Sau khi TP.HCM áp dụng phiếu mua hàng theo ngày và khung giờ, nhiều siêu thị xảy ra tình trạng xếp hàng đông đúc, người dân chờ 2-3 giờ vẫn chưa tới lượt. Nhiều người cho biết để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm đủ cho gia đình dùng trong tuần, họ phải mất cả buổi sáng.
Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương ngày 3/8 xác nhận có tình trạng này.
"Do số lượng chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động khá lớn, người dân chủ yếu đổ về kênh phân phối siêu thị. Đặc biệt tại những khu vực không có siêu thị mà chỉ có cửa hàng tiện lợi, người dân khi đến nơi thì không còn hàng để mua", ông Phương nói.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết việc phát phiếu do địa phương cơ sở chủ trì, song chưa có sự phối hợp chặt chẽ với điểm phân phối. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp các quận, huyện rà soát quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực tại các khu vực; chủ động làm việc với hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng... để đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng.
Người dân xếp hàng chờ đến lượt theo phiếu vào siêu thị mua hàng ở TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm. |
Đồng thời, Sở Công Thương yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát khi thực hiện phân chia khung thời gian, số lượng người, đảm bảo khống chế lượng khách ra - vào phù hợp, tránh tập trung đông đúc.
Ông Phương cũng cho biết trong sáng 3/8, Sở liên tục nhận được thông tin từ đầu mối cung ứng rất nhiều mặt hàng cho thành phố. Nguồn hàng từ các địa phương cung ứng thành phố cũng rất dồi dào, ổn định.
Tính đến 3/8, TP.HCM có 29/237 chợ truyền thống hoạt động trở lại; 2.763 cửa hàng tiện lợi mở cửa; hơn 130 điểm bán hàng lưu động; thành phố đang triển khai thêm 41 điểm bán lưu động với 71 đầu xe.
Ngày 2/8. Sở Công thương đã làm việc với chuỗi cửa hàng tiện lợi GS 25 tại TP.HCM, mở rộng 87 điểm kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống nhằm chia sẻ áp lực.