Ngày 27/1, Nguyễn Tuấn Hải (Hải "Bánh", 55 tuổi, quê Hà Nội) được tha tù trước thời hạn. Trước đó, ông phải chấp hành án tại Trạm giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) sau khi bị TAND TP.HCM tuyên án chung thân về tội Giết người do liên quan tới cái chết của Vũ Thị Hoàng Dung (tức bà trùm Dung Hà).
Sau 22 năm thi hành án, người đàn ông này đã được tha tù.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, phạm nhân được xem xét tha tù trước thời hạn trong những trường hợp nào?
Phạm nhân Nguyễn Tuấn Hải được tha tù ngày 27/1. Ảnh: Đ.X. |
Theo dõi sự việc, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) nhìn nhận pháp luật nghiêm minh song vẫn có chính sách khoan hồng, tạo điều kiện để những người lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời. Việc Hải "Bánh" được tha tù trước thời hạn thể hiện sự nhân đạo của pháp luật, là sự ghi nhận cho nỗ lực cải tạo của giang hồ khét tiếng một thời này.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư cho biết theo Điều 63 Bộ luật Hình sự 2015, người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ dân sự thì được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền là đơn vị đưa ra đề nghị giảm án với phạm nhân.
Cụ thể, đối với người bị tuyên cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù có thời hạn, thời điểm xét giảm án là sau khi chấp hành 1/3 thời hạn hình phạt. Đối với người bị kết án tù chung thân, mốc thời điểm này là sau 12 năm thi hành án.
Ở lần giảm án đầu tiên, nếu được chấp nhận, người bị kết án tù chung thân sẽ được giảm án xuống còn 30 năm tù. Trong những lần xét giảm tiếp theo, tùy thuộc quá trình cải tạo, họ có thể tiếp tục được giảm án. Tuy nhiên, việc giảm án vẫn phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt của họ ít nhất là 20 năm tù.
Với việc Hải "Bánh" phải chấp hành án 22 năm trước khi được tha tù, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nhìn nhận cơ quan chức năng đã thực hiện đúng quy định, thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân đạo của pháp luật với những người phạm tội.
"Một người vào tù không có nghĩa họ không thể đóng góp cho xã hội. Quá trình cải tạo, họ vẫn phải lao động và được dạy nghề, làm những công việc tạo ra của cải, vật chất, giá trị cho xã hội. Thông thường, mỗi năm sẽ có 3 đợt giảm án vào các dịp 30/4, 2/9 và Tết Nguyên đán. Tùy thuộc thái độ cầu thị của người phạm tội, giám thị trại giam sẽ xem xét đề nghị giảm án, tạo điều kiện để họ sớm trở về với người thân và làm lại cuộc đời", luật sư chia sẻ.