Hết thời rót vốn cho sân sau?
Theo Quy chế quản lý tài chính của EVN vừa được Chính phủ ban hành thì EVN được quyền sử dụng vốn của mình để đầu tư ra ngoài EVN thuộc các ngành nghề kinh doanh theo quy định trên cơ sở nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động của EVN.
Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN nếu có liên quan đến đất đai phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai. EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con của EVN, từ các công ty con của doanh nghiệp cấp II và các cấp tiếp theo. Các công ty con do EVN nắm 100% vốn điều lệ không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa các đơn vị của EVN.
Cố gắng lắm, tới thời điểm hiện tại EVN mới thoái được gần 10% vốn sở hữu tại ABBank. |
Một trong những điểm mới tại quy định quản lý tài chính của EVN là tập đoàn này không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán… trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của EVN. Tập đoàn này sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc, lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết. Việc huy động vốn của EVN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần, gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của EVN.
Theo quy định về thoái vốn ngoài ngành đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tới năm 2015 EVN sẽ phải thoái toàn bộ vốn tại các công ty tài chính, ngân hàng mà tập đoàn này đã “đổ” vốn vào đầu tư thời kỳ trước đây.
Chia sẻ với PV chiều 27/8, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh kinh doanh của EVN hiện nay. Theo vị chuyên gia này, thực chất các công ty tài chính, bảo hiểm… mà EVN rót tiền đầu tư vào trước đây là những công ty con, sân sau của một số nhóm lợi ích, do đó việc yêu cầu EVN phải rút là đương nhiên. “Có điều trong bối cảnh thị trường khó khăn, ảm đạm như bây giờ thì việc thoái vốn nhanh không dễ, nhưng dù khó thì cũng phải làm”, ông nói.
Lỗ nặng vì đầu tư ngoài ngành
Đánh giá về các hoạt động EVN không được đầu tư là tài chính, ngân hàng, bất động sản, TS. Doanh nhìn nhận, suốt một thời gian dài EVN đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành như viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng… nhưng hiệu quả kinh tế đem lại cho tập đoàn này không như kỳ vọng. Theo số liệu báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, EVN đầu tư ra ngoài ngành lớn với 3,27% vốn chủ sở hữu, tương đương 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực gồm bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và tài chính.
Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh doanh chính của EVN là kinh doanh điện kéo dài thua lỗ trong nhiều năm liền khiến cho “bức tranh” về hoạt động của tập đoàn này không mấy sáng sủa. Tổng số lỗ của EVN năm 2010 trên 8.400 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm (-) 14,8%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm (-) 2,78%. Riêng khâu sản xuất, kinh doanh điện lỗ trên 10.500 tỷ đồng. Bước sang năm 2011, EVN cũng bị lỗ tới 3.500 tỷ đồng.
Nguyên Viện trưởng CIEM cũng nhắc lại bài học nhãn tiền khi EVN “dính” thua lỗ nặng khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là khi tập đoàn này đầu tư 100% vốn vào EVN Telecom. Tổng số vốn mà EVN đã rót vào EVNTelecom tính tới 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng, nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 của EVNTelecom giảm tới 42% so với năm 2009. Năm 2008 EVNTelecom có lãi chút ít, khoảng 93,8 tỷ đồng, nhưng tới năm 2009 lợi nhuận công ty này giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.050 tỷ đồng năm 2010. Sau một hồi “chật vật” với EVNTelecom, EVN đã phải bán vội công ty này cho Viettel sau đó.
Động thái cấm EVN đầu tư, góp vốn vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng…. theo ông Doanh, càng khẳng định quyết tâm của Chính phủ muốn đẩy nhanh hơn tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, hiện đang ì ạch và gặp khó khăn do tình hình kinh tế và thị trường đi xuống. “EVN hay bất kỳ một tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn nào khác cũng chỉ nên tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính của mình, chứ không nên đầu tư dàn trải để rồi lại thua đau”, TS. Lê Đăng Doanh bình luận.
Báo cáo của EVN cho biết, tổng số vốn góp của EVN tại 7 công ty cổ phần hoạt động ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính (gồm 3 công ty thuộc lĩnh vực bất động sản, 4 công ty lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm) đến thời điểm 31/12/2012 là 2.334,2 tỷ đồng; tới hết năm 2013 là 2.072,2 tỷ đồng. Đến nay tập đoàn này đã cơ bản hoàn thành công tác thoái vốn ở các doanh nghiệp, giảm vốn ở các tập đoàn tài chính, như công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn) , công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu … Tại ABBank, tới đầu tháng 1/2014 EVN đã thoái được 252 tỷ đồng đầu tư, với 25,2 triệu cổ phiếu. Sau đợt thoái vốn này, EVN vẫn còn sở hữu 16,02% vốn điều lệ tại ABBank, tương đương 76,8 triệu cổ phiếu.
Tập đoàn đang thực hiện các thủ tục thoái toàn bộ vốn của EVN tại CTCP Chứng khoán An Bình theo phương án đấu giá công khai toàn bộ 11,4 triệu cổ phần theo phê duyệt của Bộ Công Thương. Riêng việc thoái vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), EVN đã có công văn báo cáo và nhận được sự chấp thuận của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội về phê duyệt phương án giảm vốn của EVN tại EVNFinance, từ 40% vốn điều lệ xuống còn 15% vốn điều lệ.
Theo đúng lộ trình, đến năm 2015 EVN sẽ phải hoàn thành việc thoái vốn tại ABBank cũng như tại tất cả các công ty thuộc lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh điện.