Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao giá xăng ở Việt Nam cao hơn Mỹ

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết: Giá xăng dầu tại Mỹ được điều chỉnh lên xuống từng ngày theo thị trường, còn tại Việt Nam vẫn đang theo quy luật 30 ngày.

Nhiều chuyên gia cho rằng, có thời điểm, giá xăng tại Việt Nam cao hơn Mỹ tới 4.000 đồng/lít. Đây là một nghịch lý khi thu nhập bình quân đầu người của Mỹ cao hơn 30 lần Việt Nam. 

Tần suất dày đặc, mức tăng quá cao

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, giá xăng đang quá cao, gây khó khăn lớn cho người dân và làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp (DN). “Với giá xăng dầu hiện nay, chính sách thuế, phí theo tôi đang bất hợp lý. Không thể vì khó khăn của ngân sách mà tận thu, đẩy khó khăn sang người dân và DN”, bà Lan nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, xăng tăng giá liên tiếp đã tạo ra cú sốc tâm lý đối với người tiêu dùng, vì tần suất tăng quá dày đặc và mức tăng quá cao. Theo ông Doanh, chắc chắn việc tăng giá xăng này sẽ thúc đẩy lạm phát trong những tháng tới.

Minh họa : Khều.

Minh họa : Khều.

Lý giải vì sao giá xăng ở Việt Nam cao hơn Mỹ, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: Giá xăng dầu tại Mỹ được điều chỉnh lên xuống từng ngày theo thị trường, còn tại Việt Nam vẫn đang theo quy luật 30 ngày quy định tại Nghị định 84. Theo ông Năm, thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng này được áp ở mức khá cao.

Cụ thể, xăng RON 92 là 18% (2.940 đồng/lít, dầu diesel 14%, dầu hỏa 16%, dầu ma dút 15%). Riêng xăng RON 92 chịu thêm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường được áp với mức cụ thể cho các mặt hàng như: Xăng RON 92 chịu mức 1.000 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít, dầu hỏa và dầu ma dút 300 đồng/lít. Như vậy, nếu tính thêm 10% thuế VAT, riêng xăng RON 92 phải chịu đến 38% các loại thuế. Tổng tiền thuế, phí tương ứng mỗi lít xăng là 10.743 đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Thụy (Viện Kinh tế-Tài chính), Việt Nam đang nhập khoảng 60-70% xăng dầu. Do đó, giá mua của các đầu mối nhập khẩu theo thị trường thế giới; phần thuế, phí trong xăng dầu sau khi nhập ở mức cao là nguyên nhân khiến giá xăng dầu Việt Nam cao hơn Mỹ.

Còn nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) GS. TS Đặng Đình Đào cho rằng, giá xăng dầu nước ta cao hơn Mỹ trước hết do thị trường xăng dầu Việt Nam chưa cạnh tranh đúng nghĩa mà có tính độc quyền cao. Khi độc quyền, giá bao giờ cũng tăng. Theo đó, vì cơ sở định giá còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, minh bạch và còn cứng nhắc; chưa phân biệt rõ giữa “giá cơ sở” và giá bán lẻ xăng dầu.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, giá xăng dầu phải tính tại một thời điểm. Đem so giá thời điểm này với thời điểm khác sẽ không chính xác. Hơn nữa, giá xăng dầu ở Việt Nam đang được điều hành theo đúng Nghị định 84 với biên độ thời gian tính giá cơ sở bình quân 30 ngày. “Giá xăng dầu trong nước không thể so sánh với giá cùng ngày ở nước khác được.

Hôm nay, xăng ở Mỹ không thể hô biến về Việt Nam ngay được, vì phải mất thời gian vận chuyển 15 ngày xăng dầu mới về tới Việt Nam”, ông Hải nói.

