Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao một loạt ‘ông lớn’ mất nghìn tỷ sau kiểm toán?

Cả HAGL, HAGL Agrico cùng nhiều doanh nghiệp "ông lớn" khác cùng có sự chênh lệch hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận giữa báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính công ty tự lập.

Trong khi lợi nhuận thu về trong báo cáo tài chính nhiều doanh nghiệp tự lập ghi nhận kết quả khả quan, tăng mạnh so với cùng kỳ thì số liệu ghi nhận sau kiểm toán lại có sự chênh lệch rất lớn. Hàng loạt doanh nghiệp lớn bị điều chỉnh giảm hàng trăm tỷ đồng tiền lãi sau kiểm toán.

Công ty bầu Đức 'mất' hàng trăm tỷ lãi

cac doanh nghiep giam lai sau kiem toan anh 1
Cả hai công ty của bầu Đức đều bị giảm lãi mạnh sau kiểm toán. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Hai doanh nghiệp của bầu Đức là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HAG) và Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) của bầu Đức mới đây đã bị kiểm toán điều chỉnh giảm hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.

Cụ thể, trong báo cáo 2 đơn vị này tự lập trước đó, HAGL và HAGL Agrico ghi nhận lần lượt 1.056 tỷ và 951 tỷ đồng lãi trước thuế. Tuy nhiên, sau kiểm toán, hai khoản lãi lớn này đã bị điều chỉnh giảm tới 430 tỷ tại HAGL và 509 tỷ đồng tại HAGL Agrico.

Nguyên nhân chủ yếu khiến bộ đôi công ty của bầu Đức giảm mạnh lợi nhuận, do sau kiểm toán doanh thu tài chính bị điều chỉnh giảm, trong khi hàng loạt chi phí như tài chính, quản lý và đặc biệt là chi phí khác tăng mạnh.

Theo lãnh đạo HAGL, nguyên nhân gây ra khoản chênh lệch lên tới hơn 600 tỷ tiền lãi của công ty là sai sót chuyên môn của các nhân viên kế toán.

cac doanh nghiep giam lai sau kiem toan anh 2

Ngoài việc bị điều chỉnh giảm lãi, kiểm toán viên của E&Y có ý kiến ngoại trừ về khả năng thu hồi đối với 4.023 tỷ đồng khoản phải thu từ các bên liên quan. Trong khi phía công ty bầu Đức cho rằng các dự án này đi vào hoạt động có lợi nhuận thì khả năng thu hồi các khoản nợ sẽ dễ dàng.

Hai 'ông lớn' ngành bia chung số phận 

Điều tương tự cũng xảy ra tại 2 doanh nghiệp bia là Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Số liệu ghi trên báo cáo Sabeco tự lập ghi nhận doanh thu thuần năm 2017 đạt 34.165 tỷ và báo lãi ròng 5.137 tỷ đồng. Thế nhưng số liệu lợi nhuận trong báo cáo kiểm toán lại giảm tới 189 tỷ, còn 4.948 tỷ đồng, trong khi doanh thu tăng nhẹ.

Chênh lệch này đến từ việc hàng loạt chi phí bị điều chỉnh tăng như giá vốn (122 tỷ); bán hàng (24 tỷ); quản lý doanh nghiệp (82 tỷ)... Tuy nhiên, chi phí tài chính lại được điều chỉnh giảm 55 tỷ nên giảm bớt phần khấu hao vào lợi nhuận công ty.

cac doanh nghiep giam lai sau kiem toan anh 3
Chênh lệch giữa 2 BCTC của Sabeco. Nguồn: SAB.

“Người anh em” Habeco cũng bị điều chỉnh giảm gần 100 tỷ tiền lãi ròng so với mức 754 tỷ đồng trước đó. Nguyên nhân cũng đến từ việc điều chỉnh giá vốn hàng bán trong năm, nhưng tại Habeco, khoản chi phí khác bị điều chỉnh tăng tới 74 tỷ đồng khiến khoản lợi nhuận khác chuyển từ dương 43 tỷ thành âm 33 tỷ, và trừ thẳng vào lợi nhuận.

