Cách đây không lâu, hãng bánh kẹo Kinh Đô cho biết có thể mở rộng sản xuất sang các sản phẩm mì gói, dầu ăn và nước mắm trong vòng 3 năm tới, nhằm thích nghi với tốc độ tăng trưởng đang chậm lại của nền kinh tế. Trả lời phòng vấn Bloomberg, giám đốc tài chính Kelly Wong của Kinh Đô cho biết những sản phẩm hiện có của công ty vẫn còn mang nhiều tính thời vụ. Các dịp lễ, tết sản phẩm Kinh Đô bán khá chạy và doanh thu có phần kém hơn tại những thời gian bình thường của 1 năm. Vị này cũng cho biết Kinh Đô muốn bán thêm những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thường xuyên của khách hàng.
Việc sở hữu một phạm vi rộng về nhóm hàng thực phẩm sẽ giúp Kinh Đô tận dụng tối đa mạng lưới phân phối đem về lợi ích kinh tế lớn hơn trong năm, ông Wong nhấn mạnh. Theo số liệu của IMF, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm vừa qua đạt mức thấp nhất kể từ năm 1999.
Trong những lĩnh vực mới, Kinh Đô không đặt mục tiêu phải lên vị trí số 1, mà muốn thoái mái ở những vị trí số 3 hay số 4. |
Theo nhận xét của ông Michel Tosto, trưởng bộ phận khách hàng tổ chức và môi giới công ty chứng khoán Bản Việt, Kinh Đô là một thương hiệu nội địa mạnh và khá phổ biến tại Việt Nam, điều này sẽ giúp cho việc tung ra sản phẩm mới có chi phí quảng cáo rẻ hơn so với các công ty khác trên thị trường.
Chiến lược thích nghi khi tăng trưởng kinh tế chậm lại
Giai đoạn từ 1990-1999, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam trung bình đạt 7,4%, giảm xuống còn 6,9% trong thập niên tiếp theo. Kể từ năm 2010, mức tăng trưởng chỉ còn hơn 6% theo số liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF . IMF còn cho biết GDP Việt Nam trong năm nay có khả năng tăng trưởng 5,3% và 5,4% vào năm sau.
Trong buổi trả lời phỏng vấn ngày 10/10, ông Wong cho biết “Kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ khiến chúng tôi phải làm việc nhiều hơn trước. Điều này buộc Kinh Đô phải có tầm nhìn xa hơn, tìm kiếm những sản phẩm mới nhằm đóng góp vào việc duy trì sự tăng trưởng của công ty hoặc có hoạt động kinh doanh ổn định”.
Năm ngoái, doanh thu của Kinh Đô đạt 4,29 nghìn tỷ đồng tăng 1% so với cùng kỳ 2011, lợi nhuận đem về đạt 354 tỷ đồng, tăng 28%. Mặt hàng bánh quy đóng góp lớn nhất vào doanh thu, với tỷ trọng 26%, trong đó bánh ngọt chiếm 18%, bánh bánh trung thu chiếm 17%, kem chiếm 14%, theo thông tin từ Kinh Đô trong tháng 5 vừa qua.
Những mặt hàng mới mà Kinh Đô hướng đến bao gồm Mỳ gói, dầu ăn và nước mắm- những sản phẩm thiết yếu được tiêu thụ hàng ngày.
Thách thức gia nhập thị trường rất lớn
Cạnh tranh trong ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể khi chính phủ thương lượng để gia nhập vào hiệp định TPP với sự cạnh tranh đáng kể từ các nước Nhật Bản, Mỹ.
Giám đốc tài chính của Kinh Đô cũng thừa nhận các tập đoàn đa quốc gia là một thách thức lớn đối với Kinh Đô. Ông Wong nhấn mạnh “Họ sẽ không dễ gì bỏ qua một thị trường tiềm năng lên tới 90 triệu người”.
Theo giám đốc hãng tư vấn Baker & McKenzie Việt Nam Fred Burke, khi những điều khoản trong hiệp định TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm cạnh tranh với Kinh Đô sẽ có khả năng hạ xuống.
Một trong những đối thủ lớn đối với dòng sản phẩm mới của Kinh Đô phải kể đến tập đoàn Masan, vốn đứng đầu thị trường nước mắm Việt Nam và Acecook - đang dẫn đầu thị trường mì ăn liền. Ông Wong cho biết, Kinh Đô sẽ không đặt mục tiêu cạnh tranh vị trí đứng đầu với những doanh nghiệp này.
Không hướng tới vị trí đứng đầu
Ông Wong cho biết, gia nhập thị trường đã có sẵn những người dẫn đầu khá tốn kém về chi phí và mục tiêu của Kinh Đô là thoải mái với vị trí thứ 3 hoặc 4, sản phẩm mới có thể tăng trưởng nhanh về quy mô. Vị giám đốc này cũng cho biết thêm Kinh Đô sẽ rút hoàn toàn khỏi một số dự án đầu tư, qúa trình này có thể kéo dài vài năm. Kinh Đô sẽ tập trung vào hoạt động lõi là kinh doanh thực phẩm.