Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao đường Vành đai 2 và 3 qua TP.HCM đứt mạch?

Sau 10 năm khởi công, 13 km cuối cùng của tuyến Vành đai 2 vẫn chưa thể khép kín. Trong khi đó, tuyến Vành đai 3 có chiều dài 98 km, đến nay chỉ có 16,7 km được hoàn thiện.

GPMB vanh dai 3 TP.HCM anh 1

Căn nhà của ông Nguyễn Ngọc Tấn, 49 tuổi, thuộc diện giải toả "trắng" để làm dự án Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, quận Thủ Đức. Sau hai năm nhận đền bù hơn 4 tỷ đồng, ông Tấn chưa làm nhà mới tại nền tái định cư gần dự án bởi "chưa đủ tiền" và hiện được thuê làm bảo vệ cho công trình.

Trong ki-ốt vừa là nơi ở, vừa trông dự án, ông Tấn nói hai đầu công trình đến nay làm được một số hạng mục, các đoạn cầu bê tông đã thành hình, hai bên đã ngăn ranh cắm cọc... Nhưng ông không biết vì sao dự án bị ngưng, chỉ thấy "gần một năm nay không còn thi công".

Con đường đang làm dang dở tại khu vực này là một trong 4 đoạn chưa khép kín thuộc tuyến Vành đai 2 tại TP.HCM, dài 2,7 km.

Vành đai 2 dang dở

Vấn đề thiếu hụt hệ thống vành đai khiến giao thông TP.HCM trở nên lạc hậu đã nhiều lần được chính quyền TP đề xuất tháo gỡ. Song, các dự án Vành đai 2 đến nay vẫn đứt đoạn, chưa thể hoàn thiện.

Và mới đây, Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị Bộ GTVT về việc thực hiện 5 dự án quan trọng giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án khép kín đường Vành đai 3 đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh của TP.HCM (chiếm 55%), tỉnh Đồng Nai (chiếm 12%), tỉnh Bình Dương (chiếm 27%) và tỉnh Long An (chiếm 6%).

GPMB vanh dai 3 TP.HCM anh 2

Sau hơn 3 năm khởi công, đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 (thuộc Vành đai 2) vẫn chỉ là đoạn đường đất, um tùm cỏ dại. Ảnh: Quỳnh Danh.


Ba năm trước, dự án khởi công tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Nhà đầu tư đến nay bỏ vốn gần 1.500 tỷ đồng để thực hiện dự án, nhưng công trình hiện tạm ngưng chờ rà soát tổng mức đầu tư và một số hộ còn lại trên đất dự án chưa thống nhất giá đền bù nên chưa bàn giao mặt bằng.

Trong khi đó, ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư), cho biết việc chưa thể tiếp tục triển khai dự án do đang chờ TP.HCM ký lại phụ lục hợp đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước yêu cầu điều chỉnh trước đó. "Đến khi điều chỉnh xong mới tiếp tục thi công được", ông Thắng nói.

Cách đó hơn 5 km, đoạn khác của tuyến Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông (quận 9) đến xa lộ Hà Nội, dài 3,8 km, hiện chưa triển khai.

Công trình trước đây tính làm theo hợp đồng BT, song đang đề xuất chuyển qua đầu tư công bởi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã loại hợp đồng BT cho các dự án đầu tư mới.

UBND quận 9 cho biết trước đó đã lập dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên tổng diện tích thu hồi hơn 30,5 ha, với gần 550 hộ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dự án vẫn đình trệ do chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư công.

Báo cáo UBND TP gần đây, Sở GTVT nhận định dự án Vành đai 2 gặp vướng mắc khi tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm trễ. Đến nay, khối lượng thi công toàn dự án chỉ hơn 43%, việc chi trả bồi thường mới đạt gần 79%, còn diện tích mặt bằng bàn giao thi công xấp xỉ 75%.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết khó khăn đầu tiên của dự án là hai Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Tài chính chưa hoàn tất rà soát, dự thảo văn bản để TP trình Thủ tướng chấp thuận các khu đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng.

Thứ hai là tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng do UBND quận Thủ Đức thực hiện trì hoãn làm ảnh hưởng tiến độ hoàn thành dự án. Thứ ba, ông Lâm đề cập 2 vấn đề nhà đầu tư thực hiện còn chậm đó là xác định thời gian hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và lập hồ sơ điều chỉnh dự án.

Tương tự, Sở GTVT nhận định đoạn 1 và 2 của Vành đai 2 cũng gặp vướng mắc vì chưa được thông qua chủ trương đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Lãnh đạo công ty Phú Bắc Ái cũng cho rằng trong hơn 2 năm qua, các quy định pháp luật liên quan đến các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) bị thay đổi đã tạo ra nhiều vướng mắc và ảnh hưởng không nhỏ đến dự án.

"Việc chưa thanh toán cho nhà đầu tư đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, phá vỡ kế hoạch tài chính và các cơ hội đầu tư. Trong khi đó, mỗi tháng Nhà nước sẽ phải chịu lãi vay lên tới 10 tỷ đồng. Nếu được hỗ trợ bàn giao mặt bằng sạch, tạo điều kiện thanh toán cho nhà đầu tư, thì công trình chỉ mất 18 tháng là hoàn thành", ông Trần Đức Thắng nói.

