Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao người tiêu dùng phải mua trứng đắt?

Gần bốn tháng qua, giá trứng gà tại các trang trại chăn nuôi phía Nam luôn thấp hơn giá thành từ 30-40%, nhưng giá trứng bán lẻ vẫn giữ ở mức rất cao.

Nhiều chủ trang trại tại Đồng Nai, Tiền Giang cho biết TP.HCM là địa bàn tiêu thụ chính, có nhiều chính sách có lợi cho doanh nghiệp buôn bán, song bất lợi cho người chăn nuôi.
 Giá chợ gấp đôi giá trại.

Sáng 1/5, ông Nguyễn Ngọc Hưng (Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai) giao 80.000 trứng gà cho một thương lái tại TP. HCM với giá trung bình 1.100 đồng/quả. Với giá thành trứng hiện ở mức 1.400-1.500 đồng/trứng, ông Hưng đang bị lỗ 20-30 triệu đồng/ngày. Thế nhưng tình trạng này không phải mới diễn ra mà kéo dài từ đầu năm đến nay khiến những người nuôi gà đẻ như ông Hưng lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề. “Gần bốn tháng trời thua lỗ triền miên, tiền tỷ đã ra đi cùng với con gà rồi”, ông Hưng than thở.

Trong khi người chăn nuôi bán trứng dưới giá thành, người tiêu dùng vẫn phải mua trứng giá cao - Ảnh: Hhoàng Thạch Vân
Trong khi người chăn nuôi bán trứng dưới giá thành, người tiêu dùng vẫn phải mua trứng giá cao - Ảnh: Hoàng Thạch Vân.

Thế nhưng, ghi nhận ngoài thị trường cho thấy giá trứng không có nhiều biến động kể từ sau tết. Tại khu vực chợ Việt Hưng (Q.12), hiện giá trứng gà loại 1 bán ở mức 2.000 đồng/trứng, trong khi các loại khác rẻ hơn từ 50 - 100 đồng/trứng. Như vậy, so với giá bán trứng tại trại, giá trứng gà ở chợ lẻ đang cao hơn từ 800-1.000 đồng/trứng. “Từ trước tết đến giờ, hầu như giá trứng không có gì biến động lớn, lâu lâu tăng vài trăm đồng/chục chứ không đáng bao nhiêu” - chị Thúy Tươi, chủ một sạp trứng, cho biết.

Tại một số chợ nội thành TP.HCM, giá trứng gà cũng được bán từ 2.000 - 2.100 đồng/trứng. Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), tiểu thương Bình cho hay sản lượng trứng bán ra hằng ngày tương đối ổn định từ 10 - 15 vỉ, sức mua bình thường không có gì đột biến và mức giá cũng không biến động từ khoảng một tháng qua. Trong khi đó, tại các siêu thị và cửa hàng bán hàng bình ổn, giá trứng lại cao hơn so với giá chợ lẻ. Tại các siêu thị Co.op Mart, Big C, Maximark hay Lotte giá trứng gà được bán trên kệ với mức từ 2.300 - 2.450 đồng/trứng. Riêng tại hệ thống Co.op Mart, trứng gà loại 2 của Vfood bán với giá 2.200 đồng/trứng, tặng kèm thêm hai trứng cho mỗi vỉ...

Chênh lệch ở khâu trung gian

Theo các chủ trang trại chăn nuôi, giá trứng tại trại và bán lẻ chênh lệch quá lớn do khâu trung gian hưởng lợi quá nhiều. Trước đây, khi giá trứng tại trại còn ở mức 1.600-1.700 đồng/trứng, giá trứng bình ổn vẫn là 2.300-2.450 đồng/trứng, còn bán lẻ ngoài chợ ở mức 2.300-2.500 đồng/trứng. Thế nhưng, khi giá trứng tại trại giảm 500-600 đồng/quả (tương đương 30-74%), giá chợ lẻ chỉ giảm nhẹ 200-300 đồng/quả, giá trứng bình ổn vẫn giữ nguyên. “Lẽ ra các cửa hàng và siêu thị bình ổn phải giảm giá trứng cho người tiêu dùng thì họ lại giữ nguyên để hưởng chênh lệch”, ông Hưng nói.

 

Ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết các quy định về xử lý trứng và đóng gói nhằm đảm bảo trứng an toàn dịch bệnh và đảm bảo chất lượng chứ không phải ngăn cản trứng từ bên ngoài hay bảo kê cho các công ty lớn. Theo ông Thảo, nếu các chủ trang trại và cơ sở sơ chế trứng tại địa phương đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì vẫn được đưa ra thị trường.

 

Trong khi đó, nhiều chủ trang trại tính chuyện đưa trứng trực tiếp lên thành phố để bán nhưng đều thất bại vì gặp nhiều rào cản. Theo anh T., một chủ trại gà đẻ quy mô trên 100.000 con tại Chợ Gạo (Tiền Giang), muốn đưa trứng lên TP.HCM trước hết phải thông qua hệ thống đầu nậu với khoảng 10 đầu mối lớn bao tiêu toàn bộ trứng từ các địa phương, chứ không được bán hàng trực tiếp. Ngoài ra, trứng gia cầm đưa ra thị trường phải trải qua khâu xử lý, tiêu độc khử trùng và phải được đóng vào bao bì có nguồn gốc nhãn mác.

Các chủ trại gà cho rằng quy định này chẳng khác nào “bảo kê” cho một số đơn vị phân phối trứng lớn tại TP. HCM có điều kiện mua máy xử lý trứng. Theo các chủ trang trại, trứng gà nuôi tại các trang trại được kiểm dịch, có dấu thú y khi vận chuyển là đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hơn nữa, trứng gà được bọc trong lớp vỏ dày nên không nhất thiết phải qua khâu xử lý phức tạp mà thú y đòi hỏi. “Nếu tình trạng này vẫn tồn tại, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng bị ép giá. Người dân bán giá thấp hơn giá thành nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu mua giá cao”, anh T. cho hay.

http://tuoitre.vn/Kinh-te/605615/vi-sao-nguoi-tieu-dung-phai-mua-trung-dat.html

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm