Trồng thành công giống cà chua Beef kích thước lớn, song bà Phạm Thị Thu Cúc (Lạc Dương, Lâm Đồng) không vui. Một nghịch lý xảy ra với loại nông sản này, đó là quả đúng chuẩn, kích thước 0,5-1kg/trái bị mua với giá thấp, còn những loại bị lỗi, quả nhỏ lại bán được giá cao. Trong khi đó, các loại cà chua khác cũng có nguồn gốc từ Đà Lạt dù giá không rẻ lại khá đắt hàng. Cà chua bi bán tại các siêu thị ở Hà Nội có giá phổ biến khoảng 25.000-28.000 đồng/kg. Còn các loại cà khác khoảng 10-15 trái/kg giá bán ra cũng 15.000 đồng/kg.
Giá cà chua “khủng” 0,5-1 kg/trái trồng thành công ở Đà Lạt là 30.000 đồng/kg. Mức giá nói trên được phát đi vào thời điểm cà chua thường chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng/kg. Đắt gấp rưỡi, gấp đôi so với cà chua giống thường, nhưng nếu tính số lượng, 1 kg cà “khủng” Đà Lạt chỉ được 1-3 trái. Thậm chí, còn xuất hiện thông tin đây là giống cà đột biến gen, nếu ăn có thể gây hại cho sức khỏe... nên khó tiêu thụ.
Cà chua "khủng" ở Đà Lạt không được thị trường ưa chuộng vì không "quen mắt quen tai" với người tiêu dùng. |
Bên cạnh đó, theo ý kiến của không ít người, kích thước lớn cũng là rào cản khiến cho loại cà chua này không được nhiều người tiêu dùng đón nhận. “Quả to bất tiện, nhất là việc bảo quản khi nấu ăn hàng ngày, nếu không dùng hết một bữa”, chị Thu, một bà nội trợ tại Hà Nội cho biết. Theo chị, cà chua không phải là nguyên liệu chính cho một món ăn, mà chỉ là gia vị phụ nên không thể dùng hết 1 kg mỗi bữa ăn. Chị này nói thêm, nếu được bán rộng rãi trên thị trường, có lẽ loại cà chua quả “khủng” như trên chỉ được mua để làm nước ép, không phù hợp cho sử dụng trong các bữa cơm.
Anh Thao, một kỹ sư nông nghiệp cho rằng, thông tin về loại quả này gây tò mò nhiều hơn là nhu cầu mua về dùng thật. “Nông dân Đà Lạt đang trồng ra một loại cà hơi ‘phi thực tế’ với nhu cầu hàng ngày, cũng giống như một nhà thiết kế thời trang cho ra những mẫu quần áo đẹp, nhưng không mang tính ứng dụng”, anh Thao nói.
Ngoài ra, theo anh này, chất lượng loại cà chua "khủng" cũng là dấu hỏi với người tiêu dùng, vì dù giống cà Beef đã được trồng ở nhiều nước châu Âu, nhưng với người Việt là sản phẩm mới. Từ trước tới nay, người tiêu dùng Việt Nam luôn mặc định về những sản phẩm, hàng hóa có yếu tố truyền thống, “quen mắt quen tai”. “Việc xuất hiện một loại hàng lạ, chưa từng có trước đó sẽ kích thích tâm lý tò mò, nhưng cũng khiến người mua đặt ra những câu hỏi về nguồn gốc thực sự”.
Bị nhầm là cà chua Trung Quốc là sự cố đáng tiếc với giống cà “khủng” tại Đà Lạt. Theo nhiều chuyên gia, Đà Lạt cần xây dựng kênh thông tin về nông sản, công khai quy trình trồng, giống, cũng như tiêu chí của sản phẩm nông nghiệp đúng chuẩn.