Chưa đủ mặt bằng thi công Vành đai 3

Ngoài Vành đai 2 thì tuyến Vành đai 3 qua TP.HCM hiện cũng chưa triển khai. Trên tổng chiều dài gần 100 km với vai trò "chiến lược" kết nối TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, dự án chia thành 4 đoạn gồm: Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Tân Vạn, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và từ quốc lộ 22 đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương cùng cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Hiện mới có khoảng 16 km thuộc đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn trên địa bàn Bình Dương hoàn thành đưa vào khai thác. Những đoạn còn lại, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (thuộc Bộ GTVT) đang nghiên cứu đầu tư.

Tín hiệu tích cực mới đây là ở phía đông thành phố, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn một) dài khoảng 35 km, gồm 4 dự án thành phần, dự kiến bắt đầu thi công năm nay.

GPMB vanh dai 3 TP.HCM anh 3

Đường Nguyễn Xiển (TP Thủ Đức) đoạn giao với quốc lộ 1, là một trong những tuyến thường xuyên bị kẹt xe. Dự kiến đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch dài 34,3 km sẽ đi qua đây. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong đó, dự án 1A (từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) dài 8,7 km sẽ thực hiện bằng vốn ODA, tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng. Dự án 1B từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao trạm 2 (xa lộ Hà Nội) dài gần 9 km, sẽ thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng. Cả hai tiểu dự án này, phần giải phóng mặt bằng được tách thành các tiểu dự án do địa phương và nhà đầu tư thực hiện.

Với 2 tiểu dự án còn lại gồm: 2A (từ cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Tỉnh lộ 25B); 2B (từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Tân Vạn) đang xác định phương thức và nguồn vốn đầu tư để triển khai.

Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long, cho biết dự án 1A sẽ sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc để thi công, xây lắp. Còn phần giải phóng mặt bằng sẽ dùng vốn của 2 địa phương TP.HCM và Đồng Nai.

Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long, tiến độ giải phóng mặt bằng phía tỉnh Đồng Nai đang khá tốt. Do không gặp vướng mắc về vốn, địa phương này cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng trước 30/6.

Còn phía TP.HCM vẫn chưa có động tĩnh gì. Theo báo cáo rà soát của UBND quận 9, chi phí đền bù đất đã bị đội từ 148,91 tỷ đồng lên 2.050 tỷ đồng.

"Về vấn đề phát sinh chi phí, TP.HCM đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ phần phát sinh này. Còn phía Bộ GTVT thì mong muốn TP.HCM phải thực hiện cam kết ban đầu là giải phóng mặt bằng trên địa bàn, kể cả có phát sinh", ông Thi nói và cho biết khu vực quận 9 có mật độ dân cư không lớn, chủ yếu là do giá đất biến động làm ảnh hưởng đến phương án tài chính.

Đối với dự án 1B, Tổng công ty Cửu Long đã thực hiện sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư BOT.

"Hiện, có 2 liên danh nhà đầu tư qua sơ tuyển nhưng chưa thể mời thầu. Nguyên nhân là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới ban hành. Bộ GTVT yêu cầu rà soát lại tính pháp lý của hợp đồng dự án cũng như các hồ sơ trước khi mời thầu chính thức", lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long nói và cho biết đơn vị đang rà soát và báo cáo cấp có thẩm quyền nếu phát sinh vướng mắc.

Ngoài 2 dự án thành phần của đoạn 1 (Tân Vạn - Nhơn Trạch), Tổng công ty Cửu Long cũng đang xúc tiến đầu tư đoạn 3 (Bình Chuẩn - quốc lộ 22) và đoạn 4 (quốc lộ 22 - Bến Lức). Hai đoạn này đã được trình báo cáo tiền khả thi và Bộ GTVT đang xem xét.

Theo ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, ngoài hai dự án nói trên, khu Đông thành phố còn có 7 dự án kết nối giao thông quan trọng đang triển khai và 4 dự án đang lập kế hoạch đầu tư.

Ở quận 2, dự án nút giao An Phú (giai đoạn một) sẽ xây dựng hầm chui đôi từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến đường Mai Chí Thọ. Dự án đang lập đề xuất đầu tư công, tổng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng.

Cách đó hơn 3 km, nút giao Mỹ Thuỷ (giai đoạn 2) tổng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng (chưa tính giải phóng mặt bằng ở địa phương), cũng đang triển khai. Ngoài ra quận 2 còn nhiều dự án khác như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Lương Định Của.

"Ở quận 9 hiện có một số dự án quan trọng là đầu tư, mở rộng các tuyến gồm Lã Xuân Oai, Đỗ Xuân Hợp, Liên Phường, Hoàng Hữu Nam, Lê Văn Việt và Bưng Ông Thoàn", ông Bằng nói và cho cho biết những công trình này đều đang tập trung thực hiện, tuy nhiên khó khăn lớn hiện vẫn ở khâu giải phóng mặt bằng.

Vành đai 3 quanh TP.HCM dang dở sau 10 năm phê duyệt

Dự án Vành đai 3 được phê duyệt từ năm 2011 với tổng chiều dài 97,7 km. Sau 10 năm, Vành đai 3 chỉ hoàn thành được 16,7 km, hiện còn hơn 81 km với 3 đoạn chưa được thi công.

Thư Trần - Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm