Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao khán giả ở Hàn Quốc có thể làm khuynh đảo giới giải trí?

Nghệ sĩ Hàn, Trung được đào tạo trong môi trường khắc nghiệt. Tuy nhiên, thành - bại của họ không được quyết định bởi công sức bản thân, mà phải trông chờ vào khán giả.

Henry Ford từng dặn dò nhân viên: "Ông chủ không phải là người trả lương, ông chủ chỉ là người phát lương, khách hàng mới là người trả lương và nuôi sống bạn". Lời nói của người sáng lập hãng ôtô hàng đầu nước Mỹ hoàn toàn không có ý hạ thấp hay nâng cơ bất kỳ ai, thay vào đó chỉ đánh giá đúng vai trò của người tiêu dùng đối với đơn vị sản xuất.

Tất nhiên, so sánh sản xuất kinh tế với nghệ thuật là khập khiễng. Nhưng ở thời điểm nghệ thuật cũng đã trở thành một nền công nghiệp không khói với lợi nhuận hàng chục tỷ USD như hiện nay, quy luật cung - cầu và phương châm "khách hàng là thượng đế" cũng có thể phần nào áp dụng cho những người sáng tạo nghệ thuật.

Và hiển nhiên hơn nữa, để có sản phẩm cung cấp cho đầu ra, người sản xuất - ở đây chính là nghệ sĩ - cũng phải lao động, rèn luyện cật lực để có sản phẩm. Công sức của họ là không thể chối bỏ.

khan gia nuoi nghe si anh 1

Super Junior trong sự kiện âm nhạc ở Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nghệ sĩ Hàn và những năm tháng ròng rã luyện tập, trau dồi

Năm 2021, khi BTS trở thành ban nhạc nổi tiếng nhất toàn cầu hay BlackPink là nhóm nữ "phủ sóng" thị trường quảng cáo với những campaign toàn cầu, khó có ai có thể nói rằng họ chưa từng nghe qua khái niệm Kpop.

Dù chỉ nghe qua, xem qua hay cẩn thận tìm hiểu, khán giả đều dễ dàng nhận thấy những nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc (hay điển hình là hai cái tên nổi bật BTS, BlackPink) đều có điểm chung là được đào tạo nhiều năm dưới trướng các công ty quản lý.

Ở thời điểm nghệ thuật cũng đã trở thành một nền công nghiệp không khói với lợi nhuận hàng chục tỷ USD như hiện nay, quy luật cung - cầu và phương châm "khách hàng là thượng đế" cũng có thể áp dụng vào nghệ thuật.

Đa phần thần tượng Hàn được đào tạo từ 3-5 năm trước khi chính thức ra mắt công chúng. Nhưng không hiếm người đã trải qua cả thập kỷ rèn giũa kỹ năng trong phòng tập của công ty quản lý.

Chẳng hạn, trưởng nhóm Ji Hyo của TWICE đã làm thực tập sinh ròng rã 10 năm. Cô gia nhập JYP vào năm 2005, là "bạn học" cùng trang lứa với các thành viên Wonder Girls, 2PM, nhưng phải tới 2015 nữ ca sĩ sinh năm 1997 mới được chọn vào nhóm nhạc chính thức.

G-Dragon cũng gia nhập SM Entertainment từ khi là học sinh tiểu học. Sau vài năm thử sức, anh chuyển sang YG Entertainment để theo đuổi dòng nhạc và hình ảnh phù hợp với cá tính bản thân hơn. Tính tổng thời gian thực tập, trưởng nhóm Big Bang cũng mất hơn một thập kỷ để được "chào sân" Kpop.

Trong những năm tháng làm thực tập sinh, các thần tượng Kpop học hát, học nhảy, học diễn xuất trước ống kính, học ngoại ngữ và học kỹ năng làm đẹp... Tất cả những gì có thể khiến khán giả thưởng thức và hài lòng, họ đều phải học. Họ cũng phải ăn kiêng khắc nghiệt để giữ dáng từ khi ký hợp đồng làm thực tập sinh.

khan gia nuoi nghe si anh 2

EXID từng chia sẻ về quãng thời gian thực tập khắc nghiệt khi còn là thực tập sinh trong chuyến thăm Việt Nam năm 2018. Ảnh: Bá Ngọc.

