Giữa tháng 12, Bộ Công thương đã ra văn bản thông báo kết luận của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về việc yêu cầu Cục điều tiết điện lục chủ trì, phối hợp Tổng cục Năng lượng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong phương án tăng giá điện được EVN đề xuất lên Bộ khi đó không được tiết lộ, nhưng theo kế hoạch từ đầu năm của tập đoàn này, giá bán điện được dự đoán có thể tăng tới 9,5% so với hiện hành.
EVN lãi, giá dầu giảm nhưng giá điện vẫn phải tăng
Theo báo cáo của EVN, năm 2013, tập đoàn này đã lãi khoảng 5.000 tỷ đồng (sau kiểm toán). Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cũng cho biết, các khoản lỗ công bố cuối năm 2013 đã được bù hết, chỉ còn khoảng hơn 8.800 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá đang chờ hạch toán.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Điều tiết Điện lực khẳng định, giá thành điện năm 2015 sẽ được tính toàn bộ chu kỳ giá nguyên liệu đầu vào từ ngày 1/8/2013 (thời điểm giá điện điều chỉnh gần nhất), nên việc giá dầu giảm thời gian qua chắc chắn cũng sẽ khiến chỉ tiêu này giảm theo. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn điện của Việt Nam có nhiều đặc thù, nên việc giảm giá dầu thực chất chỉ có lợi cho một số nhà máy chạy dầu hoặc nhiên liệu tính theo giá dầu thế giới. Trong khi đó, phần lớn nguồn cung điện lại đến từ các nhà máy thủy điện, và có bổ sung cả nguồn chạy từ than và khí, nên sẽ không chịu tác động từ việc giảm giá dầu.
Theo EVN, giá dầu giảm không tác động quá nhiều đến giá bán điện, bởi trong cơ cấu nguồn phát, thủy điện hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất. Ảnh: EVN. |
Phó tổng giám đốc của EVN cũng cho rằng, theo nguyên lý thì giá điện đầu ra sẽ giảm nếu giá đầu vào giảm, nhưng các nhiên liệu khác lại đang trong lộ trình tăng giá. Cụ thể, trong năm qua, giá khí đã tăng trung bình 2%, và khả năng Chính phủ còn tiếp tục tăng giá, chưa tính đến giá than tăng 5% trước đó.
"Nếu dầu giảm xuống 40 USD, EVN có thể nhẹ gánh hơn một chút, nhưng khi miền Nam tăng phụ tải quá nhanh, sẽ buộc phải đổ dầu vào đốt. Với giá thành 5.000-6.000 đồng/kWh mà chỉ bán có 1.500 đồng/kWh thì mức giá bán hiện nay không thể chịu được". Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn Điện lực cũng khẳng định: "Giá điện chắc chắn sẽ không tăng từ nay đến Tết âm lịch".
EVN sẽ không tăng giá để bù lỗ sản xuất kinh doanh
Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, trong phương án điều chỉnh giá điện của EVN, giá thành điện sẽ phải được tính toán căn cứ vào thực tế yếu tố đầu vào, giá nhiên liệu, cơ cấu nguồn và tỷ giá. Nhưng "việc điều chỉnh giá điện hoàn toàn không liên quan đến bù lỗ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh khác của EVN", ông Tuấn nhấn mạnh.
Việc kìm giá bán điện trong năm 2014 cũng được xem là nguyên nhân khiến EVN đang phải "gánh" khoảng 15.000 tỷ đồng chi phí phát sinh. Trong đó, giá than đã tăng làm đội chi phí bán điện khoảng 2.270 tỷ đồng, giá khí trên bao tiêu tăng khoảng 1.400 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá ở mức 128 tỷ đồng, thuế tài nguyên tăng 2% làm phát sinh thêm 1.000 tỷ đồng...
Phó tổng giám đốc EVN còn cho hay, tập đoàn đã bù lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng kinh doanh điện năm 2000 và 2001. Số dư nợ chỉ còn lại 8.811 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá, EVN phải treo lại để xử lý tiếp.
Để xử lý số phát sinh này, EVN sẽ tính đến phương án tăng giá điện để bù đắp, nhưng do hiện tại chưa thể tăng giá điện nên kiến nghị Chính phủ cho hoãn thanh toán số chênh lệch tỷ giá 8.811 tỷ đồng sau năm 2015, đồng thời được "khất" khoản nợ mua khí từ Tập đoàn dầu khí chậm hơn so với thời gian quy định.