Chụp ảnh tự sướng được cho là trào lưu chụp ảnh vĩ đại nhất trong trong thời đại của chúng ta. Tại sao chúng ta luôn hứng thú với việc chụp và chia sẻ những hình ảnh tự chụp, cùng với đó là so sánh hình ảnh của bản thân với những người khác, là những câu hỏi đến từ nhà thần kinh học từ trường đại học cao đẳng London James Kilner, theo BBC.
Trong nhiều tình huống đời sống hàng ngày, chúng ta dành rất nhiều thời gian cho việc đánh giá gương mặt cũng như biểu lộ cảm xúc của người khác. Thật vậy, có thể đọc và phản ứng một cách chính xác những biểu hiện trên nét mặt người khác là một trong những chìa khóa dẫn đến sự thành công trong giao tiếp.
Xuyên suốt cuộc đời mỗi con người, chúng ta trở thành những chuyên gia trong việc nhìn nhận, đánh giá gương mặt và những biểu hiện cảm xúc của người khác. Ngược lại, con người lại có rất ít kinh nghiệm trong việc tự đánh giá khuôn mặt của bản thân.
Chúng ta chỉ tự hình dung biểu cảm khuôn mặt chính mình thông qua cảm nhận trong sự di chuyển các nét mặt. Thiếu hình ảnh trực tiếp về gương mặt khiến chúng ta có những hình dung sai lệch về vẻ mặt bản thân trong mọi thời điểm.
Một thử nghiệm yêu cầu người tham gia xem hình của họ và thể hiện lại vẻ mặt trong hình. Đa số không thể thực hiện một cách chính xác các biểu hiện trên khuôn mặt, trừ khi họ có một chiếc gương để đối chứng.
Chúng ta không thực sự biết mình trông như thế nào. Khi mọi người được yêu cầu chọn ra một bức ảnh mà họ nghĩ giống với bản thân mình nhất, từ một loạt các bức hình đã được chỉnh sửa để trông đẹp hoặc xấu hơn, họ đã rất khó khăn để chọn ra những bức ảnh gốc.
Đó không phải điều đáng ngạc nhiên, vấn đề ở chỗ người ta có xu hướng chọn những tấm hình đã qua chỉnh sửa khiến họ trông xinh xắn hơn.
Nói cách khác, chúng ta luôn tưởng tượng mình trẻ hơn, đẹp hơn thực tế.
Điều này giải thích một phần chứng nghiện tự sướng, khi nó cho phép chúng ta tạo ra những hình ảnh của mình, trẻ hơn, đẹp hơn theo đúng ý chúng ta muốn.