Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Hùng Vương sang Nga bán lẻ?

Nếu thương vụ Hùng Vương - Russia Fish thành công, công ty này sẽ là doanh nghiệp Việt đầu tiên bước chân vào thị trường phân phối thủy hải sản tại Nga.

Sau hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập, Công ty Cổ phần thủy sản Hùng Vương tiếp tục hành trình đa ngành khi tiến vào lĩnh vực chăn nuôi và gần nhất là phân phối. Với những dự án mới, Hùng Vương đang kỳ vọng bứt phá trong năm 2016 với mức doanh thu tăng 40% so với năm ngoái.

Ảnh minh họa.

Hùng Vương mua Russia Fish

Theo như kế hoạch công bố vào cuối tháng 1 vừa qua, Hùng Vương sẽ mua 51% cổ phần Công ty Thủy sản Russia Fish có trụ sở tại Nga. Đây là nhà kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản có thị phần hơn 5% ở thị trường Nga. Hiện Russia Fish đang phân phối hơn 60 loại cá từ 18 thị trường trên thế giới.

Theo chia sẻ của ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hùng Vương, mục tiêu của công ty là phát triển tại thị trường Nga trong thời gian tới. “Sau khi đồng Ruble của nước này bị mất giá, xu hướng tiêu dùng của người Nga cũng đã thay đổi”, ông nói.

Cụ thể, nếu trước đây người Nga chuộng các sản phẩm thủy sản có giá bán cao như cá hồi hay cá ngừ, thì giờ đây họ lại chuyển sang tiêu thụ những loại cá có mức giá rẻ hơn như cá tra, cá basa... “Cá tra của Việt Nam đang là một lựa chọn của người Nga vì giá vừa phải và được thị trường này chấp nhận từ nhiều năm nay”, ông Minh chia sẻ.

Ngoài ra, theo đại diện Hùng Vương, một số đối tác tại Nga cũng đang yêu cầu công ty tăng sản lượng chế biến cá Alaska pollock. Nga hiện là nước đánh bắt và cung cấp nguyên liệu Alaska pollak lớn nhất thế giới. Trong cuộc chơi này, Hùng Vương còn có sự hậu thuẫn thông qua hợp tác 3 bên: Hùng Vương chuyên chế biến, một đối tác sẽ chịu trách nhiệm đánh bắt cá Alaska pollock và đối tác siêu thị tại Nga sẽ lo khâu phân phối.

“Nga vốn là thị trường khó tính, nhưng Hùng Vương hiện là công ty có sản lượng cá tra xuất vào Nga rất lớn. Trong cơ cấu xuất khẩu cá tra của chúng tôi, thị trường châu Âu chiếm 40%, tiếp theo là Mỹ, thị trường Nga chiếm 10%”, ông Minh bổ sung.

Thị phần xuất khẩu của Hùng Vương tại các thị trường năm 2015

Thực tế, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã công nhận 400 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu, Nga hiện mới chỉ chấp nhận 30 doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, nếu thương vụ Hùng Vương - Russia Fish thành công, công ty này sẽ là doanh nghiệp Việt đầu tiên bước chân vào thị trường phân phối thủy hải sản tại Nga.

Ngoài cá tra, Hùng Vương cũng sẽ xuất khẩu tôm và sắp tới là cá rô phi. Theo ông Minh, giá thành nuôi cá rô phi của Hùng Vương thấp hơn thị trường 10.000 đồng, vì thế công ty sẽ có ưu thế khi xuất khẩu vào thị trường Nga.

Năm 2015, Công ty Thủy sản Russia Fish có doanh thu khoảng 334 triệu USD, lợi nhuận sau thuế ước đạt 15 triệu USD. Ðược biết, hiện Hùng Vương đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với phía Nga vào cuối tháng 1/2016. Sau khi hoàn tất việc mua cổ phần Russia Fish, doanh nghiệp sẽ thu mua thủy hải sản từ các nước khác rồi nhập vào thị trường Nga thông qua công ty phân phối này.

Tính toán của người đứng đầu Hùng Vương

Trước không ít ý kiến cho rằng, Hùng Vương đang “tiến quá xa khỏi lĩnh vực cốt lõi và đầu tư quá mạo hiểm”, ông Minh vẫn tin quyết định đầu tư vào thị trường Nga là hoàn toàn có cơ sở. “Để có thể thực hiện được thương vụ này, Hùng Vương đã tìm hiểu và tính toán từ lâu chứ không phải bây giờ mới bắt đầu. Chúng tôi cũng không làm một mình mà thương vụ này còn có sự giúp đỡ của Nhà nước”, ông Minh khẳng định.

Theo ông, dự án này đã được Hùng Vương và đối tác thảo luận từ năm 2014, khi kinh tế Nga chưa khó khăn như hiện tại. Ngoài ra, đối tác này từng làm ăn với Hùng Vương suốt một thập niên, giúp chúng tôi am hiểu người tiêu dùng Nga và xác định được tiềm năng thật sự của thị trường này.

“Trước đây, Russia Fish chỉ đồng ý bán 30%, sau đó tăng lên 49% nhưng chúng tôi vẫn không chấp nhận. Ðến gần đây khi họ chịu bán 51% thì công ty mới quyết định mua”, ông Minh cho hay.

Trên con đường đa ngành mà doanh nghiệp này đang tiến bước, ngoài thủy sản còn có nông nghiệp, bán lẻ và kho lạnh. Giữa năm 2015, công ty đã tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi và sản phẩm thịt heo mang thương hiệu Hùng Vương dự kiến có mặt trên thị trường trong thời gian tới. Nhưng đáng chú ý nhất có lẽ là việctiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực kho lạnh.

“Sau khi hội nhập quốc tế, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu 500.000 tấn kho lạnh. Ðầu tư kho lạnh trong năm nay, chúng tôi sẽ hoàn vốn đầu tư trong 3 năm. Hoàn vốn trong ngắn hạn, kho lạnh sẽ tạo ra lợi nhuận trong thời gian tới”, ông Minh giải thích.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, trước khi đến với lĩnh vực thủy sản, doanh nghiệp này cũng đã đầu tư kho lạnh và sau đó mới tiến hành xuất khẩu cá tra. Vì thế, có thể nói công ty đã có kinh nghiệm. Trong năm nay, doanh nghiệp sẽ dành 1.500 tỷ đồng đầu tư thêm kho lạnh có sức chứa 60.000 tấn.

Về mặt tài chính, ông Minh cho biết các khoản đầu tư của Hùng Vương đều có kiểm soát. Dư nợ và tín dụng của công ty ở các ngân hàng còn rất lớn, chưa sử dụng. Cơ chế vận động dòng tiền đảm bảo vay trả. Nợ vay nằm ở đầu tư nguyên liệu để chế biến như bánh dầu đậu nành, khoai mì.



http://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/phan-tich/vi-sao-hung-vuong-sang-nga-ban-le-3300983/#axzz4148wnSVa

Theo Thanh Hương/Nhịp Cầu Đầu Tư

Bạn có thể quan tâm