Chia sẻ trong phim tài liệu Light Up The Sky, BlackPink từng tiết lộ quá trình đào thải khắc nghiệt khi còn làm thực tập sinh ở YG. Mỗi tuần, các cô gái sẽ có bài kiểm tra nhỏ về vũ đạo, giọng hát, kỹ năng rap. Cuối mỗi tháng, toàn bộ thực tập sinh phải chia nhóm, dàn dựng tiết mục chuyên nghiệp như thần tượng thực thụ để thi đấu. Tất cả chi tiết liên quan tiết mục bao gồm cả trang phục và trang điểm, thực tập sinh đều phải tự giải quyết. Và những đội thua cuộc, thí sinh điểm kém sẽ bị loại khỏi công ty.

Số lượng ca sĩ thần tượng chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số thực tập sinh xuất hiện tại Hàn Quốc. Ví dụ trực quan nhất có thể nhìn vào series tuyển chọn nổi tiếng Produce 101, có tới 101 thí sinh nhưng mỗi mùa chỉ có thể chọn 11 người chiến thắng. Và thực tế, 11 người cũng đã là con số nhiều cho một nhóm nhạc, phần lớn các nhóm đều chỉ dao động từ 5-9 thành viên.

Showbiz Hoa ngữ yêu cầu cao, đào thải khắc nghiệt

Showbiz Hoa ngữ không có nhiều hệ thống đào tạo nghệ sĩ chuyên nghiệp như Hàn Quốc. Đa số nghệ sĩ trẻ nổi tiếng của Trung Quốc hiện nay như Vương Nhất Bác, Mạnh Mỹ Kỳ, Ngô Tuyên Nghi, Trình Tiêu, Trương Nghệ Hưng, Ngô Diệc Phàm, Lộc Hàm, Hoàng Tử Thao, Hoàng Minh Hạo, Vương Gia Nhĩ... đều được đưa tới Hàn Quốc để đào tạo kỹ năng trong nhiều năm. Họ đã ra mắt với vai trò thần tượng Kpop trước khi trở về phát triển tại quê nhà.

Ngày nay, các công ty giải trí Trung Quốc cũng bắt đầu tự đào tạo thực tập sinh trong nước thay vì gửi đi nước ngoài như giai đoạn trước. Các cuộc thi như Thanh xuân có bạn, Sáng tạo doanh hay Minh nhật chi tử cũng cho thấy lực lượng thực tập sinh giải trí ở showbiz Hoa ngữ đã đông đảo, hoàn thiện kỹ năng.

Song song với các ca sĩ thần tượng, Trung Quốc tồn tại hệ thống trường đào tạo diễn xuất nổi tiếng, như Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, Học viện Hý kịch Trung ương, Học viện Hý kịch Thượng Hải... Điều đáng nói là các trường trên đào tạo diễn viên, nhưng trong phần thi tuyển sinh luôn yêu cầu thí sinh thi múa. Điểm thi múa chiếm gần như 1/3 tỷ trọng điểm của mỗi người, quyết định khả năng đỗ - trượt rất cao.

khan gia nuoi nghe si anh 3

Vương Gia Nhĩ (Jackson) - thành viên GOT7 - đã trở về Trung Quốc phát triển sự nghiệp sau nhiều năm hoạt động ở Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Thành.

Do đó, khi tìm hiểu hồ sơ của các diễn viên Trung Quốc, không khó để nhận ra nhiều người đã theo học trường múa chuyên nghiệp từ khi chưa đầy 10 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trường múa mới gửi hồ sơ thi vào trường dạy diễn xuất. Số lượng này có thể kể tới Chương Tử Di, Đồng Lệ Á...

Như vậy, nhiều học viên trường điện ảnh đã lên kế hoạch cho bản thân từ rất sớm. Họ học diễn xuất, học múa để đảm bảo "chắc suất" trong cuộc thi tuyển chọn có tỷ lệ chọi rất cao của các trường điện ảnh hàng đầu Trung Quốc. Đặt chân vào một trong ba ngôi trường trên giúp họ nâng cao thêm một phần cơ hội để gia nhập showbiz.

"Đất chật người đông" là câu mô tả rõ nét về thị trường giải trí Hoa ngữ nói riêng và ngành giải trí thế giới nói chung.

Ngay cả khi đã thi đỗ và theo học, quá trình làm nghề của nghệ sĩ Trung Quốc cũng nhiều khó khăn, thử thách. Thị trường giải trí đất nước tỷ dân lớn, nhưng có nhiều phim rác, phim kinh phí thấp, số lượng diễn viên được đóng các phim có chất lượng không nhiều. Chưa kể, diễn viên đào tạo chính quy còn phải cạnh tranh với các ca sĩ thần tượng, bởi đa phần ca sĩ Hoa ngữ đều phải đóng phim mới có hy vọng nâng cao danh tiếng.

"Đất chật người đông" là câu mô tả rõ nét về thị trường giải trí Hoa ngữ nói chung và ngành giải trí thế giới nói riêng. Vì quá đông người nhưng không có nhiều cá nhân vươn lên hàng ngũ ngôi sao và kiếm được tiền, nên tỷ lệ cạnh tranh và đào thải ngày càng cao.

Quyền quyết định vẫn nằm trong tay khán giả

Công sức rèn luyện, nỗ lực làm nghề của nghệ sĩ là không thể chối bỏ. Hàng trăm video hậu trường của showbiz Hàn và Trung có thể cho thấy cảnh ca sĩ bị chấn thương hay kiệt quệ sức khỏe khi chạy show biểu diễn, hoặc diễn viên quay phim giữa điều kiện khắc nghiệt đến mức ngất xỉu, hay gặp di chứng suốt đời sau tai nạn trên phim trường.

Tất cả nỗ lực của họ đổi lại những bộ phim, MV ca nhạc, album hay tour diễn có chất lượng để đưa ra thị trường. Nhưng không phải sản phẩm nào của ca sĩ, diễn viên cũng được đón nhận nhiệt tình. Phim hay vẫn có thể có rating thấp, ca khúc chất lượng chưa chắc đã trở thành hit trên bảng xếp hạng.

Khi ấy, công sức nghệ sĩ chưa chắc quyết định được thành công của sản phẩm nghệ thuật. Vậy ai là người quyết định, tạo nên thành công của một sản phẩm nghệ thuật? Chính là khán giả.

khan gia nuoi nghe si anh 4

Nancy và Momoland có thời gian khó khăn trước khi bản hit Bboom Bboom thu hút được sự chú ý của khán giả. Ảnh: Nguyễn Thành.

Trang Think China từng gọi sức mạnh giúp tiêu thị sản phẩm nghệ thuật và tạo ra lợi nhuận quảng cáo liên quan là "kinh tế hâm mộ". Nghệ sĩ nào có lượng người hâm mộ càng lớn, độ phủ sóng khán giả đại chúng càng cao, thì nguồn thu nhập càng "khủng" và tác phẩm càng được đón nhận.

Nghệ sĩ Hàn Quốc cũng hiểu rõ giá trị và sức mạnh của khán giả, nên thường xuyên gửi lời cảm ơn, nếu sai phải xin lỗi và luôn lắng nghe ý kiến người hâm mộ để cải thiện sản phẩm cũng như kỹ năng.

Và điểm chung của hai nền showbiz lớn Hoa - Hàn là nghệ sĩ không thể, cũng không dám phủi bỏ công sức của khán giả.

