Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao hoàng đế lại tin tưởng hoạn quan

Nhiều hoàng đế Trung Quốc xưa quanh năm suốt tháng ở trong cung, tri thức chỉ đủ để nghe lời những kẻ nô bộc; chỉ kẻ nô bộc không có cốt cách khí độ mới chịu khom lưng nịnh bợ họ.

Tam quoc su thoai anh 1

Tạo hình thái giám Vũ Hóa Điền trong phim Long môn phi giáp.

Ngũ hình thời cổ đại

Cổ đại có năm loại hình phạt (ngũ hình), đều gây thương tổn cho nhục thể của con người, đó là: mặc, tị, phỉ, cung, đại tịch. “Mặc” là thích chữ lên mặt; “Tị” là cắt mũi; “Phỉ” cũng gọi là “tẫn”, là chặt ngón chân; “Cung” là: đàn ông thì thiến hoạn, đàn bà bị giam nhốt; “Đại tịch” là giết chết - đây chính là làm hại đến tính mạng người ta, so với mặc, tị, phỉ, cung lại khác hơn, nên được gọi là “đại hình”. Ngũ hình đối với đàn ông đều là làm tổn thương đến thân thể, riêng có “cung hình” đối với đàn bà mà nói thì không như thế, mà chẳng qua chỉ là giam giữ lại thôi.

Như vậy cũng có thể thấy những hình phạt làm tổn thương đến nhục thể đều bắt nguồn từ quân sự, vì trong việc quân, nếu phụ nữ có bị bắt làm tù binh, thì những kẻ chiến thắng còn cần dùng đến để thỏa mãn tính dục, cho nên không chịu thực hiện việc thiến hoạn, vì vậy mà từ xưa đã tương truyền hình phạt thiến hoạn, chỉ dành cho đàn ông. Đến sau này, muốn đem hình phạt này áp dụng với đàn bà, thì chỉ thay bằng việc giam giữ chứ không làm tổn thương đến thân thể.

Những hình phạt làm tổn thương thân thể, ban đầu chỉ áp dụng đối với dị tộc hoặc nội gian, cho nên trong pháp luật tương đối cổ xưa thì “công gia không chứa chấp, đại phu không nuôi dưỡng người bị hình phạt”. Câu này cũng là trong Lễ ký - Vương chế. Bởi vì, tù binh vốn là kẻ địch, nội gian là kẻ đầu hàng dị tộc, cũng không khác gì kẻ địch, sợ rằng chúng có thể báo thù. Đến sau này, những hình phạt làm tổn thương thân thể dần dà được áp dụng ở ngay trong bản tộc, vì vậy những người từng phải chịu hình phạt, tính chất đáng sợ không còn quá mức như trước đây nữa, do đó cần phải bắt họ làm một số việc.

Bộ sách Chu lễ trước đây có người nói là do Chu công viết ra, đó là nói bậy. Bộ sách này thu thập ghi chép đại khái là chế độ từ thời Đông Chu về sau, thời đại tương đối muộn, cho nên những người từng chịu các loại hình phạt đều có những công việc có thể làm được. Trong đó, công việc mà những người từng chịu cung hình có thể làm là “thủ nội” (coi giữ nội cung). Vì các quý tộc thời xưa sợ rằng thê thiếp của mình tư thông với người khác, cho nên ở nơi nội thất phải dùng những người đã bị thiến hoạn.

Về sau, liền có một hạng người cực hạ tiện, tuy chưa từng phải chịu cung hình, nhưng vì mong muốn được vào phục dịch trong nhà của những vị quý tộc, bèn tự thiến hoạn mình, để làm một nấc thang tiến thân. Cung hình, vào thời Tùy Văn đế đã bị phế bỏ, từ đó về sau, những người làm nội giám, đều là tự thực hiện việc thiến hoạn cả.