Ngoài ra, BCTC kiểm toán của Habeco cũng điều chỉnh giảm tới gần 2.200 tỷ vốn chủ sở hữu, do quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2016-2017 bị điều chỉnh giảm.

 “Vua gỗ” Trường Thành giảm 91% lợi nhuận

BCTC kiểm toán của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) ghi nhận năm vừa qua công ty chỉ thu về 2,3 tỷ đồng lãi ròng, giảm đến 10 lần so với lợi nhuận ghi nhận trên báo cáo “vua gỗ” tự lập trước đó.

Chênh lệch này chủ yếu đến từ sự điều chỉnh tăng hàng loạt chi phí. Trong đó, giá vốn tăng 25 tỷ sau kiểm toán, do thay đổi trích lập dự phòng hàng tồn và dở dang thi công tại các công trình. Bên cạnh đó là chi phí khấu hao; loại trừ lợi nhuận chưa thực hiện và phân loại lại chi phí cũng cộng thêm 7,9 tỷ vào giá vốn.

cac doanh nghiep giam lai sau kiem toan anh 4

Khoản chênh lệch lớn nhất đến từ thu nhập và chi phí khác. Trong khi thu nhập khác giảm mạnh 68,4% do phải phân loại lại chi phí lãi vay được miễn giảm của ngân hàng, thì chi phí khác tăng do phân loại lại chi phí không liên quan.

Kết quả, lợi nhuận khác của công ty giảm mạnh từ dương 7,5 tỷ xuống âm hơn 14,5 tỷ đồng.

Đại gia Nhựa Bình Minh và 49 tỷ tiền truy thu thuế

Một trong những doanh nghiệp sản xuất nhựa lớn nhất Việt Nam là Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) cũng bị điều chỉnh giảm gần 7 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán, từ mức 471 tỷ đồng, do điều chỉnh các số liệu về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Ngoài ra, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến về số tiền hơn 49 tỷ đồng truy thu thuế TNDN năm 2009-2010 mà công ty tạm nộp và hạch toán vào mục chi phí khác.

Theo lãnh đạo công ty, khoản tiền truy thu này phát sinh khi đơn vị tiến hành cổ phần hóa và niêm yết, nên được hưởng chính sách miễn, giảm thuế. Công ty đã làm việc trực tiếp với Cục thuế, và sẽ xử lý ngay sau khi xin ý kiến ĐHCĐ thường niên năm 2018.

cac doanh nghiep giam lai sau kiem toan anh 5
Sau khi sở hữu 49,89%, Tập đoàn The Nawaplastic Industries (Saraburi) tiếp tục muốn nâng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên hơn 50%.

Tuy không bị giảm mạnh lợi nhuận sau kiểm toán nhưng BCTC kiểm toán của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (PLX) lại cho thấy tổng tài sản hợp nhất đến cuối năm 2017 của công ty giảm 4.781 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó, xuống còn 61.770 tỷ.

Theo giải thích từ lãnh đạo Petrolimex, nguyên nhân chính khiến tài sản giảm đột biến là do trình bày lại khoản đầu tư vào ba công ty con, theo phương pháp vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, tập đoàn giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex xuống 40,95% sau khi doanh nghiệp này phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời 2 khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Xây lắp I và Xây lắp III cũng giảm xuống dưới 50%, do tập đoàn rút người đại diện vốn khỏi HĐQT.

Petrolimex mất gần 4.800 tỷ đồng sau kiểm toán

Tổng tài sản của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex mã chứng khoán PLX) sau khi kiểm toán giảm 4.781 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, tương đương mức 7%, còn 61.770 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, Sabeco 'mất' gần 190 tỷ đồng lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2017, doanh thu Sabeco ghi nhận 34.193 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 4.948 tỷ đồng, con số này giảm khoảng 4% so với trước kiểm toán.




Hoàng Thanh

Bạn có thể quan tâm