Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Mỹ để thêm một ngân hàng phá sản

Một số ý kiến cho rằng giới chức Mỹ để Signature Bank phá sản nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của tiền mã hóa đối với ngành ngân hàng tại nước này.

Cái kết của Signature Bank đã được dự đoán từ trước. Ảnh: Reuters.

Theo CNBC, vào ngày 10/3, những khách hàng của Signature Bank đã rút hơn 10 tỷ USD tiền gửi do những lo ngại từ vụ sụp đổ của Ngân hàng SVB.

Việc khách hàng ồ ạt rút tiền khiến Signature Bank nhanh chóng dẫn đến kết cục phá sản. Sự kiện đánh dấu vụ nhà băng sụp đổ lớn thứ 3 trong lịch sử Mỹ. Một số ý kiến cho rằng vụ việc lần này thể hiện thái độ quay lưng của giới chức xứ cờ hoa trước các ngân hàng có liên quan mật thiết đến tiền mã hóa.

Số phận của các ngân hàng liên quan tới tiền mã hóa

Điểm chung của các ngân hàng phá sản trong khoảng thời gian gần đây là đều có hoạt động giao dịch liên quan đến tiền mã hóa.

Signature Bank là một trong những ngân hàng lớn của ngành công nghiệp tiền mã hóa. Đơn vị có 40 chi nhánh với khối tài sản lên tới 110,36 tỷ USD. Trong đó, số tiền gửi trong năm 2022 là 88,59 tỷ USD.

Ngân hàng này đã có những động thái mở cửa đối với hoạt động giao dịch tiền mã hóa vào năm 2018. Điều này đã giúp Signature Bank thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi trong những năm gần đây.

SVB anh 1

Sự sụp đổ của SVB đã làm lung lay niềm tin của công chúng đối với ngành ngân hàng tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Ông Barney Frank, cựu chính khách tại Hạ viện Mỹ kiêm thành viên HĐQT của Signature Bank, cho rằng tình hình ngân hàng vẫn ổn định tại thời điểm các cơ quan quản lý can thiệp.

“Chúng tôi không ghi nhận dấu hiệu bất thường nào cho đến ngày 10/3. Đó hoàn toàn là ảnh hưởng đến từ SVB”, ông Barney Frank chia sẻ.

Việc một số ngân hàng Mỹ có sự gắn bó mật thiết tới tài sản của những công ty khởi nghiệp về tiền mã hóa và công nghệ đã trở thành trung tâm của sự chú ý.

Chuỗi sự việc này bắt đầu được “châm ngòi” vào tuần trước khi Ngân hàng Silvergate, đơn vị cung cấp các dịch vụ tài chính về tiền mã hóa, tuyên bố phá sản.

Sự sụp đổ của đơn vị trên đã được dự đoán từ lâu. Tuy nhiên, điều này vẫn khiến công chúng trở nên hoang mang đối với các ngân hàng có mức bảo hiểm tiền gửi không cao.

Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và các startup đã rút hết tiền gửi tại SVB vào ngày 9/3. Ngân hàng này là nhà cung cấp vốn vay cho khoảng một nửa số công ty công nghệ và chăm sóc y tế có vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ. Việc lượng tiền rút ra quá lớn đã dẫn đến sự phá sản của SVB vào ngày 10/3.

Sự sụp đổ của SVB đã tạo áp lực đến Signature, First Republic cùng nhiều ngân hàng khác. Nhiều người lo ngại rằng tiền gửi của họ có thể bị khóa hoặc xóa sổ, một trong hai điều có thể đặt dấu chấm hết cho các công ty khởi nghiệp.

Trong thông báo chung về việc đóng cửa Signature, Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết quyết định này nhằm ngăn chặn khả năng lan rộng của cuộc khủng hoảng sau vụ sụp đổ của SVB.

Thông điệp của giới chức Mỹ

Theo ông Frank, khi làn sóng lo ngại lan rộng vào cuối tuần trước, các khách hàng của Signature Bank đã chuyển tiền gửi sang những ngân hàng lớn hơn, bao gồm JPMorgan Chase và Citigroup.

Vị này cũng cho biết các giám đốc điều hành của Signature đã tìm kiếm “đủ mọi cách” để củng cố tình hình của ngân hàng, bao gồm cả việc tìm thêm vốn và những đơn vị mua lại tiềm năng.

Ông Frank chia sẻ thêm rằng việc rút tiền gửi từng có thời điểm diễn ra chậm lại và các giám đốc điều hành tin rằng họ đã ổn định được tình hình.

Tuy nhiên, các lãnh đạo hàng đầu của Signature đã nhanh chóng bị sa thải và ngân hàng chính thức sụp đổ vào ngày 12/3.

Các cơ quan quản lý cho rằng sự sụp đổ của SVB và Signature Bank gây ra rủi ro đối với việc ổn định tình hình tài chính trong nước. Bên cạnh đó, giới chức Mỹ tuyên bố khách hàng vẫn có quyền truy cập vào khoản tiền gửi và các dịch vụ sẽ không bị gián đoạn.

Các cơ quản lý đang muốn đưa ra thông điệp đối với những ngân hàng tại Mỹ. Họ không muốn các giao dịch tiền mã hóa diễn ra tại nhà băng

Ông Barney Frank, cựu chính khách tại Hạ viện Mỹ kiêm thành viên HĐQT của Signature Bank

Theo Fortune, việc các cơ quan quản lý sẵn sàng để Signature Bank phá sản nhằm cảnh báo các ngân hàng tại Mỹ nên tránh xa các hoạt động kinh doanh tiền mã hóa.

“Các cơ quản lý đang muốn đưa ra thông điệp đối với những ngân hàng tại Mỹ. Họ không muốn các giao dịch tiền mã hóa diễn ra tại nhà băng”, ông Barney Frank trả lời phỏng vấn. Vị này còn cho rằng giới chức Mỹ đã cố gắng lấy Signature Bank làm ví dụ cho thông điệp này.

Trong quá khứ, ông Frank là một trong những người góp phần tạo nên Đạo luật Dodd-Frank nhằm tăng cường sự giám sát của chính phủ đối với ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chuyên gia: 'Lòng tham là gốc rễ của thảm họa SVB'

Giới quan sát cho rằng nguồn cơn của thảm họa SVB là một vấn đề mang tính hệ thống. Huyền thoại đầu tư Michael Burry chỉ trích nhiều người đã chấp nhận "rủi ro một cách ngớ ngẩn".

Giá vàng tăng phi mã sau thảm họa SVB

Dòng tiền trú ẩn an toàn đổ xô vào vàng sau vụ sụp đổ lớn thứ 2 lịch sử ngân hàng Mỹ. Điều này đẩy giá vàng tăng vọt.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Thanh Vũ

Bạn có thể quan tâm