Theo Trading Economics, dầu thô WTI đã được giao dịch trên ngưỡng 100 USD/thùng sau nhiều ngày dao động quanh mức giá 93-98 USD/thùng. Trong vòng 24 giờ qua, giá dầu WTI tăng vọt từ hơn 95 USD/thùng lên 101 USD/thùng, rồi điều chỉnh giảm nhẹ còn 100,28 USD/thùng.
Còn giá dầu thô Brent có thời điểm vượt mốc 105 USD/thùng trong vòng 24 giờ qua, tăng hơn 8% so với mức thấp trong tuần. Hôm 11/4, dầu Brent trượt giá xuống ngưỡng thấp nhất trong gần 1 tháng.
Nói với Zing, các chuyên gia giải thích giá dầu bật tăng sau khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng hạn chế, OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) đưa ra lời cảnh báo về nguồn cung. Cùng với đó là động thái mới nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cả dầu Brent và dầu WTI đều được giao dịch trên ngưỡng giá 100 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics. |
Đàm phán hòa bình bế tắc
Theo Reuters, phát biểu trước công chúng hôm 12/4, Tổng thống Putin tuyên bố cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài vì Kyiv đã phá hỏng các cuộc đàm phán hòa bình. Ông tố cáo Ukraine hủy hoại kết quả đàm phán bằng cách dàn dựng những tuyên bố giả về tội ác chiến tranh của Nga.
"Đàm phán hòa bình lại rơi vào bế tắc", Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Xung đột Nga - Ukraine và các đòn trừng phạt mà phương Tây giáng vào Nga đã đẩy giá dầu tăng vọt. Mới đây, Vitol Group - tập đoàn thương mại năng lượng và hàng hóa tư nhân hàng đầu thế giới - cho biết sẽ ngừng kinh doanh dầu thô và các sản phẩm có xuất xứ từ Nga vào cuối năm nay.
"Giá dầu tăng vọt sau thông tin Trung Quốc bắt đầu nới lỏng hạn chế. Cùng với đó là lời cảnh báo của OPEC, cho rằng sẽ khó thay thế nguồn cung dầu Nga", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại UK & EMEA OANDA (có trụ sở ở Anh) - nói với Zing.
Giá dầu tăng vọt thông tin Trung Quốc bắt đầu nới lỏng hạn chế. Cùng với đó là lời cảnh báo của OPEC, cho rằng sẽ khó thay thế nguồn cung dầu Nga
Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại UK & EMEA OANDA (có trụ sở ở Anh)
Theo ông Erlam, Liên minh châu Âu (EU) đang tiếp tục thúc đẩy nâng sản lượng. Điều đó có thể cho phép khối này đưa ra các lệnh trừng phạt đối với dầu Nga mà không gây ra thiệt hại kinh tế lớn.
"Nhưng dường như EU sẽ không nhận được sự trợ giúp của OPEC+ (OPEC và đồng minh), trong đó có Nga. Do đó, giá dầu sẽ khó rơi xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng một lần nữa", ông Erlam dự báo.
Hôm 11/4, ông Mohammad Barkindo - Tổng thư ký OPEC cho biết 7 triệu thùng dầu Nga có thể bị loại bỏ khỏi thị trường mỗi ngày do các lệnh trừng phạt và làn sóng tẩy chay của khách hàng.
Tổ chức cảnh báo sẽ không thể nâng sản lượng đủ để bù đắp nguồn cung dầu Nga bị loại bỏ khỏi thị trường.
Sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến đạt trung bình 12,01 triệu thùng/ngày trong năm nay, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang chật vật với chi phí sản xuất và lao động tăng cao.
Trở lại đà tăng
Ngoài ra, theo ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại The Americas OANDA, thị trường dầu mỏ vẫn dễ bị tổn thương nếu châu Âu đưa ra các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.
Theo các ngoại trưởng, EU đang soạn thảo những đề xuất về lệnh cấm vận dầu của EU đối với Nga. Nhưng đến giờ, các nước thành viên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào.
Hôm 5/4, Ủy ban châu Âu đã đề xuất lệnh cấm sử dụng than của Nga nhằm trừng phạt Điện Kremlin vì chiến sự ở Ukraine.
Việc Trung Quốc nới lỏng phong tỏa cũng là một trong những động lực đẩy giá dầu lên cao. Hôm 11/4, giới chức Thượng Hải cho biết một số khu vực - nơi sinh sống của 7.000 hộ gia đình - đã được phân loại là vùng có nguy cơ thấp hơn sau 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.
"Việc Thượng Hải nới lỏng các biện pháp phong tỏa đã làm giảm áp lực trên thị trường dầu. Trước đó, giới đầu tư lo ngại về nhu cầu lao dốc do cách chống dịch của Trung Quốc", bà Vandana Hari - nhà sáng lập công ty phân tích thị trường dầu Vanda Insight - nhận định.
Giá dầu Brent trở lại đà tăng giá sau nhiều tuần lao dốc. Ảnh: Trading Economics. |
Theo ông Moya, các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc có thể đối mặt với làn sóng phản ứng ngày càng gia tăng. Bởi Bắc Kinh áp đặt những biện pháp gắt gao trên diện rộng ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 trở nặng vẫn ở mức rất thấp.
Trước khi trở lại đà tăng, giá dầu đã lao dốc mạnh trong gần 1 tháng qua, khi các lệnh phong tỏa của Trung Quốc đè nặng lên nhu cầu dầu. Chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc làm gián đoạn nhiều hoạt động từ đi lại, sản xuất đến vận chuyển.
"Các nước trên thế giới đã tìm cách giảm bớt áp lực trên thị trường dầu trong thời gian qua. Điều này phần nào giúp giá dầu sụt giảm. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ những lệnh phong tỏa của Trung Quốc", chuyên gia tài chính Craig Erlam nhận định.