Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao không thể tích hợp giấy phép lái xe trên ứng dụng VneID?

Dù đã tải và kích hoạt ứng dụng định danh điện tử (VNeID) cấp độ 2, người dùng chưa thể tích hợp được giấy tờ như giấy phép lái xe dạng thẻ PET (thẻ nhựa).

Anh Nguyễn Văn T. (ở Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết sau khi tải và kích hoạt ứng dụng VNeID trên điện thoại, anh cũng thử tích hợp thẻ BHYT, giấy phép lái xe lên ứng dụng. Dù làm đầy đủ theo hướng dẫn, anh T. vẫn không thể tích hợp được cả hai loại giấy tờ trên.

"Tôi quay lại thử tìm thông tin bằng lái xe của tôi trên trang của Cục Đường bộ Việt Nam thì vẫn có đầy đủ thông tin, nhưng VNeID lại từ chối với lý do: Không có thông tin trên cơ sở dữ liệu của Bộ GTVT. Tôi không biết phải làm sao?", anh T. băn khoăn.

ung dung VneID anh 1

Nhiều người phản ánh không thể tích hợp giấy phép lái xe lên ứng dụng VNeID.

Tương tự, chị Hương (ở Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết: "Tôi đã đổi giấy phép lái xe từ bản giấy sang bản nhựa (PET) nhưng vẫn không thể tích hợp trên ứng dụng VNeID".

Trước những băn khoăn của bạn đọc, VietNamNet đã trao đổi với đại diện Cục Đường bộ Việt Nam để làm rõ hơn về nội dung này.

Theo vị đại diện, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (C06, Bộ Công an) xác thực thành công 31,3 triệu bản ghi giấy phép lái xe (GPLX) với dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc làm này nhằm đảm bảo hệ thống định danh tự động tra cứu để hiển thị lên ứng dụng VNeID cho công dân.

Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận còn một số bản ghi giấy phép lái xe dù có trong hệ thống thông tin giấy phép lái xe nhưng chưa được xác thực với dữ liệu quốc gia về dân cư (VneID).

Lý giải tình trạng này, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng nguyên nhân do số chứng minh thư nhân dân loại 9 số để cấp giấy phép lái xe khác với số căn cước công dân. Nghĩa là, với những trường hợp khi cấp giấy phép lái xe sử dụng chứng minh thư nhân dân loại 9 số, khác với số căn cước công dân 12 số, nên khi cập nhật thì chưa hiển thị trên VNeID.

Trường hợp khác là do giấy phép lái xe bìa giấy, hoặc giấy phép lái xe có thay đổi thông tin… thì cũng chưa hiển thị trên VNeID.

“Thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục phối hợp với C06 hoàn thiện phần mềm và cung cấp các công cụ cho phép người dân tự đối soát, đồng bộ dữ liệu về chứng minh thư nhân dân và căn cước công dân để hiển thị được thông tin GPLX trên VneID”, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Được biết, trong năm 2022, Sở GTVT trên cả nước đã cấp đổi gần 64 triệu giấy phép lái xe các loại. Trong đó có gần 43.000 giấy phép lái xe quốc tế và gần hơn 63 triệu giấy phép lái xe quốc gia.

Ngày 18/7/2022, ứng dụng định danh điện tử (VNeID) trên thiết bị di động thông minh được Bộ Công an chính thức đưa vào sử dụng.

Ứng dụng VNeID ra đời để sử dụng thay thế những giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên nền tảng kỹ thuật số. Theo đó, VNeID tích hợp tất cả giấy tờ cá nhân của công dân trên nền tảng kỹ thuật số như: Căn cước công dân, giấy phép lái xe, thẻ Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội,…

Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư hướng dẫn người dân có thể tích hợp GPLX và BHYT vào ứng dụng VNeID ngay tại nhà theo cách sau:

Bước 1: Nâng cấp VNeID lên phiên bản 2.0.7

Bước 2: Đăng nhập vào ứng dụng, tại màn hình chính chọn "Ví giấy tờ"

Bước 3: Chọn "Tích hợp thông tin"

Bước 4: Chọn "Tạo mới yêu cầu" và lần lượt nhập thông tin giấy phép lái xe/thẻ bảo hiểm sau đó gửi đi.

Sau khi tích hợp bằng lái xe và thẻ bảo hiểm y tế và được phê duyệt, người dân hoàn toàn có thể sử dụng ứng dụng VNeID thay thế 2 loại giấy tờ này và các giấy tờ khác với điều kiện đã đồng bộ các giấy tờ này vào tài khoản định danh mức 2.

Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, mọi người nên cập nhật VNeID phiên bản 2.0.7 để sử dụng trải nghiệm ứng dụng VNeID mới nhất.

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.

https://vietnamnet.vn/vi-sao-khong-the-tich-hop-giay-phep-lai-xe-tren-ung-dung-vneid-2162015.html

N. Huyền/VietNamNet

Bạn có thể quan tâm