Hình ảnh những mảnh vỡ từ chiếc máy bay SJ 182 gặp nạn của Sriwijaya Air là lời nhắc nhở tàn nhẫn về hàng loạt vụ tai nạn hàng không của Indonesia trong thập kỷ qua. Theo South China Morning Post, thống kê cho thấy Indonesia là đất nước có nhiều người thiệt mạng vì tai nạn máy bay nhất châu Á.
Chiếc Boeing 737-500 thực hiện chuyến bay số hiệu SJ 182 từ Jakarta tới Pontianak (thủ phủ của tỉnh Tây Kalimantan) lao xuống biển Java lúc 2h40 chiều hôm 9/1 (theo giờ địa phương). Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Máy bay chở 62 người, bao gồm 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.
Phi công trên chuyến bay đều có kinh nghiệm. Được thành lập năm 2003, hãng hàng không chủ yếu bay các tuyến nội địa. Sriwijaya Air cũng chưa từng để xảy ra thương vong nào đối với hành khách.
Đây là vụ tai nạn lớn đầu tiên trong hơn một năm kể từ khi dịch Covid-19 khiến hoạt động của ngành công nghiệp hàng không toàn cầu rơi vào đình trệ.
Indonesia là đất nước có nhiều vụ tai nạn máy bay chết người nhất châu Á. Ảnh: AP. |
Đứng đầu về số tai nạn hàng không
Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, Indonesia ghi nhận 104 vụ tai nạn máy bay và 2.353 trường hợp tử vong liên quan kể từ năm 1945, nhiều nhất tại châu Á. Theo sau là Ấn Độ với 95 vụ và 2.379 người thiệt mạng. Trên toàn thế giới, Mỹ đứng đầu danh sách với 860 vụ tai nạn và 10.953 người tử vong. Nguyên nhân của các thảm họa trước đây bao gồm lỗi liên lạc, lỗi giám sát và bảo trì máy bay không đầy đủ.
Tuy nhiên, nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng. Đầu tiên là số lượng chuyến bay. Indonesia có dân số 270 triệu dân và hàng nghìn hòn đảo. Theo Trung tâm Hàng không CAPA, lưu lượng hành khách quốc tế tại nước này tăng 300% từ năm 2005 đến năm 2017.
Indonesia cũng là thị trường hàng không nội địa lớn thứ 15 thế giới trong năm 2019 với 91,3 triệu hành khách, theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Một yếu tố khác là địa hình đồi núi và thời tiết xấu thường xuyên. Mưa lớn đã làm trì hoãn việc cất cánh của SJ 182 trong vòng nửa giờ.
Từ năm 2007 đến 2018, tất cả hãng hàng không Indonesia đều bị cấm bay vào Liên minh châu Âu (EU). Mỹ cũng thực hiện lệnh cấm tương tự trong giai đoạn năm 2007-2016. Nguyên nhân là ngành hàng không Indonesia thiếu chuyên môn kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn yếu kém.
Hồi năm 2018, một chiếc Boeing 737 MAX của Lion Air lao xuống biển Java ngay sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta (Jakarta). Vụ việc khiến 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Tháng 6/2015, một máy bay quân sự của Indonesia đâm vào khu vực dân cư ở Medan, khiến 140 người tử vong, bao gồm 122 người trên máy bay và ít nhất 20 người dưới mặt đất.
Thống kê số vụ tai nạn máy bay tại Indonesia từ năm 2000 đến 2018. Lion Air có 16 vụ, trong đó có một vụ khiến 189 người thiệt mạng. Garuda có 4 vụ, bao gồm một vụ khiến 21 người thiệt mạng. AirAssia có 2 vụ, bao gồm một vụ khiến 162 người chết. Ảnh: Media Reports. |
Năm 2014, một chiếc Airbus A320 của AirAsia, bay từ Surabaya đến Singapore, đâm xuống biển Java, khiến 162 người trên máy bay tử vong. Đầu năm 2007, một chiếc Boeing 737-400 của Adam Air lao xuống biểu ngoài khơi đảo Sulawesi, làm 102 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Có tới 150 người, bao gồm hành khách, phi hành đoàn và những người trên mặt đất, thiệt mạng sau khi một máy bay của Mandala Airlines lao xuống khu dân cư ở Medan hồi năm 2005.