"Thần tượng Hàn dành quãng thời gian tuổi thơ, tuổi trẻ ra tập luyện để ra mắt, nhưng họ có thể tiếp tục làm ca sĩ không còn phụ thuộc vào sức ủng hộ của khán giả. Một nhóm nhạc chỉ bản được vài nghìn đĩa mỗi lần ra mắt album thì khó có thể tồn tại quá 2 năm. Trái lại, một nhóm nhạc bán tới trăm nghìn bản đĩa vật lý, thậm chí triệu bản, thì có thể hoạt động lâu dài đến chục năm", Hải Tú - một khán giả đã có 15 năm theo dõi và yêu thích Kpop chia sẻ với Zing.

Hải Tú nói tiếp: "Nghệ sĩ Hàn tuyệt đối không dám làm phật lòng công chúng. Bởi sự nghiệp, kinh tế của nghệ sĩ đều phụ thuộc vào sự ủng hộ của khán giả. Dù bạn có tài năng thực sự, nhưng nếu bạn đã bị công chúng tẩy chay, không đạo diễn nào dám mời bạn đi diễn, không nhãn hàng nào dám để bạn quảng cáo sản phẩm, cũng không show âm nhạc nào cho bạn lên diễn. Ví dụ gần nhất có thể nhìn thấy Seo Ye Ji. Khán giả Hàn và Trung, hay cả khán giả ở Nhật Bản, có quyền lực khuynh đảo sự nghiệp của bất kỳ nghệ sĩ nào".

Ai là người quyết định, tạo nên thành công của một sản phẩm nghệ thuật? Chính là khán giả.

Theo quan điểm của Hải Tú, đúng là nghệ sĩ lao động vất vả để tạo ra tác phẩm nghệ thuật và khán giả cần các sản phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ để giải trí. Nhưng khán giả chỉ là cần, không nhất định phải có. Ngoài ra, khán giả có thể lựa chọn xem người này và không xem người kia, họ cũng có quyền quyết định bỏ tiền ra ủng hộ sản phẩm của ai, không tiêu tiền cho nghệ sĩ nào.

Từ đó có thể thấy, khán giả với sản phẩm nghệ thuật (hay nghệ sĩ) không hẳn là quan hệ "win - win" - tức là quan hệ đôi bên có vị trí tương đồng và cùng có lợi, nhưng cũng không phải quan hệ cộng sinh tương hỗ - tức là quan hệ có một bên dựa dẫm, không thể tách rời và hưởng lợi vô điều kiện từ bên còn lại.

khan gia nuoi nghe si anh 5

Khán giả đóng vai trò lớn trong việc nâng đỡ sự nghiệp, tạo ra danh tiếng và tiền tài cho nghệ sĩ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Với khán giả Minh Huyền - người thân của một rapper có tiếng trong showbiz Việt, quan hệ trên có phần giống với quan hệ cung - cầu trong kinh tế nhưng có phần phức tạp hơn, vì tính chất và giá trị đặc thù của nghệ thuật. Nhưng về cơ bản, so phân lượng giữa đôi bên, khán giả vẫn là bên "nặng ký" hơn, bởi khán giả đang ở cán cân "cầu".

Nguyên nhân của sự "lệch vế" trên xuất phát từ việc khán giả ngày nay không chỉ trả tiền để nhận lại sản phẩm nghệ thuật để giải trí như hành động mua bán thông thường. Khán giả đã trở thành quyền lực mới nắm thế chủ động, giúp quảng bá và bày tỏ quan điểm về nghệ thuật, theo Press Think.

Cựu chủ tịch The New York Times Mark Thompson từng đưa ra khái niệm "khán giả năng động". Theo ông, khán giả chính là người tạo ra độ thảo luận, giúp sản phẩm có thêm lượt xem, viral trên các phương tiện mạng, giúp sản phẩm thành công.

Khán giả nuôi nghệ sĩ - tranh cãi không cùng hệ giá trị

"Doanh nghiệp hay người bán rau ở chợ cần khách hàng cũng như nghệ sĩ cần khán giả. Chỉ có điều nghệ sĩ bán sản phẩm đặc thù mà thôi", đạo diễn Lê Quốc Nam nói.

Nghiêm Ngọc

Bạn có thể quan tâm