Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia Miền Tây: ‘Cá mập’ Việt nổi danh toàn cầu

Một số “ông trùm” trong lĩnh vực thủy sản đang nổi lên mạnh mẽ ở thị trường trong và ngoài nước nhờ chú trọng vào năng lực cốt lõi là con cá tra, con tôm - vốn là thế mạnh của VN.

Nổi danh trong bão

Tạp chí thủy sản nổi tiếng nhất thế giới Intrafish Seafood vừa công bố Top 100 người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành thủy sản toàn cầu. Trong đó Việt Nam có 2 cái tên và có tên ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) với thứ hạng thứ 54.

Sự bứt phá của Minh Phú và gia đình ông Lê Văn Quang đã biến doanh nghiệp này thành một đế chế xuất khẩu tôm với sản lượng xuất khẩu lên tới 50.000 tấn/năm và doanh thu trên 730 triệu USD trong năm qua. Minh Phú đang hướng tới mốc 1 tỷ USD sau khi tăng đột phá trên 40%/năm trong hai năm 2013-2014.

Trước đó, trong danh sách Top 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới năm 2014 được Undercurrentnews - tạp chí chuyên về thủy sản có trụ sở ở Anh, công bố, Minh Phú đứng ở vị trí 23. MPC cũng lọt danh sách 20 doanh nghiệp Đông Á được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh là công ty phát triển toàn cầu.

Những gương mặt nổi tiếng về sự thành công trong ngành thủy sản.

Còn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tài sản của gia đình ông Quang chứng kiến sự tăng hạng đột biến. Ông và vợ - bà Chu Thị Bình - mỗi người đều “kiếm thêm” hơn 1.000 tỷ đồng trong năm vừa qua. Vợ ông Quang lọt top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán, trong khi ông Quang đứng số 11.

Trong khi các doanh nghiệp thủy sản đồng loạt gặp khó, Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) của bà chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh chứng kiến tăng trưởng đột biến về doanh thu và lợi nhuận. Cổ phiếu VHC trong năm 2014 tăng trưởng ba con số. Bà Khanh cũng là một trong vài người có tài sản tăng trên 1.000 tỷ đồng và hiện là người giàu thứ 7 trên thị trường chứng khoán.

Đây là lần đầu tiên một phụ nữ tự lèo lái một doanh nghiệp lọt vào top 10, thay cho những cái tên một thời ngự trị trên tốp đầu của bảng này như: Trương Gia Bình, Đặng Thành Tâm, Đặng Văn Thành...

Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh cũng có doanh thu tăng trưởng cao đến bất ngờ trong vài năm gần đây. 10 năm qua, doanh thu của Hùng Vương tăng tới 1.000 lần. Trong năm 2013, doanh thu của HVG tăng 46% và trong năm 2014 tốc độ tăng có thể cũng ở mức tương tự khi mà 9 tháng đầu năm đã bằng cả năm liền trước.

Tiền thật và làm thật

Cho dù quy mô đã rất lớn nhưng các công ty nói trên đều có mức tăng trưởng doanh thu đột phá, thâm chí tăng 40-50% trong vài năm gần đây, thị phần ở cả trong và ngoài nước đều mở rộng. Sự bứt phá của các đại gia này đáng nể ở tốc độ nhanh và thời điểm. Kết quả này trái ngược với thảm cảnh các đại gia thủy sản lâm nguy diễn ra trên khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với những cái tên đã vấp ngã như Bianfishco của nữ đại gia Diệu Hiền, hay Phương Nam, Thiên Mã, Sông Hậu...

Xuất khẩu cá tra, tôm của Việt Nam thuộc loại hàng đầu thế giới.

Ba gương mặt gồm bà Trương Thị Lệ Khanh, bà Chu Thị Bình và ông Dương Ngọc Minh đều lọt top 10 người giàu nhất trong năm 2014, vượt lên trên nhiều đại gia trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, công nghệ, chứng khoán, bán lẻ...

Sự thành công của Minh Phú, theo Intrafish Seafood, là do doanh nghiệp này được biết đến trên thị trường thế giới như một ông trùm trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam với năng lực chế biến hơn 300 tấn tôm nguyên liệu/ngày và thế mạnh về công nghệ chế biến tôm tiên tiến, hiện đại.

Vĩnh Hoàn, trong khi đó, là một doanh nghiệp có năng lực nuôi trồng và sản xuất cá tra hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp này chủ động về nguồn nguyên liệu cho chế biến cá xuất khẩu, đồng thời đang tập trung gia tăng chuỗi giá trị theo chiều sâu và tiên phong trong những công nghệ mới như sản xuất collagen từ da cá.

Trái ngược với tình trạng vay nợ ngập đầu, thậm chí cả chục lần so với vốn chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp thủy sản, Vĩnh Hoàn có nợ ngắn hạn cũng như tổng nợ chỉ bằng khoảng 50-60% so vốn chủ sở hữu. Nhưng quan trọng nhất, ngay từ những năm đầu hoạt động, Vĩnh Hoàn đã tập trung vào chất lượng, vào sự chuyên nghiệp trong sản xuất và việc xây dựng uy tín ở các thị trường trên thế giới. Doanh nghiệp của bà Khanh đã nhanh chóng nâng cấp dây chuyền sản xuất, đầu tư vùng nguyên liệu và nghiên cứu phương án tận dụng nguyên liệu thừa sau chế biến như xương hay đầu cá. 

Cũng như Vĩnh Hoàn, Hùng Vương của ông Ngọc Minh cũng ưu tiên chủ động nguồn nguyên vật liệu, đồng thời nâng cao năng lực tài chính. Ngoài việc tập trung vào chất lượng, mở rộng quy mô nuôi trồng chế biến, Hùng Vương liên tục phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu để nâng cao năng lực tài chính, phục vụ tham vọng bá chủ ngành tôm Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với Minh Phú.

Bà Trương Thị Lệ Khanh thì chia sẻ, doanh nghiệp phải biết sợ khi vay vốn để đầu tư vào thủy sản. Vấn đề chất lượng, năng lực tài chính là rất quan trọng. Bên cạnh đó đó kinh nghiệm theo dõi biến động thị trường, dự báo giá cả và khả năng đàm phán với các nhà nhập khẩu.

Còn với Minh Phú, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, bên cạnh những nền tảng nói trên, MPC còn tập trung áp dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản trị nguồn nhân lực hiện đại, giúp ban lãnh đạo sử dụng các báo cáo quản trị thông minh để quản trị và điều hành công ty chặt chẽ, nhanh chóng và ra quyết định chính xác. Đây là một trong những hành động cụ thể để Minh Phú biến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu một tỷ USD trở thành hiện thực.

Qua đây có thể thấy rằng, các đại gia thủy sản thành công vượt bậc đều có chung đặc điểm: chú trọng vào năng lực cốt lõi là con cá tra, con tôm và họ đã dồn mọi tâm huyết, sức lực, tiền bạc vào hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm đang là thế mạnh của Việt Nam này.

Rùa vàng 300 triệu/kg ở Phú Yên

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở các huyện miền núi Phú Yên bỏ hết công việc đồng áng để đi săn rùa vàng.

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/217652/dai-gia-mien-tay---ca-map--viet-noi-danh-toan-cau.html

Theo Mạnh Hà/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm