Mối quan hệ kinh tế "chia sẻ lợi ích" mà Uber, Grab định hình đã bộc lộ qua cách tăng cước bằng mọi giá những ngày Tết này. Giá cước liên tục được đẩy lên cao bất chấp khách hàng lắc đầu ngao ngán. Theo cách tính của hai hãng xe công nghệ, tài xế càng thấy mình có nhiều lợi ích thì càng chăm chỉ, bật ứng dụng, ra đường. Thực tế không phải vậy.
Khách cứ phàn nàn, Grab, Uber cứ tăng mạnh giá cước
Trước Tết, cả Uber và Grab đều chuẩn bị khá chu đáo cho tình huống xấu nhất: không có tài xế chạy xe. Hai hãng taxi công nghệ tuyên bố tăng giá những cuốc ngắn, thu thêm phụ phí, tăng chiết khấu để khuyến khích tài xế làm việc vào những ngày nghỉ lễ.
Hơn ai hết, cả Uber và Grab đều hiểu rằng khi người tiêu dùng chọn taxi công nghệ mà không có tài xế thì đó là một điều rất nguy hiểm. Trong mối quan hệ đối tác, “kinh tế chia sẻ”, không ràng buộc thì việc “bắt” tài xế làm việc vào dịp Tết là điều mà cả Uber, Grab rất quan tâm.
Tuy nhiên, những ngày Tết vừa qua cho thấy cả Uber và Grab dường như bị bất lực trước việc không đủ tài xế để cung ứng dịch vụ, cho dù có đẩy giá cước lên cao đến mức “phi mã”. Không thể chấp nhận nổi cách tính giá cước "trên trời" của Grab, Uber những ngày này là cảm thán chung của nhiều người. Nhưng khách cứ phàn nàn, Uber, Grab vẫn tăng cao gấp 3-4 lần ngày thường.
Một khách hàng tên Lâm nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) kể lại chuyện gọi xe đi từ đường Điện Biên Phủ về nhà, mà hệ thống quét được một tài xế ở tận chợ Bưởi (cách đó khoảng 3 km) gọi tới yêu cầu chờ đợi thêm. Anh này vừa bực bội vì giá cước tăng vọt, vừa không hài lòng khi phải đợi lâu nên đã hủy cuốc, gọi taxi truyền thống.
Trong ngày mùng 2 Tết, nhiều khách hàng tại TP.HCM cùng chia sẻ mức giá cước quá cao khi book Grab, Uber. Anh Hải, một khách hàng ở quận 2, cho biết anh đi một cuốc Grab 8 km phải trả 299.000 đồng. Cùng thời điểm, cước phí Uber cho đoạn đường tương tự cũng được báo giá 300.000 đồng. Các mức giá tăng cao liên tục này duy trì từ 29 tháng Chạp đến nay.
Cước phí tăng vọt vào dịp Tết khi đi Uber, Grab. |
Không chỉ tăng giá cước gấp nhiều lần mà việc báo giá cước tăng trong giờ cao điểm cũng bị lờ đi.
Chị Linh, một khách hàng ở đường Dương Đình Hội (quận 9) cho biết đi một cuốc Grab, Uber bình thường từ nhà chị đến Vincom quận 9 khoảng 36.000-37.000 đồng nhưng nhiều ngày nay chị book Grab được tính giá 49.000-51.000 nhưng không hề có thông báo.
Chưa kể nhiều thời điểm trong ngày, với cùng một thời gian gọi xe, nhưng cuốc xa với chi phí trên 100.000 đồng Grab tính giá bình thường nhưng với những cuốc ngắn dưới 100.000 đồng lại báo cước phí tính theo giờ cao điểm.
Tài xế không ham những cuốc xe tăng giá 3-4 lần ngày Tết
“Tăng lợi ích chia sẻ” cho tài xế có vẻ là chiến lược cả Uber, Grab áp dụng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Bằng cách này, hai hãng xe công nghệ tự tin có thể điều phối tài xế từ nơi này đến nơi khác, từ chỗ đông sang chỗ vắng, từ chỗ nhu cầu thấp sang nơi nhu cầu cao…
Tuy nhiên, câu chuyện tăng giá “phi mã” của cả Uber và Grab dịp Tết Nguyên đán cho thấy cuộc chơi chia sẻ lợi ích không đơn giản như vậy. Không phải chỉ có lợi ích lớn thì mới kích thích tài xế ra đường, không phải tăng giá, tăng cước tối thiểu là kích thích được tài xế… mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tài xế cũng không mặn mà với việc đi làm đầu năm, bởi giá cước có tăng cao nhưng thực chất thu về cũng không nhiều.
