Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM không thiếu thực phẩm, nhưng cần thêm kênh phân phối hàng hóa

Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM khẳng định nguồn hàng cung ứng cho thành phố không thiếu, vấn đề khó khăn hiện nay là thiếu điểm bán và kênh phân phối đến người dân.

Chiều 30/7, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết hiện nay thành phố chỉ còn 27/237 chợ truyền thống hoạt động. Tuy nhiên, những chợ này chủ yếu ở ngoại thành.

Ông Phương thừa nhận vấn đề của thành phố lúc này không phải khan hiếm nguồn hàng mà là thiếu kênh phân phối, điểm bán để đáp ứng nhu cầu cho người dân.

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM nhìn nhận thời gian qua, khi hàng loạt chợ truyền thống ngưng hoạt động, áp lực mua sắm hàng tươi sống thiết yếu của người dân dồn vào các siêu thị. Các khu vực đông dân cư gặp khó trong tiếp cận hàng hóa.

"Với nhu cầu hiện nay, các hệ thống chỉ được hoạt động từ 7h đến 17h, thời gian mua sắm của người dân bị ngắn lại, điểm bán giảm xuống nên việc đưa hàng hóa đến người dân cần nhiều nỗ lực hơn nữa", ông Phương nói.

TP.HCM thieu diem ban,  nguoi dan kho tiep can thuc pham tuoi song anh 1

Chợ truyền thống vắng bóng khiến áp lực mua sắm đổ dồn về các siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: Hà Bùi.

Mặt khác, ông Phương cho biết trong khi các tỉnh miền Tây đồng loạt bước vào mùa thu hoạch, việc vận chuyển hàng vào TP.HCM gặp nhiều khó khăn, chi phí đắt đỏ. Điều này gây nên tình trạng dồn ứ, tồn đọng hàng hóa ở các địa phương.

Để tháo gỡ tình trạng này, Sở Công Thương TP.HCM đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, Sở Công Thương tăng cường mở lại điểm bán lương thực, thực phẩm tươi sống với điều kiện đáp ứng an toàn phòng, chống dịch.

Đồng thời, cơ quan này đề nghị cho mở rộng chuyển đổi phương thức bán hàng, tức người dân có thể đăng ký giỏ hàng tại các điểm bán, và đơn vị bán sẽ ra đơn chứ không cần mua sắm trực tiếp.

Ngoài ra, ông Phương cho biết Sở Công Thương đang tính phương án tăng lên 100 đầu xe bán hàng lưu động tại các quận, huyện. Từ đó, quận, huyện sẽ đăng ký cho tiểu thương đứng ra nhận hàng, bán lại trên địa bàn.

TP.HCM trải qua 22 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, kể từ 9/7. Các dịch vụ ăn uống mang về phải tạm dừng, người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Từ 24/7, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu người dân trên địa bàn hạn chế ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau.

Từ ngày 27/4 đến tối 30/7, TP.HCM ghi nhận 86.063 ca mắc Covid-19.

TP.HCM có nhiều nhà cung ứng thịt, Vissan chỉ chiếm thị phần nhỏ

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM khẳng định thành phố có nhiều nhà cung ứng thịt khác, Vissan chỉ chiếm khoảng 10% thị phần.

Thư Trần - Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm