Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao mặt cỏ của sân Mỹ Đình 10 năm không được thay mới?

Sân Mỹ Đình chưa được đại tu toàn bộ lần nào kể từ khi đưa vào hoạt động hồi năm 2003.

Sân Mỹ Đình thuộc quyền quản lý của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, đơn vị tự chủ tài chính 100% từ năm 2012, với nhiều bất cập và nằm trong diện thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ.

Năm 2003, sân Mỹ Đình được đưa vào sử dụng để phục vụ SEA Games 22, kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức trên sân nhà. Cho đến nay, sân vận động này vẫn là biểu tượng của thể thao Việt Nam, nhưng nó đang xuống cấp theo thời gian khi không được duy tu, bảo dưỡng định kỳ.

Vi sao san My Dinh 10 nam khong thay mat co anh 1

Toàn cảnh sân Mỹ Đình trước trận tuyển Việt Nam gặp Australia tối 7/9. Ảnh: Việt Linh.

Chưa bao giờ sân được đại tu toàn bộ

Gần nhất, 2 khán đài C và D cùng một số hạng mục được cải tạo, chống sụt lún từ cuối năm 2020 và mới hoàn thành cách đây không lâu. Năm 2009, đường pitch bắt đầu xuống cấp và cần được sửa chữa, thay mới.

Chất lượng kém khiến sân Mỹ Đình từng bị Liên đoàn Điền kinh châu Á từ chối tổ chức các giải đấu trong hệ thống. Hiện trạng nhem nhuốc, xuống cấp nghiêm trọng kéo dài 7 năm, dự án thay mới mặt đường piste mới bắt đầu được triển khai và phải tới năm 2020 mới hoàn thành. Ngoài ra, sân Mỹ Đình cũng thay mặt cỏ sân tập một lần trong giai đoạn này và toàn bộ số tiền phục vụ cải tạo, thay mới của tất cả hạng mục nói trên đều trích từ ngân sách.

Theo ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình, đơn vị này không thay thế mặt cỏ bởi không cần thiết. "Khoảng 5 năm là phải thay mới, nhưng đến giờ đã 10 năm mặt cỏ vẫn chưa được thay mới. Nguyên nhân là vì tổ chức quá ít trận đấu, việc thay thế là không hiệu quả", ông nói với Zing hôm 8/9.

Chứng kiến chất lượng sân Mỹ Đình, người hâm mộ ngao ngán, bởi mặt sân gồ ghề, không đảm bảo chất lượng khi tổ chức trận Việt Nam gặp Australia tối 7/9. Theo chuyên gia chăm sóc cỏ Stuart McCheyne, cựu Trưởng bộ phận chăm sóc cỏ của PVF, khẳng định không khó để có mặt cỏ đạt chuẩn châu Âu.

"Sân vận động có mặt cỏ tốt nhất châu Âu là Parc des Princes của PSG. Nếu chấp nhận đầu tư dài hạn, việc có mặt cỏ như sân của PSG nằm trong tầm tay. Mất 600.000 USD để xây mới hẳn mặt sân đạt tiêu chuẩn như Parc des Princes", chuyên gia này nói. Tuy nhiên, việc này không dễ gì để thực hiện với riêng sân Mỹ Đình trong bối cảnh hiện tại.

Vấn đề là không chỉ có mặt cỏ sân Mỹ Đình xuống cấp, rất nhiều trang thiết bị, phòng chức năng, cơ sở vật chất nói chung của sân này đều đã xuống cấp nghiêm trọng và cần sửa chữa hơn. Theo ghi nhận, tình trạng loang lổ, tường nứt, mất vệ sinh tại đây diễn ra trầm trọng và cần sớm được khắc phục.

Ngày 9/9, mặt sân Mỹ Đình được nhân viên đào xới, xử lý lại. Tuy nhiên, đây chỉ là công việc nằm trong quy trình chăm sóc cỏ. "Chúng tôi triển khai để chuẩn bị cho các trận đấu vào tháng 11. Đây là việc bình thường, sau mỗi trận đấu, chúng tôi đều phải xới mặt cỏ và chăm sóc lại từ đầu", ông Hổ cho hay.

Vi sao san My Dinh 10 nam khong thay mat co anh 2

Vết nứt, vết vá tường loang lổ xuất hiện khắp nơi tại sân Mỹ Đình. Ảnh: Việt Linh.

Sai phạm hàng trăm tỷ đồng

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải trả 350 triệu đồng để sử dụng sân Mỹ Đình phục vụ trận tiếp Australia. Con số nói trên đã "mềm" hơn nhiều so với giai đoạn đỉnh điểm. Trận đấu của CLB Arsenal được ban quản lý sân "hét" giá lên tới 1,5 tỷ đồng. Một số trận đấu thuộc AFF Cup tại đây cũng có giá lên tới 800 triệu đồng.

Ngoài các trận đấu của tuyển Việt Nam, sân Mỹ Đình còn là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và phục vụ các sự kiện giải trí lớn. Chưa hết, khuôn viên sân từng có thời gian bị xẻ nhỏ cho thuê làm lớp dạy võ, quán cafe, sân tennis, chuỗi nhà hàng... Nhiều lô đất trống thuộc khuôn viên khu cũng được cho các đơn vị khác thuê để sử dụng với mục đích riêng.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ công bố hồi tháng 6 về việc thanh tra toàn diện về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia, Hà Nội, giai đoạn 2009-2018, Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình thu 30-60 tỷ mỗi năm, trong giai đoạn được chính phủ giao thí điểm tự chủ tài chính.

Theo kết luận từ Thanh tra Chính phủ, số tiền liên quan tới sai phạm gần 777 tỷ đồng, đến từ việc cho thuê đất khi chưa được đồng ý của cơ quan chức năng, cho thuê đất nhưng để tiền ngoài sổ sách. Số tiền này làm được 53 mặt cỏ mới theo tiêu chuẩn châu Âu, gấp gần 4 lần so với kinh phí duy tu, sửa chữa sân phục vụ SEA Games 31 sắp tới.

Hiện tại, toàn bộ 120 cán bộ, nhân viên thuộc quản lý của nơi này đồng loạt bị giảm lương, tối thiểu 50% vì hết tiền quỹ. "Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới nguồn thu của khu liên hợp. Chúng tôi là đơn vị tự chủ tài chính 100%, vì thế thu nhập của mọi người đều dựa vào các nguồn thu. Đây là tình hình chung, chúng tôi phải chấp nhận chứ không có cách khác", Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Nguyễn Trọng Hổ nói với Zing.

Highlights vòng loại World Cup: Việt Nam 0-1 Australia Bàn thắng duy nhất của Rhyan Grant giúp đội khách Australia giành 3 điểm trước Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á tối 7/9.

Sân Mỹ Đình cần đầu tư bao nhiêu tiền để mặt cỏ đạt chuẩn châu Âu?

Chia sẻ với Zing, chuyên gia chăm sóc cỏ Stuart McCheyne khẳng định không mất quá nhiều thời gian để cải thiện chất lượng mặt cỏ của sân Mỹ Đình.

Giám đốc sân Mỹ Đình: 'Mặt cỏ đã 10 năm chưa được thay mới'

Trước những chỉ trích về vấn đề mặt cỏ tệ hại, Giám đốc sân Mỹ Đình Nguyễn Trọng Hổ đã lên tiếng sau trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Australia ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Đỗ Hải

Bạn có thể quan tâm