Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra phán quyết lớn nhất về thuế liên quan đến một công ty duy nhất với con số lên tới 14,6 tỷ USD. Theo New York Times, động thái này có thể gây ra căng thẳng với Mỹ trong bối cảnh cuộc đàn áp những chương trình ưu đãi dành cho các tập đoàn đa quốc gia đóng trụ sở tại châu Âu đang diễn ra.
Ủy ban Cạnh tranh châu Âu cho rằng thỏa thuận giữa chính phủ Ireland và Apple, thứ cho phép gã khổng lồ công nghệ hầu như không tốn chi phí kinh doanh tại châu Âu trong vài năm, là bất hợp pháp. Các thỏa thuận này cho phép Apple rót lợi nhuận từ 2 chi nhánh ở Ireland cho một "trụ sở không có nhân viên, không có cơ sở, không có các hoạt động thực tế".
Bằng cách đó, Apple chỉ trả 50 euro (khoảng 55,6 USD) tiền thuế trong khi lợi nhuận trong năm 2014 lên đến hàng triệu euro. Bởi vậy, châu Âu yêu cầu Ireland truy thu 10 năm tiền thuế của Apple, khoảng 13 tỷ euro, tương đương 14,6 tỷ USD, kèm thêm tiền lãi.
Số tiền này chỉ là một giọt nước nhỏ so với lợi nhuận của Apple. Tuy nhiên, công ty mô tả yêu cầu của EU là “cú giáng nặng nề” vào pháp luật. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, lệnh này hủy hoại “tinh thần quan trọng của quan hệ đối tác kinh tế giữa Mỹ và EU”.
Nhiều công ty chọn Ireland là nơi đặt trụ sở vì những lợi thế về thuế của nước này so với các nước thành viên khác trong EU. Ảnh: Reuters |
Điều gì đang xảy ra?
EU hoạt động như một thị trường duy nhất và cho phép các công ty đóng trụ sở tại bất cứ khu vực nào trong khối có thể bán hàng hóa và dịch vụ cho các nước thành viên khác. Nhiều vấn đề pháp lý và chức năng quan trọng của chính phủ được xử lý ở cấp EU, nghĩa là thông qua ủy ban thường trực của liên minh tại thủ đô Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, vấn đề thuế do các quốc gia thành viên tự quản lý và có những chính sách khác nhau đối với thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhiều công ty đa quốc gia tận dụng những đặc điểm này và chọn vị trí đặt trụ sở có lợi cho doanh nghiệp. Và Ireland là một trong những nơi hấp dẫn với mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp.
Khi một doanh nghiệp đặt trụ sở tại Ireland, phần lớn lợi nhuận của công ty trên toàn châu Âu do chính phủ nước này xử lý và tính thuế ngay cả khi doanh số bán hàng chủ yếu tại Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, giới chức EU cho rằng Ireland với Apple đã đặt một thỏa thuận đặc biệt về thuế, tương tự như Amazon với Luxembourg và Starbucks với Hà Lan.
Mục đích của EU và lý do của Ireland
Từ khi lên làm ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Châu Âu, Margrethe Vestager đã đưa việc đánh thuế vào trọng tâm. Chiến dịch này cũng gây khó khăn với Starbucks ở Hà Lan, Amazon tại Luxembourg và Anheuser-Busch InBev tại Bỉ. Kho bạc Mỹ, một trong những bên chỉ trích mạnh mẽ động thái này, nói rằng châu Âu đang vượt quá quyền hạn, nhắm mục tiêu một cách bất công lên các công ty của Mỹ và làm tổn thương những nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn trốn thuế.
Thực chất, EU không có một cơ quan thuế thống nhất nhưng có cơ quan chống độc quyền thống nhất được điều hành bởi ủy viên Ủy ban Cạnh tranh châu Âu. Đây là một cơ quan rất quan trọng bởi theo truyền thống, chặn độc quyền nhà nước và đảm bảo cạnh tranh châu lục là một trong những nhiệm vụ chính của EU.
Như một phần trong nhiệm vụ đó, EU nỗ lực hạn chế các quốc gia thành viên ưu đãi cho các công ty cụ thể.
Ví dụ, Pháp có thể cung cấp ưu đãi cho các công ty ô tô ở quốc gia này như Peugeot và gây bất lợi cho các nước khác trừ khi họ cũng làm vậy. Do đó, hình thức hỗ trợ cho các công ty riêng biệt được coi là chống lại cạnh tranh theo luật của EU.