Nên giảm thuế, chia sẻ với dân

Giá xăng tăng lên mức kỷ lục, cước di động chờ giảm

Thông tin về việc giá xăng tăng lên mức cao kỷ lục, đại gia chi 1.500 tỷ đồng sắm tàu cá, chiêu kiếm tiền theo cơn sốt in tên lên chai Coca... được độc giả quan tâm nhất tuần qua.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần phải xem lại cơ cấu chi phí trong giá xăng dầu. Theo đó, bóc tách ra các chi phí về cầu đường..., không nên nhập nhèm nhiều chức năng, chính sách trong cơ cấu giá xăng dầu như hiện nay. Trong chính sách về thuế, phí với xăng dầu, để chia sẻ với người dân và DN, nhà nước nên giảm phần thuế của mình.

Nhà nước nên giảm thuế, phí đối với xăng dầu để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp.

Nhà nước nên giảm thuế, phí đối với xăng dầu để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả), giá xăng dầu hiện nay thực tế có thể giảm được nếu điều chỉnh chính sách về thuế, phí. Vấn đề là, cơ quan thẩm quyền có muốn giảm hay không. Theo ông Ánh, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay vẫn rất rườm rà và những dự định điều chỉnh, thay đổi nó cũng không có đột phá đáng kể.

Ông Nguyễn Minh Thụy (Viện kinh tế - Tài chính) cũng cho rằng, việc giảm thuế xuống mức thấp hơn, hoàn toàn thực hiện được, thay vì chỉ dùng biện pháp bình ổn thị trường. Nhà nước có thể thay đổi chính sách ở những thời điểm nhất định. Khi nhà nước hạ mức thuế xuống, giá xăng dầu sẽ giảm.

 Đợt tăng giá tối ngày 7/7 vừa qua đã khiến giá xăng dầu xác lập kỷ lục mới khi tăng thêm từ 130-410 đồng/lít, kg. Theo bảng giá mới, xăng Ron 95 có mức giá mới 26.410 đồng/lít; xăng Ron 92 là 25.640 đồng/lít (mỗi loại tăng 410 đồng/lít). Ngoài ra, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng thêm 290 đồng/lít; dầu hỏa tăng 410 đồng/lít; dầu ma dút tăng 130 đồng/kg.

 Không giảm thuế vì nguồn thu của ngân sách

Trao đổi với báo chí xung quanh việc điều hành giá xăng dầu của Bộ Tài chính trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định: Việc điều chỉnh giá xăng dầu đã được tính toán rất kỹ với mức tăng rất kiềm chế; nếu không sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng còn tăng cao hơn nữa. Cụ thể, với việc điều hành giá xăng ngày 7/7 vừa qua, nếu cơ quan quản lý không điều hành linh hoạt; không sử dụng quỹ bình ổn giá xăng lẽ ra phải tăng tới 918 đồng/lít. Tuy nhiên, do cho phép doanh nghiệp trích sử dụng quỹ bình ổn gần 500 đồng/lít, giá xăng chỉ tăng 410 đồng/lít.

Vì sao không giảm thuế với mặt hàng xăng dầu? Ông Tuấn cho biết, thuế xăng dầu là một khoản thu quan trọng của ngân sách nên phải cân nhắc rất kỹ, không dễ gì điều chỉnh tăng hoặc giảm.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Cục Quản lý Giá, hiện một lít xăng A92 về Việt Nam, tổng các loại thuế, phí phải thu cho ngân sách tương đương 8.244 đồng/lít. Việc giá xăng cao cũng do doanh nghiệp phải trả các khoản chi phí kinh doanh, chi phí bảo hiểm, chi phí vận chuyển, chi phí trích Quỹ Bình ổn giá... “Cho phép tăng giá, chúng tôi đã tính toán kỹ các yếu tố. Khi điều hành giá, chúng tôi cũng chọn thời điểm phù hợp với thị trường, chứ không nặng về thu thuế và lạm phát”, ông Tuấn nói.

 

 

 

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/gia-xang-dau-viet-nam-cao-hon-my-day-kho-nguoi-tieu-dung-734388.tpo

Theo Phạm Tuyên/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm