Đây là một nội dung nằm trong quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Chính phủ ban hành ngày 25/8. Theo đó, EVN được quyền chủ động sử dụng vốn nhưng phải bảo toàn và phát triển có hiệu quả. Nếu kinh doanh thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao thì EVN phải báo cáo ngay với chủ sở hữu, Bộ Tài chính để thực hiện giám sát theo quy định.
Tập đoàn này cũng được phép huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu vốn. Quy chế ghi rõ, việc huy động này phải đảm bảo nợ phải trả không vượt quá 3 lần so với vốn chủ sở hữu, đã tính cả các khoản bảo lãnh vay đối với doanh nghiệp có vốn góp của EVN. Riêng với công ty mà EVN sở hữu 100% vốn điều lệ, đơn vị này có quyền chủ động huy động nguồn vốn nhàn rỗi nếu có ở các công ty trên, đồng thời có quyền bảo lãnh vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, nếu tổng giá trị các khoản vay này không vượt quá vốn góp của EVN tại đây.
Một trong những nội dung quan trọng của quy chế này là EVN bị cấm góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng. Tập đoàn này được phép đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án điện, bao gồm cả hoạt động hỗ trợ trực tiếp hoặc giản tiếp.