Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương hiệu Việt dần bị mua đứt

Tập đoàn bán lẻ Central Group thâu tóm hệ thống bán lẻ điện máy Nguyễn Kim. Đây là vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có giá trị “khủng” tại thị trường VN.

Xâu chuỗi thương vụ này với các phi vụ mua bán thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô - Mondelez International (khoảng 8.000 tỷ đồng), Phở 24 - Jollibee (giá khoảng 20 triệu USD)… cho thấy, những thương hiệu lớn của Việt Nam dần bị mua đứt bằng những khoản tiền rất “khủng”.

Không thể độc hành ra “biển lớn”…

Tiền thu về tất nhiên là rất nhiều, nhưng hãy nghĩ rộng hơn: Cứ thương hiệu tốt nào của doanh nghiệp Việt đều bán tất thì gia sản kinh tế của người Việt Nam còn được những gì?

Chuyên gia M&A Helena Phạm cho rằng, doanh nghiệp Việt không thể “độc hành” đi ra “biển lớn” để thực hiện khát khao trở thành số 1 thuộc một ngành hay lĩnh vực nào đó trong nền kinh tế toàn cầu. Các khó khăn, rào cản lâu nay vẫn thường được nhắc tới là tiềm lực tài chính, mô hình tổ chức, đội ngũ nhân sự, khả năng sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ… 

Chính vì thế, những năm qua, trong lĩnh vực bán lẻ, đã có rất nhiều chuỗi, hệ thống phải đem bán hay liên kết với nước ngoài, như hệ thống Citimart vừa công bố chiến lược hợp tác với Aeon (Nhật Bản) đổi tên thành Aeon Citimart; hay chuỗi cửa hàng tiện lợi có mạng lưới khá rộng Family Mart, cũng được Tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan mua lại đổi tên thành B’sMart…

Siêu thị điện máy Nguyễn Kim trên phố Tràng Thi (Hà Nội).

Siêu thị điện máy Nguyễn Kim trên phố Tràng Thi (Hà Nội).

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op - cho biết: “Cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ đang diễn ra rất quyết liệt. Tùy theo từng mô hình mà Saigon Co.op sẽ quyết định tự phát triển hay liên kết với các đối tác nước ngoài. Với thương vụ hợp tác với Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore), Saigon Co.op nắm giữ 64% vốn và ràng buộc ngay từ đầu trong hợp đồng liên doanh là chúng tôi luôn luôn phải nắm cổ phần chi phối trong mọi trường hợp”.

Độc hành khó có thể ra “biển lớn”, nhưng đồng hành mà bán đứt hết cả công ty hay phần lớn cổ phần thì cũng chẳng còn gì để mang ra “biển lớn”. Bánh kẹo Kinh Đô đang dẫn đầu thị trường Việt Nam, Phở 24 là phở thương hiệu số 1 Việt Nam, Nguyễn Kim là nhà bán lẻ điện máy chiếm thị phần số 1 Việt Nam… Những “số 1” lần lượt lọt vào tay nước ngoài, người Việt Nam mất đứt 2 thứ: Thương hiệu “số 1” và tham vọng “số 1”.

“Chuyện các tập đoàn bán lẻ 'cá mập' thâm nhập thị trường Việt Nam là một xu thế đang diễn ra và không thể ngăn cản được. Tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nội lực của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải chọn cho mình một chiến lược với những giải pháp phù hợp. Hợp tác với nước ngoài hay không, nếu có thì hợp tác trong lĩnh vực nào và đến đâu? Phải lượng sức mà hoạch định chiến lược đề kháng, đặc biệt là phải khéo léo chọn đối tác mà chơi”, ông Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ.

Phở 24 - thương hiệu Việt đã bị doanh nghiệp nước ngoài mua đứt.

Phở 24 - thương hiệu Việt đã bị doanh nghiệp nước ngoài mua đứt.

Tham vọng chưa đủ?

Hiện có nhiều quan điểm nhìn về các thương vụ mà những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị bán đứt hoặc bán tháo. Trong thương vụ của Kinh Đô, doanh nghiệp này cho rằng thị trường bánh kẹo đang bão hòa, cạnh tranh gay gắt đầy khó khăn với bánh kẹo nước ngoài…, điều đó thúc đẩy Kinh Đô tái cơ cấu và bán bộ phận bánh kẹo đi để chuyển sang làm mì gói và thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên ngoài các yếu tố trên, bà Helena Phạm còn cho rằng, một trong những nguyên nhân rất quan trọng nữa là mô hình kinh doanh, sản phẩm bánh kẹo Kinh Đô đang bế tắc về sự sáng tạo.

Bế tắc sáng tạo thì bán đứt lấy 8.000 tỷ đồng (cũng có thể chuyển hướng) sẽ là an toàn hơn là tiếp tục “chiến đấu” với ngôi vị “số 1” trong sự thiếu tự tin và mệt mỏi. Tuy nhiên, trao đổi với chuyên gia M&A Đặng Xuân Minh (thành viên nhóm nghiên cứu MAF, Vietnam M&A Forum), thì ông lại rất đồng tình rằng, nếu ở “số 1” bánh kẹo gặp bế tắc sáng tạo hay cạnh tranh mà doanh nghiệp Việt bán đi, chuyển sang ngành khác cũng gặp khó khăn tương tự lại bán tiếp, thì mãi mãi doanh nghiệp Việt khó mà biến những “số 1” Việt Nam thành “số 1” toàn cầu.

Năm 2008, ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch kiêm CEO công ty Bkav - tuyên bố: “Năm 2010 Bkav sẽ ra “biển lớn”. Thực tế là năm ấy, Bkav chưa ra kịp…, thế là giới anti-Bkav có dịp “ném đá” Quảng “nổ” (biệt danh giới anti đặt cho ông Nguyễn Tử Quảng). Nhưng từ năm 2012 trở lại đây, Bkav đã liên tục mở văn phòng ở nước ngoài, đưa giải pháp nhà thông minh SmartHome “made in Vietnam” và “made by Bkav” đi triển lãm hết Châu Âu rồi đến Mỹ với lời… “nổ” rằng: “SmartHome Bkav số 1 thế giới”. Nhiều người thoạt nghe lại phì cười cho rằng Quảng “nổ” lại PR. Nhưng một chuyên gia lại phân tích rằng: Khi một ý nghĩ, lời nói, phương châm luôn vang vang trong đầu từ lãnh đạo đến nhân viên thì họ luôn được nuôi tham vọng/khát vọng về điều đó và sẽ luôn tìm mọi cách biến nó thành hiện thực.

'Cá mập' Thái và tham vọng ở thị trường Việt Nam

Sự góp mặt của gia tộc Chirathivat đã đánh dấu việc lần thứ 3, một tỷ phú từng giữ ngôi giàu nhất Thái Lan, tìm cơ hội rót vốn vào thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ trong vòng 2 năm.

http://laodong.com.vn/kinh-doanh/thuong-hieu-viet-dan-bi-mua-dut-288357.bld

Theo T.Lâm - G.Miêu - T.Vy/ Lao Động

Bạn có thể quan tâm