Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 12/4, giá dầu WTI bật tăng 1,81% so với 24 giờ trước đó lên 95,98 USD/thùng. Còn giá dầu Brent chứng kiến mức tăng 1,61% lên 100,07 USD/thùng.
Giá dầu bật tăng phần nào sau nhiều ngày giảm mạnh. Hôm 11/4, giá dầu thô Brent rơi xuống mức 97,5 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 1 tháng.
Giải thích với Zing, chuyên gia quốc tế nhận định giá dầu bị tác động mạnh bởi các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn.
Giá dầu bật tăng phần nào sau nhiều ngày lao dốc. Ảnh: |
"Zero-Covid" của Trung Quốc tác động mạnh tới giá dầu
"Các nước trên thế giới đã tìm cách giảm bớt áp lực trên thị trường dầu trong thời gian qua. Điều này phần nào giúp giá dầu sụt giảm. Nhưng nguyên nhân chính là từ những lệnh phong tỏa của Trung Quốc", chuyên gia tài chính Craig Erlam tại UK & EMEA OANDA giải thích với Zing.
"Chính sách Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc đã đè nặng lên nhu cầu dầu. Điều này vô tình hỗ trợ nỗ lực tái cân bằng thị trường dầu", ông Erlam nhận định.
Tuy nhiên, ông cảnh báo đà sụt giảm chỉ là tạm thời. Bởi rủi ro tăng giá vẫn còn. "Mức giảm sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có duy trì các biện pháp gắt gao lâu hay không", vị chuyên gia dự báo.
Thượng Hải - trung tâm tài chính hàng đầu của Trung Quốc, nơi có cảng biển lớn nhất thế giới - đã bị phong tỏa trong 2 tuần qua.
Việc Thượng Hải nới lỏng các biện pháp phong tỏa đã làm giảm áp lực trên thị trường dầu
Bà Vandana Hari, nhà sáng lập công ty phân tích thị trường dầu Vanda Insight
Hôm 11/4, giới chức Thượng Hải cho biết một số khu vực - nơi sinh sống của 7.000 hộ gia đình - đã được phân loại là vùng có nguy cơ thấp hơn sau 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.
"Việc Thượng Hải nới lỏng các biện pháp phong tỏa đã làm giảm áp lực trên thị trường dầu. Trước đó, giới đầu tư lo ngại về nhu cầu lao dốc do cách chống dịch của Trung Quốc", bà Vandana Hari - nhà sáng lập công ty phân tích thị trường dầu Vanda Insight - nhận định.
Một cơ quan nghiên cứu trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã hạ dự báo nhu cầu trong quý II/2022 180.000 thùng/ngày so với những ước tính trước đó do các lệnh phong tỏa.
Theo ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại The Americas OANDA, các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc có thể đối mặt với làn sóng phản ứng ngày càng gia tăng. Bởi Bắc Kinh áp đặt những biện pháp gắt gao trên diện rộng ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 trở nặng vẫn ở mức rất thấp.
Tuy nhiên, ông Moya cho rằng trong vòng vài tháng tới, Bắc Kinh sẽ không mạnh tay nới lỏng các biện pháp chống dịch.
"Giá dầu vẫn sẽ giằng co ngay cả khi nguồn cung ở mức thấp. Các nhà giao dịch có thể chứng kiến biến động liên tục trên thị trường bởi những thông báo mới của Trung Quốc về việc phong tỏa", ông dự báo.
Nguy cơ châu Âu trừng phạt dầu Nga
Ngoài ra, theo ông Moya, thị trường dầu mỏ vẫn dễ bị tổn thương nếu châu Âu đưa ra các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.
Theo các ngoại trưởng, Liên minh châu Âu (EU) đang soạn thảo những đề xuất về lệnh cấm vận dầu của EU đối với Nga. Nhưng đến giờ, các nước thành viên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào.
Hôm 5/4, Ủy ban châu Âu đã đề xuất lệnh cấm sử dụng than của Nga nhằm trừng phạt Điện Kremlin vì chiến sự ở Ukraine. Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - cho biết giới chức châu Âu đang thảo luận về các lệnh trừng phạt bổ sung, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga.
Mới đây, OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cảnh báo sẽ không thể tăng sản lượng đủ để bù đắp nguồn cung dầu Nga bị loại bỏ khỏi thị trường.
Theo tổ chức này, 7 triệu thùng dầu xuất khẩu của Nga có thể bị loại bỏ mỗi ngày bởi các lệnh trừng phạt.
Thị trường dầu mỏ dễ bị tổn thương bởi lệnh trừng phạt nhắm vào dầu Nga của châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, bất chấp việc Thượng Hải nới lỏng phong tỏa, khả năng EU cấm vận dầu Nga và cảnh báo của OPEC, giá dầu vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ.
Theo chuyên gia Moya, giá dầu thô chịu áp lực khi đồng USD mạnh hơn, tác động tiêu cực đến các hàng hóa. Ngoài ra, Mỹ vừa khẳng định rõ không muốn Ấn Độ tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Theo Reuters, Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu thô giá rẻ của Nga kể từ khi Moscow đổ quân vào Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. Để so sánh, Ấn Độ chỉ mua khoảng 16 triệu thùng dầu thô từ Nga trong cả năm 2021.
Ấn Độ là nhà nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới. Nhưng từ trước tới nay, Ấn Độ chưa bao giờ là khách mua dầu lớn của Nga.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã tạo ra lệnh cấm ngầm đối với dầu Nga. Người mua xa lánh dầu khiến giá loại mặt hàng này của Nga giảm mạnh.
Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các nước thành viên đã đồng ý xả kho 120 triệu thùng dầu thô, bao gồm 60 triệu thùng do Mỹ đóng góp.
Trước đó, Washington cho biết sẽ xả kho 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng vài tháng nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung do cuộc chiến ở Ukraine.