Theo chia sẻ của các tài xế, những ngày này, người ngoại tỉnh về quê nhiều nên nhu cầu đi lại ở đô thị sụt giảm. Ngoài ra, giá cước tăng cao cũng khiến khách hàng e dè hơn với dịch vụ. Số lượng cuốc khách đặt thành công cũng không nhiều, tài xế lại càng không mặn mà.
Anh Đình Thành, một tài xế Grab sống ở Hoàng Mai cho biết chính quan hệ đối tác khiến cá nhân anh và nhiều tài xế khác không mặn mà với việc kiếm tiền, đặc biệt là hy sinh những ngày nghỉ Tết để chạy xe. Anh nhấn mạnh lợi ích mà phần mềm mang lại có thể hấp dẫn, nhưng chưa đủ, nó cho anh thấy trách nhiệm phải làm việc như với một tổ chức bình thường.
Anh Nguyễn Long, một tài xế chạy Uber sống tại quận Đống Đa (Hà Nội), đưa ra nhận định giá cước cao chưa chắc đã hấp dẫn tài xế trong những ngày cao điểm Tết. Anh cho rằng giá có nhân lên nhưng chủ yếu là những khu vực đường tắc, tài xế chịu cảnh “chôn chân” nên thu nhập cũng không cao.
Uber, Grab chỉ phụ thuộc vào công cụ giá để kéo tài xế ra đường chạy xe. Ảnh: Hiếu Công. |
Mập mờ chuyện định giá
Câu chuyện định giá không theo nguyên tắc nào của cả Uber và Grab vẫn đang là dấu hỏi lớn với khách hàng.
Việc định giá của Uber và Grab vốn đã mập mờ nay lại càng phức tạp hơn trong những ngày Tết. Nếu nhìn vào bản đồ trong app của tài xế có thể dễ dàng nhận thấy những cung đường bị tăng giá với các mức 1,2x (nhân gấp 1,2 lần); 1,5x; 1,8x… thậm chí là 3x; 3,5x…
Tuy nhiên, khách hàng không hề biết cuốc xe mình đi được tính giá lên cao bao nhiêu. Thậm chí cách đo quãng đường, cách nhân giá cũng không hề được biết. Khách chỉ phân biệt được theo cách quen thuộc, là việc book quảng đường từng đi, so giá khoảng cách này giá bao nhiêu, khoảng cách kia giá như thế nào, khi tăng lên mới chợt nhận ra sự thay đổi.
Bản đồ các cung đường tăng giá của Uber. |
Theo Nghị định 24 của Bộ GTVT về thí điểm gọi xe hợp đồng thì Uber, Grab chỉ là doanh nghiệp cung cấp phần mềm cho dịch vụ vận tải của các hợp tác xã. Hợp tác xã là chủ thể ký hợp đồng vận tải với khách hàng, do đó giá cước phải do hợp tác xã quyết định.
Tại phiên xử vụ kiện giữa nguyên đơn là Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đang diễn ra, khi chủ tọa phiên tòa hỏi Grab hoạt động trong lĩnh vực vận tải taxi hay cung ứng phần mềm công nghệ thông tin, đại diện Grab khẳng định ngành nghề kinh doanh chỉ là cung ứng phần mềm kinh doanh vận tải. Đại diện Grab cũng cho biết việc tăng hay giảm giá là do hợp tác xã quyết định, Grab không tham gia định giá cước.
Chủ tọa chất vấn theo thực tế khách hàng khi đi từ điểm A đến điểm B nhưng giá lại không cố định, thay đổi liên tục trong ngày. Vậy giá này là do hợp tác xã đưa ra hay là Grab ấn định giá? Đại diện Grab trả lời rằng đây là do hợp tác xã ra giá và hệ thống của Grab vận hành.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, giám đốc một hợp tác xã tại Hà Nội (xin giấu tên) cho rằng họ đơn thuần cũng chỉ là một đối tác cung ứng dịch vụ cho Uber, Grab. Vị này khẳng định dù là đối tác, nhưng bản thân hợp tác xã muốn liên lạc với Uber, Grab còn khó nói gì đến việc quyết định giá cước.
Grab, Uber không tốn tiền khuyến mãi
Thực tế, phần khuyến mãi, cước phí rẻ mà khách hàng nhận được chính là phần tiền từ túi của mình.
Một tài xế đang chạy Grab tại TP.HCM phân tích ví dụ đoạn đường 5 km giá bình thường là 60.000 đồng, khách hàng A đi được cuốc xe giá này hoặc có thể áp dụng khuyến mãi rẻ hơn. Trong khi cũng đoạn đường này nhưng vào một thời điểm khác, khách đi phải chịu mức phí tăng vài chục phần trăm, thậm chí 100% với lý do nhu cầu đi lại tăng cao.
Phần tiền thu tăng này sẽ được chi cho khuyến mãi, tức là tiền khuyến mãi từ túi khách hàng này qua túi khách hàng khác, hoặc cũng chính do khách hàng tự chi cho mình.