Tăng thêm 410 đồng, giá xăng vượt 26.000 đồng/lit
Ngày 7/7, sau 2 tuần ổn định, giá xăng đã thiết lập kỷ lục mới khi tăng thêm 410 đồng, lên mức 26.140 đồng/lit. Giá dầu diesel cũng tăng 270 đồng/lít, còn dầu mazut tăng 130 đồng/kg. Sau khi điều chỉnh giá, mức giá bán lẻ của các mặt hàng sẽ là: xăng A92 là 25.640 đồng/lít, dầu diesel là 22.820 đồng/lít, dầu hoả là 22.950 đồng/lít và dầu mazut sẽ có giá là 18.700 đồng/kg. Các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn với mức trích cho xăng là 500 đồng/lít và dầu mazut là 300 đồng/kg.
Đánh giá về việc giá xăng liên tiếp tăng mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý, doanh nghiệp không muốn giảm giá, vì điều này ảnh hưởng đến lợi ích của họ. "Tổng cộng các khoản thuế, phí xăng dầu dao động trong khoảng 30%, có thời điểm lên tới 50%. Chính từ mức thuế kinh khủng như thế dẫn tới chuyện không thể để cho Bộ Tài chính quản lý giá xăng dầu được. Bởi vì Bộ Tài chính có lợi ích trong đó, thu được rất nhiều từ đó, mỗi năm thu mấy ngàn tỷ từ thuế xăng dầu. Nếu xăng dầu càng tăng thì Bộ Tài chính thu được càng nhiều. Vậy dại gì Bộ tài chính giảm giá xăng dầu?", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả đánh giá.
Cùng thời điểm giá xăng dầu đạt mức kỷ lục thì một mặt hàng thiết yếu khác là viễn thông lại đứng trước cuộc đua giảm giá cước, khi Viettel kiến nghị đưa cước di động nội ngoại mạng về chung một mặt bằng. Như vậy, sau 10 năm, giá xăng dầu và viễn thông đã đi theo hai con đường khác nhau, khi khoảng cách giá tăng từ 3 lần lên tới 12 lần.
Vì sao đại gia Sài Gòn chi 1.500 tỷ sắm 100 tàu cá?
Câu chuyện ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT công ty CP Đức Khải trình Chính phủ đề án mua 100 tàu cá cùng 2 trực thăng để hỗ trợ hoạt động đánh bắt những ngày qua khiến dư luận xôn xao. Có người cho rằng, ông chủ doanh nghiệp này vì phẫn nộ trước hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà sắm tàu lớn bám biển, nhưng vị này khẳng định, việc mua tàu của ông xuất phát hoàn toàn từ bài toán kinh tế.
"Trong điều kiện kinh tế khó khăn, tôi là người đứng đầu doanh nghiệp, không thể để nhân viên tôi đói nên phải tìm hướng xoay thôi. Bất động sản bí đầu ra, khai thác thứ gì trên bờ rồi cũng cạn kiệt, trong khi tài nguyên biển của mình thì lại dồi dào. Vươn ra biển cũng là cơ hội thử thách bản thân. Với tôi, thể hiện ý chí, tinh thần dân tộc phải thiết thực, bằng cách mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho bản thân, người lao động xung quanh mình", ông Lâm khẳng định.
Các tàu, kể cả đánh bắt và hậu cần của Đức Khải sẽ là tàu vỏ sắt, với máy móc hiện đại, có công suất từ 500 đến 1.500CV. Chi phí cho mỗi tàu bình quân khoảng 10 tỷ đồng. Tổng số vốn để đầu tư cho tất cả phương tiện khoảng 1.500 tỷ. Phần lớn vẫn là vốn tự có của doanh nghiệp, nhưng để quản lý vốn hiệu quả, vị này mong được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi như một ngư dân bình thường theo chính sách của nhà nước.
"Tất cả thuyền viên trên tàu được hưởng lương theo nguyên tắc phân chia tỷ lệ thu nhập ngư dân 65%, công ty 34% và 1% sẽ đóng góp cho quỹ kiểm ngư. Kể cả những mùa tàu không đi đánh bắt được, họ cũng sẽ được nhận trợ cấp đảm bảo mức thu nhập không dưới 5 triệu đồng/người/tháng", ông chủ công ty Đức Khải khẳng định.
