Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao khối ngoại đổ tiền mạnh vào chứng khoán Việt Nam?

Các nhà đầu tư ngoại đang có đợt mua ròng mạnh nhất trong vòng 5 năm do sức hấp dẫn của giá cổ phiếu và nỗ lực của Chính phủ nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Vì sao khối ngoại đổ tiền mạnh vào chứng khoán Việt Nam?

Các nhà đầu tư ngoại đang có đợt mua ròng mạnh nhất trong vòng 5 năm do sức hấp dẫn của giá cổ phiếu và nỗ lực của Chính phủ nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, từ đầu năm đến ngày 28/5, các quỹ ngoại đã mua ròng lượng cổ phiếu Việt Nam trị giá 254 triệu USD, cao nhất trong cùng kỳ các năm từ 2008 đến nay. Khối ngoại tin tưởng rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có được năm tăng trưởng đầu tiên kể từ 2010, nhờ lạm phát đi xuống và chi phí vay vốn giảm.

Bloomberg cũng dẫn dữ liệu từ trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, trong 4 tháng đầu năm, số nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam là lớn hơn trong cả năm 2012. Từ đầu năm tới ngày 30/4, đã có 16.238 nhà đầu tư nước ngoài được cấp tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, so với con số 16.001 nhà đầu tư nước ngoài được cấp tài khoản trong năm 2012.

 

Bên ngoài Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Chỉ số VN-Index đã tăng 25% từ đầu năm, đưa Việt Nam trở thành thị trường tăng điểm mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đà tăng điểm của thị trường diễn ra trong bối cảnh các nhà chức trách Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ cho tăng trưởng và giải quyết những vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế. Từ đầu năm 2012 đến nay, ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất 8 lần. Chính phủ mới đây cũng đã thông qua việc thành lập công ty xử lý nợ xấu.

Dù đã tăng điểm mạnh từ đầu năm, hệ số P/E (giá/thu nhập) của các cổ phiếu thuộc chỉ số MSCI Vietnam Index chỉ ở mức 13,2 lần, thấp hơn 18% so với mức trung bình của 5 thị trường lớn nhất trong khu vực. “Chúng tôi thích thị trường Việt Nam, vì thị trường này có một số động lực cốt lõi hỗ trợ nền kinh tế và cả thị trường chứng khoán trong dài hạn. Việc thành lập một công ty giải quyết nợ xấu sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và kích thích tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đã cắt giảm lãi suất và chúng tôi cho rằng, việc cắt giảm sẽ còn tiếp tục”, ông Samir Shah, Giám đốc đầu tư của quỹ Advance Emerging Capital có trụ sở ở London, viết trong một bức e-mail gửi Bloomberg.

Theo dự báo của Bloomberg, lợi nhuận của các công ty trong chỉ số MSCI Vietnam Index sẽ tăng 16% trong năm nay, đánh dấu năm tăng đầu tiên kể từ 2010. “Mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài dành cho Việt Nam đang ở mức cao nhất kể từ khi tôi bắt đầu đặt chân đến đây. Rất đông nhà đầu tư trực tiếp tới trao đổi hoặc gọi điện cho chúng tôi”, ông Michael Kokalari, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng tại TP.HCM, nói.

Theo dự báo mà ông Kokalari đưa ra, chỉ số VN-Index sẽ đạt mức 550 điểm trước cuối năm nay, cao hơn 6,8% so với mức đóng cửa của phiên giao dịch ngày 29/5. Tuy nhiên, ở mức hiện tại, VN-Index chỉ bằng chưa đầy một nửa so với đỉnh cao 1.170,67 điểm đạt được vào tháng 3/2007.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ngân hàng Thế giới (WB), việc các ngân hàng ngại cấp vốn vay có thể khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam ở dưới mức 6% năm thứ ba liên tiếp trong năm nay. Một số nhà đầu tư cũng tiếp tục quan ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp của Việt Nam sau các vụ việc xảy ra ở Vinashin và Vinalines.

“Giới đầu tư vẫn còn ngại một số vấn đề ở Việt Nam. Các công ty Việt Nam cần thuyết phục được các nhà đầu tư rằng, họ có thể đối xử hợp lý và công bằng với các cổ đông, và luật pháp được thực thi”, ông Hugh Yong, Giám đốc điều hành quỹ Aberdeen Asset Management Asia tại Singapore, phát biểu.

Theo số liệu mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trước Quốc hội hôm 20/5, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng thương mại tính đến cuối tháng 3 là 4,51%, so với mức 7,8% vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam có thể ở mức 10-20%.

Nói về công ty quản lý nợ xấu mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới thông qua quyết định thành lập, ông Marc Djandji, một nhà quản lý của công ty Asean Strategy Group tại TP.HCM, phát biểu: “Nếu công ty quản lý nợ xấu hoạt động tốt và Chính phủ có thể đưa mọi thứ đi đúng hướng như hiện nay, chúng ta sẽ chứng kiến một đợt tăng điểm nữa trên thị trường chứng khoán”.

Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang phát đi những tín hiệu khởi sắc. Lạm phát tháng 5 giảm còn 6,36%, thấp nhất từ tháng 8/2012, trong khi xuất khẩu tăng 15% trong 5 tháng đầu năm. Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 1,4 nghìn tỷ USD để hỗ trợ người mua nhà và các chủ đầu tư thuộc các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Ông Kokalari cho rằng, gói hỗ trợ này sẽ giúp giải phóng lượng bất động sản đã hoàn tất còn tồn kho trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có dự kiến sẽ khởi động một chương trình thử nghiệm tăng trần sở hữu của khối ngoại lên 49% cho một số công ty. “Chưa hề có những dấu hiệu cho thấy các quỹ ngoại nên dừng mua, vì giá cổ phiếu vẫn hấp dẫn. Kinh tế vĩ mô đang bình ổn và sẽ trở nên rất tích cực trong 6-12 tháng tới”, ông Andy Ho, nhà quản lý quỹ của công ty quản lý đầu tư VinaCapital Investment Management, phát biểu.

Theo VnEconomy

Theo VnEconomy

Bạn có thể quan tâm