Mấy ngày nay, chị Bùi Thị Hương (Thái Bình) mất ăn mất ngủ. Chi hơn 350 triệu đồng tiền học tiếng, lo thủ tục và đóng tiền cọc, chị Hương chỉ còn đợi ngày lên đường qua Hàn Quốc làm việc. Dự kiến chị sẽ bay vào tháng 4/2016.
Thế nhưng, qua báo chí, chị được biết quê chị nằm trong danh sách có thể không được phép xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.
Hoang mang đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc
Theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nếu đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao thì nhiều khả năng không tuyển lao động ở một số địa phương trong danh sách đi làm tại quốc gia này. Những tỉnh, thành phố trên là Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang...
Chị Hương chỉ là một trong số rất nhiều lao động đang nhấp nhổm lo.
Việc sang Hàn Quốc lao động nằm trong kế hoạch thoát nghèo của chị và gia đình chị Hương. Theo thông tin từ công ty môi giới, công việc của chị khi sang Hàn Quốc là tạp vụ trong khách sạn, với mức lương dự kiến 25-30 triệu đồng một tháng.
Chị tính toán, sang Hàn Quốc lao động 5 năm chị sẽ gom góp đủ vốn làm ăn. Nhưng để thực hiện kế hoạch này, chị bỏ ra số phí là cả gia tài. Số tiền ấy phần lớn phải đi vay ngân hàng.
"Tôi đã mất công, mất tiền học, chi phí làm thủ tục đã lo, không biết phải xử lý thế nào", chị Hương băn khoăn.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, đơn vị đã trấn tĩnh người lao động. Bởi các thông tin không xét tuyển cho lao động ở các địa phương sang Hàn Quốc chỉ là dự kiến.
"Nếu trường hợp xấu xảy ra, công ty sẽ hoàn toàn bộ tiền cọc cho người lao động. Còn các chi phí học, thủ tục sẽ có phương án điều chỉnh phù hợp", vị đại diện doanh nghiệp cho hay.
Gần đây, một số lao động đã rút hồ sơ để chuyển sang thị trường lao động khác. Đơn cử, chị Phương Thanh (Nghệ An) có ý định đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc nhưng biết thông tin như trên đã chuyển hướng sang Nhật Bản.
Song theo chị, thị trường Hàn Quốc hấp dẫn hơn bởi chi phí rẻ. Kinh nghiệm từ những người từng lao động tại Hàn Quốc cho thấy công việc cũng không quá vất vả. Tuy nhiên, muốn có thu nhập cao, người lao động thường trốn ra làm thêm, làm ngoài.
Tỷ lệ lao động Việt Nam sang làm việc ở Hàn Quốc lưu vong quá nhiều khiến thị trường này gặp khó. Ảnh minh họa. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ, TB-XH) cho biết, đưa người lao động xuất khẩu Hàn Quốc là chương trình hợp tác giữa 2 Bộ Việt Nam và Hàn Quốc. Vì vậy, người lao động chưa đi thì không phải đóng một khoản phí nào. Nhiều lao đông đang chờ chủ có nhận hay không, nếu nhận thì họ mới phải nộp tiền và số tiền không quá lớn.
Từ đầu năm tới nay, hơn 2.000 lao động cư trú bất hợp pháp Việt Nam ở Hàn Quốc đã về nước. Song, so với con số 15.000 người mà phía Hàn Quốc đưa ra thì còn quá ít.
Cơ hội từ thị trường Nhật?
Theo anh Hoàng Nam, đại diện Công ty cổ phần xuất khẩu lao động Toàn Cầu, thị trường Hàn Quốc, Đài Loan dễ dàng với lao động Việt hơn cả. Tuy nhiên, Nhật Bản đang trở thành đích đến của nhiều người Việt.
Ông Hương cho rằng, nhiều lao động lựa chọn Hàn Quốc và Nhật Bản bởi đây là thị trường tốt, có thu nhập cao. Bên cạnh đó, những người đi Nhật về nước cơ hội kiếm việc làm tốt hơn, lương cao hơn so với những người đi các nước khác.
Anh Duy Thanh, nhân viên tư vấn ở một công ty ở Đông Anh cho biết, thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam ngày càng sôi động. Các công ty môi giới mọc lên ngày càng nhiều khiến các doanh nghiệp cạnh tranh bằng nhiều "thủ đoạn" dẫn đến tự làm khó nhau.
"Để cạnh tranh, các công ty môi giới trong nước sẵn sàng chi trả toàn bộ. Doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội lựa chọn đơn vị hợp tác. Điều này đẩy mức phí xuất khẩu lao động cao hơn nhiều so với quy định mà Bộ TB-LĐ & XH đã đề ra".
Anh Thanh cũng chia sẻ, để xuất cảnh sang nước ngoài, một người lao động Việt phải trả nhiều chi phí bởi liên quan đến nhiều công ty môi giới. Họ sẽ phải trả 2 lần phí cho công ty tiếp nhận (nơi lao động làm việc), sau đó qua cửa công ty phái cử ở Việt Nam. Bên cạnh đó, người lao động bắt buộc phải đóng tiền cọc, dao động 3.000-3.500 USD, dù nhà nước cấm.
Lý giải việc làm trái quy định này, anh Thành phân trần, nếu không thu tiền cọc thì lao động sang bên đó bỏ trốn rất nhiều. Hệ lụy là công ty môi giới Việt sẽ bị công ty môi giới Nhật phạt.
Thông thường, chi phí toàn bộ một lao động đi Nhật khoảng 5.500-6.500 USD, riêng cọc lên tới 3.000 USD. Song, thu nhập ở Nhật dao động 30 triệu đồng đồng/tháng cũng là lý do nhiều người không tiếc tiền để sang nước này làm việc.
"Người lao động thì muốn đi nhưng lại không muốn mất nhiều phí. Trong khi đó, nếu thu đúng phí của Bộ đưa ra thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại được, bởi phải bù lỗ", anh cho hay.
Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc từ tháng 8/2004. Đến năm 2010, hơn 71.000 lao động Việt Nam đã làm việc tại nước này.
Cuối năm 2010, nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp. Năm 2012, Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận lao động.
Cuối năm 2013, Bộ LĐ-TB&XH đã ký với Bộ Lao động Hàn Quốc biên bản ghi nhớ đặc biệt trong vòng một năm tiếp tục đưa lao động Việt sang làm việc với điều kiện số lao động cư trú bất hợp pháp giảm xuống dưới 30%.