Ngọc Anh (28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) đang đau đầu tính toán chi phí cho chuyến đi Đà Lạt cùng nhóm bạn 4 người. Vì thời tiết thủ đô nắng nóng, cả nhóm đã quyết định đi Đà Lạt để thư giãn, nghỉ ngơi. Tuy nhiên, giá vé máy bay chặng Hà Nội - Đà Lạt đã chạm mốc 4,5 triệu đồng/chuyến khứ hồi. Chỉ riêng tiền vé, cả nhóm đã tốn khoảng 18 triệu đồng.
Tương tự, Minh Hải (30 tuổi, quản lý dự án ở TP.HCM) cũng “giật mình" khi đặt vé máy bay chặng TP.HCM - Hà Nội.
“Các con được nghỉ hè nên cả nhà tôi dự định sẽ đưa con về thăm ông bà ở thủ đô rồi kết hợp đi du lịch ở Ninh Bình. Tuy nhiên, giá vé khoảng hơn 4 triệu đồng/khứ hồi khiến tôi bất ngờ. Cách đây 2 tháng, tôi ra Hà Nội công tác và giá vé chỉ hơn 2 triệu đồng. Tôi đang cân nhắc lại chuyến đi này và có lẽ, cả nhà sẽ đi đâu đó gần TP.HCM thôi", anh Hải nói.
Gần đây, giá vé máy bay đang có xu hướng tăng nhanh. Một phần nguyên nhân từ chi phí nguyên liệu và nhu cầu du lịch mùa hè tăng cao.
Nhu cầu tăng cao
Theo công bố mới đây của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, số lượng khách mà các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đã tăng 56,1% so với cùng kỳ và dự kiến trong cả năm 2022, con số sẽ tăng 185% so với năm 2021.
Thị trường hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi nhanh chóng với nhu cầu di chuyển tăng vọt của hành khách trong nước và quốc tế. Người dân cả nước cũng đang đón đợt cao điểm hè không bị giới hạn di chuyển đầu tiên sau 2 năm.
Đại diện Bamboo Airways chia sẻ hãng liên tục ghi nhận nhu cầu đặt vé tăng vọt của các hành khách.
“Tỷ lệ lấp đầy trung bình các đường bay nội địa trong giai đoạn cao điểm ghi nhận ở mức trên 90%. Nhiều đường bay có nhu cầu cao như các đường bay kết nối đến các điểm du lịch nổi tiếng: Côn Đảo, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Đà Nẵng, các đường bay trục kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Tỷ lệ lấp đầy các đường bay quốc tế cũng ở mức cao và ngày càng gia tăng”.
Nhu cầu cao là một trong những nguyên nhân làm tăng giá vé máy bay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại diện Vietravel Airlines cho biết do nhu cầu đi lại tăng cao trong mùa hè nên các hạng vé giá rẻ nhanh chóng được “săn". Khi hết vé giá rẻ, giá vé sẽ nhảy lên các hạng vé cao hơn. Điều này một phần đã tạo ra hiệu ứng giá vé cao trong giai đoạn này.
Tất cả các chặng bay của Vietravel Airlines đều là điểm đến du lịch nên đều ghi nhận nhu cầu đặt vé cao. Trong đó, phổ biến nhất là chặng Hà Nội - Đà Nẵng và Hà Nội - TP.HCM.
Theo TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), giá các chuyến bay dịp cao điểm của các hãng hàng không có khác biệt lớn là do yếu tố “lệch đầu”. Tức là, có một chiều bay khách có nhu cầu rất lớn, còn chiều ngược lại có nhu cầu rất thấp. Do vậy, mức giá các chuyến bay có thể cao hơn thường lệ để đảm bảo hiệu quả chi phí, bù đắp chiều bay "rỗng" hoặc không đủ khách.
“Giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa thường được các hãng hàng không thực hiện theo cơ chế trải giá linh hoạt, gồm nhiều mức giá từ thấp đến cao với các điều kiện giá vé khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hành khách mua từ sớm sẽ có cơ hội mua được mức giá thấp, mua sát ngày nhiều khả năng sẽ phải trả giá cao hơn do đã hết chỗ giá tiết kiệm”, ông Nề nói.
Theo đại diện của Vietravel Airlines, mùa hè được xem là giai đoạn tích lũy cho các mùa thấp điểm đi lại từ cuối tháng 8 đến hết tháng 11. Do vậy, việc cân chỉnh giá vé trong giai đoạn này được xem là bài toán về quản trị doanh thu và đảm bảo hoạt động các hãng được bền vững.
Giá vé tăng theo giá xăng
Bên cạnh sự gia tăng của nhu cầu di chuyển hàng không, giá xăng dầu cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến các hãng bay trên toàn thế giới. Xăng ZA1 từ mức giá 85 USD nay đã lên 160-170 USD/thùng.
Theo Bloomberg, nhiên liệu máy bay hiện chiếm tới 38% chi phí của một hãng hàng không, tăng từ mức 27% trước năm 2019. Đối với một số hãng bay giá rẻ, tỷ lệ này có thể lên tới 50%.
Tại Đại hội đồng cổ đông Vietjet Air tổ chức vào cuối tháng 5, ông Tô Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, cũng cho biết giá nhiên liệu đang chiếm 40% tổng chi phí khai thác.
"Khi giá nhiên liệu tăng trên 100 USD/thùng, chi phí khai thác của các hãng hàng không tăng thêm 50%", ông Thắng nói.
Đại diện Vietravel Airline chia sẻ: “Khi ngành hàng không vừa phục hồi sau đợt dịch Covid-19, các gánh nặng chi phí còn dư âm từ trước cộng với chi phí nhiên liệu tăng tiếp tục tác động xấu đến tình hình tài chính và lợi nhuận của các hãng”.
Vị này nói thêm: "Việc tăng giá vé là giải pháp mà hãng không hề mong muốn nhưng vẫn phải làm để cân đối chi phí chuyến bay".
"Việc tăng giá vé là giải pháp mà hãng không hề mong muốn nhưng vẫn phải làm để cân đối chi phí chuyến bay"
Đại diện Vietravel Airlines
Hiện, Vietravel Airlines đã chủ động và tiếp tục cắt giảm các chi phí vận hành không thiết yếu để tiết kiệm chi phí đồng thời tối ưu hóa việc lấp đầy ghế cho mỗi chuyến bay cất cánh.
Về lâu dài, hãng sẽ bổ sung thêm các thế hệ tàu bay mới, hiện đại, an toàn và tiết kiệm nhiên liệu.
Tương tự, Bamboo Airways cũng tiến hành triển khai các kế hoạch, chương trình tiết kiệm nhiên liệu nhằm xanh hóa các chuyến bay, giảm thiểu tác động có hại tới môi trường…
Ngoài ra, hãng đã đề xuất về việc xem xét điều chỉnh giá trần trong thị trường nội địa, điều chỉnh phụ thu nhiên liệu trên các đường bay quốc tế và kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn giảm 100% thuế môi trường được áp dụng trong giá nhiên liệu.
Vietnam Airlines cũng đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa và cho phép các hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu với các chặng bay nội địa theo thông lệ của hàng không quốc tế trước đây khi giá nhiên liệu biến động.