Cuối thập niên 1990, doanh nhân Son chi 20 triệu USD mua cổ phiếu Alibaba, một công ty khởi nghiệp nhỏ bé. Đây được xem là một trong những thương vụ đầu tư startup hiệu quả nhất trong lịch sử. Sau hơn 20 năm, những gì SoftBank nắm giữ tại Alibaba có giá trị lên đến 120 tỷ USD.
Trong nhiều năm sau đó, doanh nhân Son và Jack Ma - nhà đồng sáng lập Alibaba - duy trì mối quan hệ thân thiết. Cùng nhau, họ chứng kiến những thay đổi chóng mặt trong ngành công nghiệp công nghệ toàn cầu. Năm 2007, Jack Ma gia nhập hội đồng quản trị SoftBank.
Do đó, thông tin Jack Ma sẽ rời hội đồng quản trị SoftBank sau hơn 13 năm gây xôn xao thương trường. Tỷ phú Trung Quốc ra đi trong thời điểm rất nhạy cảm. Ngày 18/5, SoftBank báo lỗ 13 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.
Trong khi đó, quỹ Vision Fund của SoftBank lỗ tới 17,7 tỷ USD vì những khoản đầu tư khổng lồ vào các startup làm ăn thua lỗ như WeWork và Uber Technologies.
Jack Ma và Masayoshi Son có mối quan hệ thân cận trong rất nhiều năm. Ảnh: Reuters. |
Theo Tech Crunch, một mặt quyết định của Jack Ma là không có gì đáng ngạc nhiên. Tỷ phú giàu thứ hai Trung Quốc giờ chuyển sự tập trung vào các hoạt động từ thiện và giáo dục. Ông từ chức chủ tịch Alibaba hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Jack Ma và Masayoshi Son không còn như trước. Thời gian qua, SoftBank liên tục bán cổ phiếu Alibaba để cân bằng sổ sách khi chật vật đối phó với vô số thách thức tài chính.
Tháng 3, Bloomberg đưa tin SoftBank lên kế hoạch bán 14 tỷ USD cổ phiếu Alibaba. Năm 2019, tập đoàn Nhật Bản thu về 11 tỷ USD từ thương vụ bán cổ phiếu đại gia thương mại điện tử Trung Quốc năm 2016.
Giới quan sát nhận định với tư cách là thành viên hội đồng quản trị SoftBank, Jack Ma khó có thể cảm thấy thoải mái khi tập đoàn Nhật Bản liên tục bán cổ phiếu Alibaba, "đứa con cưng" của ông.
Thêm vào đó, căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang leo thang. Sau khi dịch Covid-19 bùng nổ, chính phủ Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp nước này rút hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc để tự chủ động với các chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc và nguồn vốn từ Trung Quốc.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực thúc đẩy "phân ly kinh tế" Mỹ - Trung. Mới đây, nhà sản xuất chip TSMC (Đài Loan) tuyên bố xây dựng nhà máy 12 tỷ USD tại Arizona (Mỹ) và ngừng cung cấp sản phẩm cho Huawei.
Giới quan sát nhận định SoftBank bị cuốn vào dòng xoáy của những tranh chấp này. Là tập đoàn quốc tế, SoftBank bị ràng buộc bởi các quy định về sở hữu nước ngoài của chính phủ Mỹ.
Do đó, Tech Crunch bình luận việc Jack Ma ra đi không chỉ là chuyện nhà đầu tư và doanh nghiệp nói lời chia tay sau 2 thập kỷ hợp tác. Đó còn là dấu hiệu cho thấy thế giới công nghệ toàn cầu đang phân chia giới tuyến.