đi ăn ở nhà hàng, khi thanh toán, họ sẽ gửi hóa đơn với một ô trống điền số tiền muốn tip. Sau đó, họ sẽ tự động trừ trong thẻ của bạn. Dĩ nhiên, do không có quy định nên bạn điền số 0 cũng được. Nhưng chắc chắn, bạn sẽ nhận những ánh nhìn khó chịu.

Khi đi nhà hàng với nhóm 6 người trở lên, tiền tip sẽ được tự động tính thêm vào hóa đơn, khoảng 20% hóa đơn. Đây cũng là mức tip phổ biến ở Mỹ. Số tiền tip thấp nhất cũng khoảng 15% hóa đơn. Tôi thường tip trong khoảng từ 18% đến 20% hóa đơn.

Nếu để nói tiền tip bỏ ra có xứng không, tôi nghĩ là có. Ở Mỹ, tôi cảm giác nhân viên thân thiện hơn. Kiểu như tôi luôn cảm thấy họ sẵn sàng giúp đỡ mình, khiến cho mình vui vẻ nhất. Có một số lần, tôi gọi đồ uống nhưng lại thấy không hợp và nhân viên sẵn sàng đổi cho tôi cốc mới. Làm khách hàng vui là điều quan trọng nhất với họ.

Việc người Việt sang nước ngoài thì tip nhưng không tip khi du lịch trong nước cũng khá bình thường. Đây là vấn đề văn hóa. Tới đâu, bạn sẽ phải theo văn hóa nước họ. Câu chuyện này cũng là "nhập gia tùy tục" thôi. Tôi không nghĩ đây là vấn đề để lôi ra chỉ trích du khách Việt.

Doanh nghiệp du lịch than khổ vì giá xăng, dầu

Vấn đề giá xăng tăng ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống, kể cả nhu cầu đi du lịch của khách Việt.

100.000 vé máy bay giá rẻ sắp được bán

Sau 4 lần trì hoãn vì dịch, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2022 (VITM Hà Nội 2022) sẽ được tổ chức từ 31/3 đến 3/4 với nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Công khai mức tiền tip cho hướng dẫn viên Phú Quốc

Hiệp hội Hướng dẫn viên chuyên nghiệp Phú Quốc (Kiên Giang) đã ký văn bản về các mức tiền tip du khách cần trả.

Anh Tú

Bạn có thể quan tâm