Ngày 8/2, hàng loạt cây xăng ở các tỉnh Đồng Nai, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đắk Lắk treo biển hết hàng nghỉ bán. Theo nhiều đại lý và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, việc tạm ngưng bán hàng xuất phát từ việc nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị thua lỗ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ - Sản xuất Thắng Thành, doanh nghiệp phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho biết phải đóng cửa một số cửa hàng từ trước Tết Nguyên đán do thiếu nguồn cung và giá bán ra thấp hơn giá nhập vào.
"Một lít xăng dầu nhập về cao hơn bán ra 200 đồng vì giá xăng dầu bán ra theo quy định của nhà nước. Càng bán càng lỗ nặng", ông than.
Càng bán càng lỗ, thiếu nguồn cung
Theo ông Thắng, gần đây thương nhân đầu mối không những cắt giảm hoa hồng đến mức quá thấp mà bản thân doanh nghiệp bán lẻ còn phải tự bỏ ra chi phí để vận chuyển xăng, dầu từ kho đầu mối về cửa hàng. Tính ra một ngày doanh nghiệp mất khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng vì chịu thêm nhiều chi phí.
Ngoài ra, ông cho biết gần đây nguồn cung xăng dầu cũng không dồi dào như trước. "Mỗi lần nhập, doanh nghiệp chỉ được cung ứng khoảng 12 m3 xăng, dầu chứ không được 24 m3 như trước vì thiếu hàng", giám đốc doanh nghiệp này nói.
Tại An Giang, doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Văn Việt - thị trấn Chợ Vàm đã có đơn xin nghỉ bán xăng dầu từ ngày 5/2 đến hết ngày 12/2 với lý do Công ty An Kiên - huyện Chợ Mới giao xăng A95 giá 24.560 đồng/lít, bằng với giá bán ra 24.560 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ chi phí nên xin nghỉ.
Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Hiệp Vinh - thị trấn Phú Mỹ cho biết Công ty TNHH MTV xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) thông tin hiện nay nguồn xăng không đủ giao cho doanh nghiệp. Công ty Petrolimex hẹn đến ngày 8/2 mới giao xăng, do đó hiện nay cửa hàng Hiệp Vinh chỉ bán dầu.
Tại TP.HCM, Cục Quản lý thị trường TP cho biết hiện có một số cây xăng cũng tạm ngưng hoạt động lý do thiếu xăng Ron 95 để bán, tạm ngưng để sửa chữa hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy và một số lý do khác.
Cụ thể, tại Trạm xăng dầu Phú Định K26 (thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM) ở phường 16, quận 8 có kéo rào không bán lẻ xăng cho khách vãng lai. Qua làm việc với quản lý cửa hàng được biết do bồn chứa xăng hiện còn ít, chỉ đủ cung cấp cho các xe có ký hợp đồng với đơn vị nên đơn vị phải kéo rào để khách vãng lai không vào mua xăng.
Trước đó, ngày 28/1, Bộ Công Thương có công điện yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác quản lý, thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.
Chiều 8/2, đại diện Tổng cục QLTT cho biết đơn vị vẫn đang tiến hành kiểm tra, giám sát theo chỉ thị của Bộ Công Thương.
Theo báo cáo nhanh, từ ngày 28/1 đến nay, tại một số địa phương (Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang), lực lượng QLTT có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân như: Không có đủ nguồn cung, lượng tiêu thụ xăng dầu của người dân tăng cao, không có đủ nhân lực.
"Trong những ngày tới, lực lượng sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, tiến hành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1 của Bộ Công Thương", đại diện Tổng cục QLTT cho biết.
Trao đổi với Zing, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết đã nắm được thông tin một số điểm bán xăng dầu treo biển hết hàng. Theo ông, tình trạng này xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán do nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng khi Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động.
“Bộ Công Thương có báo cáo đánh giá gửi Chính phủ nhằm có phương án xử lý. Đồng thời, đơn vị cũng đã trao đổi với các đầu mối, nguyên tắc chung là đảm bảo tổng cung, giao nhiệm vụ cho từng đầu mối để có nguồn hàng nhanh nhất, sớm nhất”, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước nói.
Trước đó, Bộ trưởng Công Thương cũng đã có công điện yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đơn vị nào găm hàng chờ tăng giá. Ông Đông cho biết với những cửa hàng, cây xăng phải đóng cửa với lý do chính đáng như hết xăng, Bộ sẽ phối hợp điều phối, cung ứng.
Giá xăng sẽ tăng rất mạnh?
Thực trạng hết xăng, dầu hay bán theo giờ trong nhiều ngày qua diễn ra trong bối cảnh nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thông báo giảm công suất và ngày 11/2 tới là đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia dự báo giá bán lẻ xăng dầu có thể được Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng, bởi giá dầu trên thế giới đã lên mức cao nhất trong vòng gần 8 năm qua.
Cụ thể, vào đầu tháng 2, có thời điểm, giá dầu Brent đã leo đến mốc 93,7 USD/thùng, còn giá dầu WTI vọt lên ngưỡng 93,17 USD. Do thời tiết khắc nghiệt của Mỹ và bất ổn chính trị đang diễn ra giữa các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới.
Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) mới đây cũng nhận định hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới.
Do đó, trong kỳ điều hành ngày 11/2, giá xăng dầu trong nước sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
Hiện tại, 70% lượng xăng dầu sản xuất được từ trong nước, 30% nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng không có chuyện thiếu xăng dầu đến mức hàng loạt cây xăng phải tạm dừng hoạt động.
Hiện giá bán các loại xăng dầu trong nước vẫn áp dụng mức giá bán được điều chỉnh từ 15h chiều 21/1. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 440 đồng/lít, RON 95 tăng 490 đồng/lít và các loại dầu tăng khoảng 630-670 đồng/lít so với giá bán hiện hành.
Sau khi tăng, giá xăng E5 RON 92 bán ra không cao hơn 23.595 đồng/lít. Còn xăng RON 95-III không cao hơn 24.360 đồng/lít.
Chiều 8/2, chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhắc Bộ Công Thương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi.
Đồng thời, Bộ Công Thương phải đảm bảo cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu, có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn, đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa mặt hàng này.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rà soát kỹ cơ chế, chính sách hiện hành về quản lý xăng dầu. Từ đó, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp bởi đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa và đời sống người dân.
Nhiều cây xăng ở An Giang không còn hàng để bán
Theo Cục quản lý thị trường tỉnh An Giang, có tình trạng cây xăng không còn hàng để bán cho người tiêu dùng, phải ngừng hoạt động, nguồn cung không được cung cấp kịp thời.
Doanh nghiệp xăng dầu rơi vào thế khó
Việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất khiến nhiều doanh nghiệp vất vả tìm nguồn cung xăng dầu mới. Một số phải đóng cửa vì khan hiếm nguồn cung, càng bán càng lỗ.
Nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam dự kiến dừng hoạt động vì thiếu tiền
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thông báo dự kiến ngừng hoạt động từ tháng 2 vì khó khăn tài chính. Nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung xăng, dầu cho thị trường.