Năm 1997, một chiếc Airbus A300 của Garuda Indonesia rơi xuống Medan, khiến 234 người trên máy bay thiệt mạng. Cùng năm đó, một máy bay của Silk Air (bay từ Jakarta đến Singapore) đâm xuống một con sông gần thành phố Palembang (Indonesia), làm 104 người chết.
Năm 1991, một máy bay của lực lượng Không quân Indonesia rơi ngay sau khi cất cánh ở Đông Jakarta, phát nổ và lao thẳng vào một tòa nhà. Vụ việc khiến 135 người thiệt mạng, bao gồm 121 phi công, 12 phi hành đoàn và hai người trên mặt đất.
Dịch Covid-19 làm giảm giờ bay
Các điều tra viên cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về vụ tai nạn máy bay của Sriwijaya Air. Theo trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24.com, máy bay này hạ độ cao hơn 3000 m trong vòng chưa đầy một phút.
Đại dịch Covid-19 làm giảm số lượng chuyến bay ở Indonesia, gây khó cho các phi công trong việc căn giờ bay. Hồi tháng 9/2020, cơ quan quản lý an toàn vận tải của Indonesia cho biết trình độ của phi công và kinh nghiệm bay là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc điều tra về sự cố đường băng của chiếc Airbus A330 của Lion Air.
Chiếc máy bay này chệch khỏi đường băng sau khi hạ cánh. Theo điều tra, phi công đã bay ít hơn ba giờ trong vòng 90 giờ trước đó. Trong khi đó, cơ phó cũng không bay kể từ tháng 2.
“Mặc dù tỷ lệ bay đã giảm trên khắp châu Á và thế giới trong thời kỳ dịch Covid-19, và do hệ quả của việc đóng cửa biên giới, các phi công vẫn sẽ duy trì những kỹ năng cốt lõi nhờ khóa đào tạo mô phỏng định kỳ bắt buộc vào các khoảng thời gian quy định”, SCMP dẫn lời ông Dane Williams, Giám đốc của Aviation Safety Asia, công ty tư vấn có trụ sở tại Hong Kong, cho biết.
"Tuy nhiên, các yếu tố như sự tự tin và thời gian phản ứng có thể bị giảm xuống nếu phi hành đoàn bay ít hơn, hoặc bị gián đoạn giữa các chuyến bay so với thường lệ", ông Williams nói thêm.
Các phần thi thể và mảnh vỡ máy bay được lực lượng tìm kiếm cứu hộ Indonesia tìm thấy và trục vớt. Ảnh: AP. |
Vị chuyên gia khẳng định Indonesia cần thắt chặt các tiêu chuẩn an toàn. "Giải pháp lý tưởng nhất là chính phủ Indonesia phải lãnh đạo từ trên xuống, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng nguồn lực cho cơ quan quản lý hàng không", ông nói thêm. Điều này bao gồm đảm bảo những tiêu chuẩn tối thiểu và kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng chỉ cho các nhà khai thác hàng không.
Hôm 10/1, lực lượng tìm kiếm cứu hộ Indonesia đã tìm thấy, trục vớt các phần thi thể và mảnh vỡ khỏi vùng biển. Cảnh sát cũng nhận được 40 mẫu ADN từ người thân của nạn nhân để hỗ trợ xác định danh tính.
Hôm 11/1, Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Indonesia cho biết họ vẫn hy vọng tìm được hộp đen máy bay - bao gồm thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) và thiết bị ghi âm buồng lái (CVR) - nhằm có thêm thông tin về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Cơ quan này cũng cho biết Ủy ban An toàn Vận tải Quốc gia Mỹ và Boeing sẽ tham gia vào cuộc điều tra.