Trong những năm gần đây, Verstager và Ủy ban Cạnh tranh châu Âu giải thích các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp là một hình thức trợ cấp bất hợp pháp. Bà nói rằng do sự sắp xếp về thuế với chính phủ Ireland, “Apple chỉ phải trả tỷ suất thuế doanh nghiệp hiệu quả, thứ giảm từ 1% vào năm 2003 xuống 0,005% vào năm 2014 trong lợi nhuận bán hàng quốc tế của Apple. Điều này là bất hợp pháp theo quy định của EU bởi nó khiến Apple có lợi thế đáng kể so với các doanh nghiệp khác”.
Tất nhiên, Dublin sẽ vui khi nhận 14,6 tỷ USD tiền thuế của Apple. Tuy nhiên, mối quan tâm của họ là việc truy thu thuế có thể giết chết "con ngỗng đẻ trứng vàng".
Tuy Apple không sử dụng nhiều lao động hay tạo ra nhiều hoạt động kinh tế so với quy mô tổng thể của tập đoàn nhưng vẫn mang về khoản tiền khổng lồ so với quy mô kinh tế của Ireland. Ảnh: Reuters |
Ireland là một quốc gia nhỏ với khoảng 6,4 triệu dân. Đất nước này nằm tại vùng xa xôi và tụt hậu so với các nước thành viên còn lại. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong những thập kỷ gần đây nhờ việc kinh doanh bùng nổ tại thủ đô Dublin với hàng loạt trụ sở của các công ty được mở ra.
Dublin là một thành phố đẹp nằm trong một quốc gia nói tiếng Anh và có nền giáo dục tốt. Đó là nơi an toàn và khả thi để làm kinh doanh. Nói cách khác, 12,5% thuế thu nhập doanh nghiệp khiến Ireland trở thành một địa điểm hấp dẫn với các công ty đa quốc gia.
Với số dân ít ỏi, ngay cả khi các trụ sở chính của doanh nghiệp nước ngoài không sử dụng nhiều người hoặc tạo ra nhiều hoạt động kinh tế so với quy mô tổng thể của doanh nghiệp, nó vẫn mang về khoản tiền lớn so với quy mô kinh tế của Ireland.
Tuy nhiên, trong khi môi trường này rất thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công ty công nghệ cao và các công ty dược phẩm sở hữu nhiều bằng sáng chế, nó gây ra nhiều sự khó chịu cho một số nước thành viên EU, những bên đánh giá Ireland như một thiên đường thuế và kiếm sống như một “ký sinh trùng”.
Về mặt kỹ thuật, phán quyết của EU đối với Apple không ngăn Ireland tiếp tục theo đuổi chiến lược kinh tế dựa vào cạnh tranh thuế của đất nước. Tuy nhiên, động thái mang ngụ ý EU đang xem xét việc sử dụng luật cạnh tranh như một cơ sở để buộc các nước thành viên bắt đầu áp dụng luật thuế doanh nghiệp một cách đồng đều hơn. Đó là một mối nguy hiểm rõ ràng đang hiện hữu đối với cách tiếp cận kinh tế tổng thể của Ireland.
Doanh nghiệp chờ Mỹ thay đổi luật
Thực tế, dù hưởng mức thuế thấp tại nước ngoài, một công ty đa quốc gia của Mỹ vẫn phải trả thuế tại Mỹ. Chính phủ nước này thu thuế dựa trên thu nhập doanh nghiệp toàn cầu. Điều này có nghĩa, hưởng mức thuế thấp tại Ireland không có nghĩa Apple tiết kiệm được tiền. Nó chỉ làm tăng những gì mà Apple phải trả tại Mỹ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể "trì hoãn" nộp thuế dựa trên lợi nhuận nước ngoài miễn là số tiền đó vẫn thuộc sở hữu của chi nhánh ngoài nước Mỹ. Do đó, công ty thường sử dụng số tiền này vào đầu tư nước ngoài trong 5 năm hoặc một thứ gì đó để không phải nộp thuế.
Theo Vox, các công ty có lợi nhuận cao của Mỹ đang trì hoãn thuế với con số lên tới 1.400 tỷ USD lợi nhuận. Rõ ràng, doanh nghiệp không có ý định sử dụng khoản tiền này vào đầu tư tài chính. Những gì mà họ đang làm là hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ thay đổi luật và cho phép số tiền đó có thể “hồi hương”. Khi điều đó xảy ra, số tiền này sẽ được thanh toán như cổ tức và cổ phiếu mua lại.
Tuy nhiên, cho đến khi đó, Apple và các công ty toàn cầu khác vẫn phải lợi dụng những lỗ hổng được khai thác tại các thị trường trái phiếu và đi sâu vào nợ để tài trợ cho việc mua lại ngay cả khi doanh nghiệp tích lũy tiền mặt ở các tài khoản nước ngoài.