Từ năm 2014 đến nay, những lần căng thẳng leo thang nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây đều liên quan Ukraine.
"Một dân tộc"
Sau khi Liên Xô tan rã, một thế giới nơi Ukraine, Nga và Belarus hoàn toàn độc lập khỏi Liên Xô trở thành điều các nhà lãnh đạo Nga lo ngại.
Vấn đề không chỉ ở việc Ukraine là quốc gia đông dân thứ hai, và có sức mạnh kinh tế cũng đứng thứ hai trong số các nước cộng hòa còn lại. Hơn thế nữa, suốt hàng thế kỷ, Ukraine đã đóng vai trò định hình bản sắc Nga.
Là trung tâm của một đại công quốc thời Trung cổ có tên gọi Kyivan Rus, kéo dài từ biển Trắng ở phía bắc, đến biển Đen ở phía nam, Kyiv được coi là cái nôi của văn hóa Nga và Belarus, đồng thời là nền tảng của đức tin Chính thống giáo.
Hai quốc gia vốn đã có mối liên hệ từ thế kỷ thứ IX và sử dụng ngôn ngữ gần giống nhau. Cho đến nay, nhiều người Nga cảm thấy giữa mình và Ukraine tồn tại một mối liên kết mà họ không cảm nhận được đối với các quốc gia khác thuộc khối Liên Xô cũ.
Đến thời kỳ Tổng thống Putin, ông đã ám chỉ điều này trong một bài phát biểu vào tháng 6/2021, khẳng định người Nga và người Ukraine là một dân tộc cùng chia sẻ "không gian lịch sử và tâm linh" duy nhất.
Vì vậy, nhà lãnh đạo Điện Kremlin nhận định sự xuất hiện của một "bức tường" giữa họ trong những năm gần đây là một bi kịch. Việc Ukraine thân phương Tây - khối luôn đối chọi với Nga là điều “không thể chấp nhận được".
Vị trí chiến lược
Ukraine còn giữ vị trí “địa chính trị" quan trọng mà Nga không sẵn sàng để mất. Phát biểu trên truyền hình vài tuần sau cuộc chiến kéo dài 5 ngày giữa Nga và Georgia hồi tháng 8/2008, Tổng thống Nga lúc đó, ông Dmitry Medvedev, cho biết Nga, cũng như các quốc gia khác, có những khu vực mà nước này có lợi ích đặc biệt.
Khi được hỏi “những khu vực ưu tiên” này có phải các vùng giáp biên giới với Nga hay không, ông Medvedev đã khẳng định chắc chắn.
Vài tháng sau, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố về “mối quan hệ độc đáo” ràng buộc Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Ông nói về "sự thống nhất của nền văn minh" trong lãnh thổ từng là Liên bang Xô viết và trước đây là Đế quốc Nga.
Sau sự tan rã của Liên Xô, 15 quốc gia độc lập ra đời, thường được gọi là các quốc gia hậu Xô Viết. Có thể chia những nước này thành bốn khối chính: Các quốc gia vùng Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), các quốc gia Slav (Nga, Belarus, Moldova, Ukraine), các quốc gia vùng Caucasus (Armenia, Azerbaijan, Georgia) và các quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan).
Theo cách gọi của Nga, 14 nước kia là những quốc gia "gần nước ngoài", ngụ ý họ chưa thực sự độc lập khỏi ảnh hưởng của nước Nga.
15 quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết, theo thứ tự bảng chữ cái: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine, Uzbekistan. Đồ họa: Guardian. |
Qua những kinh nghiệm trong lịch sử, Nga luôn thấy mình dễ bị tổn thương và mất an ninh vì lãnh thổ quá rộng lớn và thiếu các rào chắn tự nhiên.
Do vậy, việc duy trì ảnh hưởng với các nước láng giềng, từ đó tạo thành vùng đệm đã trở thành một trong những trụ cột chính trong chiến lược đối ngoại và an ninh của Nga.
Thế nhưng, bất hòa giữa Nga và Ukraine đã xuất hiện sau khi Kyiv bắt đầu tiếp cận với Liên minh châu Âu (EU). Kể từ khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych, người có khuynh hướng thân Nga, bị lật đổ vào năm 2014, Ukraine càng ngày càng tiến gần hơn về phía của phương Tây, và đã tổ chức tập trận chung với NATO. Điều này khiến Moscow quan ngại.