Chiêu kiếm tiền nhờ ăn theo cơn sốt in tên lên lon Coca
Cơn sốt in tên trên vỏ lon Coca-Cola nở rộ chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt những phần mềm chế tên "ảo" ra đời khiến cư dân mạng xôn xao. Ngoài mong muốn sở hữu một bức hình chia sẻ trên Facebook, nhiều bạn trẻ thích được cầm trên tay những lon Coca-Cola ghi tên mình yêu thích. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều hàng tạp hoá, quán cà phê, quán ăn, thậm chí các nhà hàng cũng đua nhau mua lon Coca-Cola in tên trên vỏ lon, đặt sẵn ở bàn khi khách hàng có nhu cầu.
Một trang Facebook đang bán công khai những chai Coca-Cola được in tên sẵn mới được lập ngày 17/6, nhưng đến thời điểm hiện tại đã có hơn 21.000 lượt like. Một số lon Coca-Cola in tên hiếm có giá đắt gấp 3-4 lần ngoài thị trường, với mức 25.000 -35.000 đồng/lon nhưng vẫn được hàng nghìn lượt khách đặt mua. Khi đặt hàng trên trang này, khách hàng chỉ cần cung cấp tên và sẽ có người mang đến tận nơi.
Với những tên không được nhãn hàng in sẵn, khách tại TP.HCM có thể chọn điểm nhận in tên lên chai nhựa với giá 20.000 đồng/lần với bất kỳ tên và ký tự nào. "Thành phẩm của mình là 1 chai Coca có nước ngọt, hàng chính hãng đàng hoàng chứ không phải như các trang web chỉ làm hình photoshop đâu. Thật 100%. Và chai là chai Coca, không phải là nước sâm hay nước màu nữa. Nên mấy bạn yên tâm chất lượng. Ship toàn quốc luôn”, chủ dịch vụ này quảng cáo.
1 triệu đồng/kg nhân hạt cây 'tỷ đô' ở Việt Nam
Hạt mắc ca (Macadamia) được coi là loại hạt ngon nhất, mất nhiều công chăm sóc nhất và đắt đỏ trên thế giới. Hạt có kích cỡ từ 2-3cm, hình tròn, màu crème, rất thơm, nhân mềm như bơ và tan mịn trên đầu lưỡi khi cho vào miệng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhân của hạt mắc ca có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn lạc (44,8%), nhân điều (47%)…
Ở Việt Nam, giá hạt mắc ca khô khá cao, loại còn nguyên vỏ là 300.000 đến 350.000 đồng/kg, loại còn vỏ nhưng đã nứt giá 400.000 đồng/kg. Riêng nhân đã được tách vỏ giá dao động 900.000 - 1.000.000 đồng/kg.
Lý giải về giá hạt mắc ca ở Việt Nam cao gấp từ 3-5 lần so với ở nước ngoài, người bán cho biết, hạt mắc ca hiếm, phải nhập từ thị trường châu Úc hoặc Mỹ nên có giá đắt. Hiện tại một số vùng ở Việt Nam cũng có trồng được mắc ca, nhưng do kĩ thuật còn hạn chế nên sản lượng ít, chất lượng dinh dưỡng chưa cao dẫn đến nguồn hàng không ổn định.
Thực hư 'cua biển Cà Mau' bán siêu rẻ
Có giá bán chỉ bằng 1/3 so với giá cua tại vựa, cua biển mang nhãn "cua Cà Mau" gần đây được bán phổ biến trên vỉa hè Hà Nội hay TP.HCM. Nhưng nhiều thương lái thu mua cua biển ở Cà Mau khẳng định, không có chuyện cua biển Cà Mau “bò” ra các vỉa hè ở Hà Nội hay trên Sài Gòn với giá siêu rẻ, bởi một 1 kg cua gạch hiện nay ở Cà Mau có giá 250.000 - 270.000 đồng/kg (tùy loại).
“Thực chất loại cua biển có giá 50.000 - 80.000 đồng/kg được các thương lái thu gom vận chuyển về từ nhiều tỉnh khác nhau ở ĐBSCL, nơi bà con nông dân thường nuôi xen cua trong các đầm tôm, đất trồng lúa nên chất lượng không được thơm ngon”, thương lái Nguyễn Văn Lượm (huyện Cái Nước) nói.