Vì sao Mỹ trở thành mục tiêu khủng bố?
Nước Mỹ phải hứng chịu những vụ khủng bố đẫm máu như không tặc 11/9/2001, thảm sát Sandy Hook và mới nhất là đánh bom Boston bởi chính mâu thuẫn nội bộ cũng như loạt động thái "gây hấn" với thế giới Hồi giáo.
Nước Mỹ chưa nguôi nỗi kinh hoàng của vụ khủng bố 11/9/2001 khiến gần 3.000 người thiệt mạng thì lại phải chứng kiến các vụ khủng bố lẻ như vụ xả súng vào rạp chiếu phim Người Dơi, thảm sát trường học Sandy Hook và tiếp đến là vụ đánh bom gần đích đường đua marathon Boston ngày 15/4. |
Yếu tố Hồi giáo đóng vai trò chính trong số những động cơ này. Theo Wiki, PBS (mạng truyền thông công cộng bất vụ lợi gồm 349 đài truyền hình làm thành viên ở Mỹ) ước tính năm 2009, cộng đồng Hồi giáo có khoảng từ 1,2 đến 1,57 tỷ người trên thế giới, chiếm khoảng 20% dân số thế giới. Khoảng 13% số người Hồi giáo sinh sống tại Indonesia, 20% tại Nam Á, 2% tại Trung Á, 4% tại các quốc gia Đông Nam Á khác, và 15% tại châu Phi hạ Sahara. Ở Trung Đông, số người Hồi giáo chiếm khoảng 20% tổng số tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới. Trong khi đó người Hồi giáo chiếm đến 90% dân số ở Trung Đông.
Mỹ không có thuộc địa ở Trung Đông nhưng lại có mặt ở các nước này để khai thác dầu mỏ, chẳng hạn như Ả-rập Xê-Út, đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Sự có mặt của Mỹ ở Ả-rập Xê-Út không phải là lực lượng quân đội mà là các công ty khai thác dầu dựa trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Lối sống tự do, phóng túng của người Mỹ đi ngược lại với lối sống khép kín của người Hồi giáo và khiến người Hồi giáo khó chịu. Chưa cần phải làm điều gì có hại, chỉ riêng sự xuất hiện của người Mỹ trong vai trò các nhà đầu tư, khai thác theo quan niệm của người Hồi giáo đã gieo rắc văn hóa phương Tây, đi ngược lại những gì được cho là nền tảng luân lý xã hội của người Hồi giáo. Thêm vào đó là ý nghĩ, Mỹ đến đất nước của họ để khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ mà thiên nhiên ban tặng cho họ. Điều đó đã khiến người Hồi giáo thấy thực sự không thoải mái và ghét Mỹ.
Sự cuồng tín tôn giáo khiến họ càng khép kín với thế giới và đời sống kinh tế của họ trở nên lạc hậu. Nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan quy những thất bại của họ là do phương Tây và Mỹ. Do đó họ nung nấu lòng thù hận và xây dựng tổ chức khủng bố để rửa hận.
24/7 Wall St tháng trước đăng tải kết quả khảo sát của Gallup về 10 quốc gia ghét chính quyền của Tổng thống Obama nhất, trong đó có nhiều nước ở Trung Đông nơi người Hồi giáo sinh sống, đứng đầu là Pakistan, 79% người dân ghét Mỹ, tiếp đó là Palestine 77%, Algeria 67%, Lebanon 64%, Ai Cập 62%, Iran 61%, Iraq 60%, Yemen 59%, Hy Lạp 57% và Serbia 57%.
Ngoài ra, nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan cho rằng Mỹ và phương Tây tấn công họ. Một bài viết trên Christian Post dẫn lời của ông Denison, người sống trong thế giới Hồi giáo trong suốt 30 năm cho hay, những phần tử Hồi giáo cực đoan cho rằng, phương Tây đã tấn công họ từ thời Thập tự chinh khi Giáo hoàng Urban II tuyên bố cuộc chiến chống lại người Hồi giáo năm 1095. Tấn công vào bất kỳ tín đồ đạo Hồi nào đều bị coi là tấn công vào cả cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới.
Như vậy, việc Mỹ hỗ trợ Israel, đất nước Do Thái, trong cuộc chiến với người Palestine được coi như Mỹ tấn công vào toàn bộ thế giới Hồi giáo.
Theo Wiki, sau Thế chiến thứ 2, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề xuất việc phân chia Palestine thành 2 nhà nước, một nhà nước Ả Rập và một nhà nước Do Thái với Jerusalem sẽ thuộc quyền quản lý của Liên Hiệp Quốc. Đa số người Do Thái tại Palestine ủng hộ đề xuất này trong khi đó người Ả Rập Hồi giáo lại phản đối. Ngày 14/5/1948, nhà nước Israel của người Do Thái được thành lập. Trong cuộc chiến 6 ngày (1967), Israel đã chiếm Jerusalem, thành phố quan trọng với cả người Hồi giáo và người Do Thái.
Jerusalem là thánh địa quan trọng nhất đối với người Do Thái bởi vì theo Kinh Thánh Do Thái, chính nơi đây vua David của Israel đã xây dựng Thủ đô của vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây Đền thờ đầu tiên. Còn trong truyền thống Hồi giáo dòng Sunni, đây là thành phố quan trọng thứ 3 (sau Mecca và Medina). Vụ Israel chiếm đóng Jerusalem càng khiến người Hồi giáo thêm phẫn nộ.
Osama bin Laden trong Lá thư gửi Mỹ ngày 24/11/2002 cũng đưa ra lý do vì sao al-Qaeda lại tấn công Mỹ: “Câu trả lời rất đơn giản. Bởi vì chúng (Mỹ) không ngừng tấn công chúng tôi”.
Những kẻ Hồi giáo cực đoan không chỉ buộc tội Mỹ hỗ trợ Israel, cho quân hiện diện ở Trung Đông mà còn cho rằng Mỹ “xuất khẩu” văn hóa sang nơi sinh sống của người Hồi giáo qua các bộ phim, âm nhạc, Internet và các phương tiện truyền thông đại chúng khác.
Phần lớn người Hồi giáo là người yêu chuộng hòa bình. Theo thống kê của Gallup, sau vụ tấn công 11/9/2001 làm rung chuyển nước Mỹ, 93% người Hồi giáo thể hiên là những người yêu chuộng hòa bình, 7% là những kẻ cực đoan. Tuy nhiên, chỉ 7% của khoảng 1,5 tỷ tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới thôi cũng tương đương với 100 triệu kẻ cực đoan, điều đó thật nguy hiểm.
Lý do tiếp theo là chính sách ngoại giao của Mỹ, như việc Mỹ tiến hành các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan khiến vô số người Hồi giáo vô tội thiệt mạng khiến họ tích tụ thù hận. Sự phẫn nộ của người Mỹ biến thế giới Hồi giáo trở thành môi trường thuận lợi giúp các nhóm khủng bố tuyển chọn chiến binh thánh chiến. Một bằng chứng rất rõ đó là việc trùm khủng bố bin Laden có thể hoạt động tại Pakistan suốt một thời gian dài mà vẫn qua mặt được Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ là một quốc gia đa sắc tộc, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao (theo thống kê của Bộ Lao Động, tới tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 7,6%), khoảng cách giàu nghèo vẫn còn lớn. Trong lòng xã hội Mỹ có những kẻ cực đoan, không hòa nhập vào cuộc sống không hài lòng với chính sách của Chính phủ và cảm thấy mình bị cô lập và tự cực đoan hóa bản thân.
Nguy cơ của các cuộc khủng bố tự phát
Sau khi nước Mỹ bị rung chuyển bởi vụ tấn công 11/9/2001, an ninh Mỹ đã vô hiệu hóa được nhiều mạng lưới khủng bố có quy mô trên đất Mỹ như tiêu diệt bin Laden, trùm khủng bố al-Qaeda. Nhất cử nhất động của bọn khủng bố đều khó có thể qua mặt được an ninh Mỹ, nước Mỹ có vẻ yên ả hơn. Thế nhưng vụ đánh bom ở sự kiện marathon ở Boston lại một lần nữa khiến người Mỹ cảm thấy bất an trong chính đất nước của mình.
Vụ tấn công của anh em nhà Tsarnaev người gốc Chechnya (Nga) cho thấy, cuộc chiến chống lại những kẻ cực đoan riêng lẻ trong lòng nước Mỹ là vô cùng khó khăn và rất khó phát hiện. Chúng chọn thời điểm là Ngày yêu nước của Mỹ và chọn sự kiện thể thao marathon lớn ở Mỹ để đánh bom nhằm gây thiệt hại khó có thể lường trước được.
đỗ quyên
Theo Infonet