Châu Âu phụ thuộc vào Nga khoảng 1/3 lượng khí đốt tự nhiên. Điều này tạo đòn bẩy cho ông Putin trong bất kỳ tranh chấp nào với phương Tây. Tuy nhiên, một trong những đường ống chính vận chuyển khí đốt đi qua Ukraine. Việc kiểm soát lãnh thổ Ukraine sẽ tăng cường an ninh đường ống của Nga và bảo vệ khả năng "vũ khí hóa" năng lượng, theo Reuters.
Quan trọng nhất, Ukraine có các cảng chính trên Biển Đen và chung biên giới với 4 quốc gia NATO. Ông Putin nói rằng mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Ukraine và NATO có thể biến nơi này trở thành bệ phóng cho tên lửa NATO nhắm thẳng vào Nga trong trường hợp xảy ra xung đột.
Chiến lược của ông Putin
Sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991 đã để lại cho nước Nga một lãnh thổ với nền kinh tế và dân số suy kiệt nghiêm trọng.
Tổng thống Putin, người từng gọi sự tan rã của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ trước, đã sử dụng phần lớn nhiệm kỳ của mình để khôi phục ảnh hưởng của Moscow trong toàn bộ không gian hậu Xô Viết, thách thức phương Tây và cố gắng khẳng định Nga như một cường quốc toàn cầu.
Việc giữ cho thế giới phải "đoán già đoán non" về khả năng xảy ra một cuộc tấn công vào Ukraine có thể phù hợp với những mục tiêu đó. Nó đã buộc các yêu cầu an ninh của Nga được xem xét và đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế.
Chiến lược này cũng mở đường cho hàng loạt cuộc đối thoại của những nhà lãnh đạo quyền lực nhất phương Tây với ông Putin, mặc dù Moscow phải đứng trước nguy cơ đối mặt các biện pháp trừng phạt quốc tế quyết liệt.
Sau 22 năm lãnh đạo Nga, một số nhà phân tích tin rằng ông Putin có thể đang cân nhắc về di sản của mình và tìm cách hoàn thành công việc còn dang dở ở Ukraine.
Một cuộc khủng hoảng sẽ giúp người đứng đầu Điện Kremlin ngăn chặn sự “dịch chuyển” về phương Tây và tiếp tục đặt Kyiv trong tầm ảnh hưởng của mình - điều mà Ukraine, NATO và Mỹ đều nói rằng họ sẽ không bao giờ chấp nhận.
Một số chuyên gia nhận định căng thẳng hiện nay tại Ukraine cũng có thể là chiến lược để ông Putin bảo vệ quyền cai trị của chính mình, bên cạnh những câu chuyện lịch sử tô vẽ bề ngoài.
Trong cương vị lãnh đạo, Tổng thống Putin có thể xem một nước Ukraine thân phương Tây là mối đe dọa vì "tạo cảm hứng" cho những nhóm phản đối trong nước. Do đó, Moscow cần thể hiện thái độ từ sớm.
Thế nhưng, nhìn theo khía cạnh khác, tình hình của Ukraine cũng giúp thỏa mãn “mong muốn có kẻ thù” của ông Putin như một cách để đoàn kết người dân và nâng cao tầm quan trọng của nhà lãnh đạo.
Theo Economist, những thông tin được tuyên truyền cho thấy một nước Nga lớn mạnh đã trở thành một pháo đài bị bao vây. Mỹ là kẻ thù chính. Ukraine và những người phản đối ở Belarus, cũng như ở chính nước Nga đều là tay sai của Mỹ.
Trong bài báo “Về sự thống nhất lịch sử của người Nga và người Ukraine”, được xuất bản vào tháng 7/2021, ông Putin mô tả cách những người thừa kế “Cổ thành Rus” đã bị chia rẽ bởi các thế lực thù địch và giới tinh hoa phản bội. Ông cũng nói về việc Ukraine đã từ “không phải Nga” trở thành “chống Nga” - một thực thể về cơ bản không tương thích với các mục tiêu của Moscow.