Vào mùa nước nổi, ở miền Tây nông dân nghèo không đất, nếu không chài lưới cá, tôm thì ra đồng cào bắt ốc bươu vàng. Nghề “làm chơi, ăn thiệt” nhưng năm nay gặp con nước kém, dân cào ốc cũng kém nguồn thu.
Nước kém, ốc ít
Hỏi chuyện bắt ốc, anh Bảy Hào, nông dân ở kênh Tư Ký, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (Cần Thơ) nói như đổ cho ông trời: “Không hiểu tại sao tới con nước Rằm tháng 9 âm lịch nhưng nước lên đồng chỉ lấp xấp. So với con nước vào lúc này năm ngoái còn thấp hơn 3 tấc (30 cm), chống xuồng vô chưa được thì làm sao bắt ốc?”.
Sau mùa gặt lúa vừa rảnh tay, dân chờ nước lên kiếm thêm thu nhập. “Mấy mùa nước trước, mỗi đêm hai vợ chồng anh Sáu trong xóm đẩy cào ốc bươu vàng thu 100 kg, ốc nguyên con lớn nhỏ bán đổ đồng 800 đồng/kg, kiếm được 150.000 - 200.000 đồng/ngày.
Năm nay, nhà anh Sáu “đói meo” vì đồng không có nước, cá ít, ốc cũng chẳng kiếm được. Anh Sáu chờ sốt ruột mà không thấy nước lên nên chạy qua Rạch Giá (Kiên Giang) tìm việc làm thuê cho người bà con. Bây giờ ốc bươu vàng có giá bán trên 1.000 đồng/kg và khỏi cần chở đi xa, mỗi sáng có sẵn mối lái tới cân tại bến.
Diệt ốc vừa bảo vệ mùa màng vừa giúp nông dân nghèo có thêm thu nhập. |
Về Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Ngọc, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp cho biết, vào mùa nước nổi đêm nào ông cũng chống xuồng đi bắt ốc. Sau đó, ông về đổ ốc vào nồi luộc và lấy ruột. Phần thịt ốc bán cho thương lái. Nhưng có người trong xóm ông Ngọc vì có thời gian và phương tiện, họ chở đến chợ huyện Long Mỹ (Hậu Giang) bán cho mấy nhà vựa, giá 1 kg cao hơn vài ngàn đồng.
Cùng một huyện, anh Hà Minh ở ấp 5, xã Hòa An, kể: Cho dù mỗi vụ lúa nông dân rải thuốc trên ruộng diệt trừ ốc bươu. Khổ nỗi khó tận diệt, ốc bươu dạt xuống kênh, mương. Mỗi năm tới mùa nước nổi ốc bươu lại sinh sôi nhanh vô kể. Trên những cánh đồng ngập nước mênh mông phía sau nhà, anh bắt ốc để làm mồi nuôi cá lóc trong vèo. Thu nhập từ nuôi cá lóc có lãi vài triệu đồng không khó.
Chỉ chừng 2 năm qua do nước lũ đầu nguồn không đổ về nhiều, phần do nhiều người bắt ốc và biết tận thu nguồn lợi này làm mồi nuôi cá đồng, tôm sú nên loại ốc này ít dần. Mùa nước năm nay có lẽ nước lên không nhiều, ốc càng có giá tăng cao, ốc thịt sau khi luộc nhể ra bán 15.000 - 17.000 đồng/kg. Mỗi đêm cũng kiếm được trên 150.000 đồng.
Ốc bươu vàng đi đâu?
Ốc bươu vàng gây hại mùa màng, dù nhiều năm qua bằng nhiều cách nông dân diệt trừ vẫn chưa hết. Gần đây khi nhiều người nhận ra việc bắt ốc bươu làm mồi nuôi cá, nuôi vịt, ba ba…vào mùa nước nổi là có lợi và cũng là một cách mưu sinh, tăng thêm thu nhập. Dần dần ốc bươu trở nên hút hàng, bán được giá cao và dù có nhiều bao nhiêu cũng có thương lái mua hết?
Nông dân cào ốc chỉ biết bán cho thương lái là hết. Thương lái bán ốc cho ai là chuyện của họ. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, một số thương lái đặt hàng ốc chỉ mua phần thịt ốc cắt mặt sau khi luộc nhể ra, bỏ phần ruột ốc và họ nói là bán qua Trung Quốc.
Anh Huỳnh Minh Khánh, một thương lái chuyên thu mua và vận chuyển OBV ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ cho hay, hiện nay mỗi ngày cơ sở của anh thu mua 2 - 3 tấn ốc đã qua sơ chế, còn ngày nhiều có trên 4 - 5 tấn.
Sau đó anh chuyển về Rạch Giá (Kiên Giang) bán cho mối lái đường xa, vận chuyển theo xe đông lạnh đi các tỉnh phía Bắc, nghe nói là để xuất sang Trung Quốc. Hiện nay có nhiều cơ sở cũng giống anh cung cấp ốc bươu vàng qua sơ chế và tập kết hàng về Kiên Giang để bán theo cách này...
Thu gom ốc bươu vàng như hiện nay quả là biện pháp “nhất cử lưỡng tiện”, vừa có ích cho nghề nuôi thủy sản vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhà nông, vừa diệt trừ nó bảo vệ mùa màng. Ở các tỉnh có vùng ngập lụt sâu như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang…, vào mùa nước xưa nay thường giăng câu, lưới cá, nay có thêm nghề “săn” ốc.
Các cán bộ nông nghiệp huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang thừa nhận, nông dân bắt ốc bươu với cách làm thủ công nhưng đã gián tiếp giúp giảm chi phí thuốc BVTV phòng trừ loài dịch hại cho vụ lúa đông xuân.
Ông Đỗ Xuân Phúc, Phó phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ: “Trước đây nông dân bắt OBV chủ yếu làm mồi nuôi cá. Sau khi thị trường có nhu cầu, ốc bươu có giá tăng lên giúp nông dân nghèo có thêm thu nhập. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo nông dân cần hiểu rằng, ốc bươu là loài vật phá hại ruộng lúa, do đó không vì cái lợi trước mắt mà nuôi dưỡng loài vật này”.