Thời Hán tuy vẫn còn cung hình, nhưng theo như trong Hậu Hán thư - Hoạn giả liệt truyện nói, thì những “hoạn giả” khi ấy phần nhiều cũng đều là tự làm việc thiến hoạn để tiến thân. Những hoạn quan thời Hậu Hán đều chuyên sử dụng loại người này. Từ đó về sau, hai chữ “hoạn quan” mới trở thành từ chuyên dùng để gọi loại người đó mà mất đi nghĩa gốc ban đầu của nó.

Tam quoc su thoai anh 2

Tam quốc sử thoại của tác giả Lã Tư Miễn, Châu Hải Đường dịch.

Vì sao Hoàng đế lại tin tưởng những hoạn quan?

Vì sao Hoàng đế lại tin tưởng những hoạn quan? Trong lịch sử, có một số ít Hoàng đế vì tính hay nghi kị, cho rằng triều thần đều muốn kết bè đảng để mưu riêng, chỉ có hoạn quan là đóng cửa ở trong cung, ít khi có giao tiếp với người ngoài, khó mà kết bè đảng. Hơn nữa, hoạn quan không có gia đình vợ con, những suy nghĩ mưu riêng cũng sẽ nhạt nhòa hơn, cho nên mới tin tưởng ở họ.

Nhưng số đó chỉ là rất ít. Nên hay rằng, từ xưa đến nay, những Hoàng đế ngu tối thì nhiều, mà hiền minh thì ít. Điều này không có nghĩa là những hoàng đế xưa nay sinh ra đã ngu tối, mà bởi vì tri thức của người ta tất thảy đều có được từ giáo dục - giáo dục ở đây nói, hoàn toàn không phải chỉ theo nghĩa hẹp là giáo dục ở trường học, mà là chỉ tất cả môi trường đủ để có thể khiến chúng ta chịu ảnh hưởng.

Như thế thì sự giáo dục mà hoàng đế nhận được có thể nói là vô cùng tệ. Bởi vì quanh năm suốt tháng ông ta chỉ đóng cửa ở trong thâm cung, những sự việc đủ để tăng thêm tri thức mà người bình thường tiếp xúc được, thì ông ta đều không được tiếp xúc. Cho nên dẫu hoàng đế có là một bậc thượng tri thì cũng chỉ có thể thành những người trung bình, còn nếu chỉ là những người trung trung, thì không thể tránh khỏi việc chỉ trở thành những hàng hạ phẩm.

Hoàng đế là một “công tử bột” lớn nhất, muốn biết bản chất của hoàng đế, chỉ cần chú ý quan sát những vị công tử bột là có thể suy đoán ra được đại khái. Chẳng phải là có các vị công tử bột không chịu tiếp xúc với những người thượng đẳng, mà chỉ chuyên thích trò chuyện với đám nô bộc, lại còn nghe lời những kẻ nô bộc nữa ư? Đó là bởi vì tri thức của họ chỉ đủ để nghe lời những kẻ nô bộc, hơn nữa chỉ có nô bộc, vốn không có thân phận gì, cũng không có cốt cách khí độ gì cho nên mới chịu khom lưng nịnh bợ họ.

Nguyên nhân mà những hoàng đế xưa nay mến thích hoạn quan chẳng qua cũng chỉ là như vậy. Nhưng cũng có hạng người vì ở vào một địa vị trọng yếu, nên những việc làm của họ thường gây ra những rối loạn lớn.

Ví như cuối đời Thanh, Từ Hy Thái hậu và Hoàng đế Quang Tự bất hòa. Chuyện ấy nếu ở trong dân chúng thì cũng không thể gây ra được rối loạn gì. Chuyện mẹ con bất hòa, trong xã hội chúng ta vẫn thường thấy luôn luôn. Nhưng ở trong hoàng thất thì lại vì thế mà nảy sinh thành vô số sự việc liên quan đến đại cục như cuộc chính biến năm Mậu Tuất, Quyền loạn năm Canh Tý... Hoàng đế các đời mến thích hoạn quan, sở dĩ gây ra đại họa, nguyên lý của nó cũng không ngoài điều ấy.

Lã Tư Miễn/Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn

SÁCH HAY