Trong cuộc họp của Văn phòng đại diện phía Nam của Hội Xuất bản Việt Nam dưới sự chủ trì của ông Hoàng Vĩnh Bảo (chủ tịch Hội), nhiều ý kiến đánh giá Đường sách TP.HCM đang hoạt động tốt. Điều này tạo nên sự so sánh với Phố sách 19/12 tại Hà Nội.
Trong khi một nơi đầy sức sống, một nơi bị cho rằng hình thành sau nhưng đang gặp khó khăn đến nỗi các đơn vị hoạt động tại đây phải viết thư gửi lãnh đạo Hà Nội xin “giải cứu".
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty đường sách TP.HCM, đã chia sẻ với Zing.vn về điều này.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam ngắm nhìn lại những tác phẩm sách hay, sách đẹp được trưng bày trong tủ kính trước lễ khai mạc Ngày Sách Việt Nam hồi tháng 4/2017. Ảnh: Hải An. |
- Nhìn lại hai năm Đường sách hoạt động 2016 - 2017, theo ông đâu là lý do khiến Đường sách TP.HCM thành công như vậy?
- Đó là sự xác định đúng mục tiêu ngay từ đầu. Khi cùng Sở Thông tin và Truyền thông làm đề án và tờ trình lên UBND TP.HCM, chúng tôi đã xác định rõ mục tiêu của đường sách là phải tạo ra được một không gian văn hóa đọc, góp phần làm nên thói quen, niềm yêu thích đọc sách và phải trở thành là một điểm đến quen thuộc của người dân thành phố.
Vì thế Đường sách, ngoài là nơi lưu hành, bán sách, còn phải tổ chức được các hoạt động giao lưu, giới thiệu, gặp gỡ giữa tác giả - bạn đọc, các sự kiện văn hóa nghệ thuật....
Do đó, ngay từ đầu chúng tôi đã đưa ra tiêu chí và sự lựa chọn khá chặt chẽ những đơn vị tham gia phải là trực tiếp làm công tác xuất bản có bề dày thương hiệu, uy tín với bạn đọc và có năng lực tổ chức các hoạt động góp phần phát triển văn hoá đọc.
Chính vì vậy mà 2 năm qua, độc giả đã khá nồng nhiệt đón nhận những xuất bản phẩm chất lượng hàng đầu lưu hành trên Đường sách, các đơn vị xuất bản đã tiêu thụ một lượng sách khá lớn, tạo ra doanh thu năm thứ hai cao vượt hơn năm trước, tổng cộng hai năm doanh thu được trên 67 tỷ đồng.
Và cũng chính vì vậy, sự thành công của Đường sách TP.HCM không chỉ qua hiệu quả về doanh thu như đã nói ở trên, mà còn bởi thể hiện ở sức sống mạnh mẽ của nó qua các hoạt động trên Đường sách.
Hai năm qua đường sách có 18 hoạt động chủ đề, 31 cuộc trưng bày triển lãm, 267 chương trình giao lưu giới thiệu sách, hàng ngày có cả vạn người đến tham quan, mua sắm. Đường sách TPHCM đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu nổi bật hàng đầu của TP.HCM năm 2016.
- Để vận hành và lèo lái đường sách đi đúng mục tiêu, cần phải có những điều kiện cần và đủ thế nào thưa ông?
- Đúng thế, cần rất nhiều điều kiện hợp thành để thực hiện mục tiêu trên và tạo nên một diện mạo đường sách như hiện tại. Trước tiên tôi cho rằng yếu tố rất quan trọng tạo nên thành công của đường sách là lãnh đạo TP.HCM đã có chủ trương cho ra đời một đường sách cùng với sự quan tâm hỗ trợ cụ thể, từ ban hành khung pháp lý thuận lợi cho đến bố trí một địa điểm “đắc địa" như đường Nguyễn Văn Bình.
Đường sách TP.HCM đã đạt nhiều thành công trong những năm qua. Ảnh: Hải An. |
Con đường này nằm giữa trung tâm thành phố, bên cạnh các công trình văn hoá, rợp bóng cây xanh, không gian êm đềm và mát mẻ .
UBND thành phố đã cho đường sách một cơ chế xã hội hóa để các đơn vị xuất bản được trực tiếp đầu tư lắp đặt cơ sở vật chất và tổ chức vận hành phù hợp mà không phải nhờ một sự bao cấp nào từ phía Nhà nước.
Điều này được cụ thể hơn nữa bởi sự thành lập mô hình Công ty Đường sách thuộc Hội Xuất bản Việt Nam, điều hành bởi Ban giám đốc có kỹ năng quản trị và kinh nghiệm nhiều năm trong hoạt động xuất bản của thành phố.
- Nếu làm phép so sánh, theo ông vì sao Phố sách Hà Nội bị mọi người đánh giá không thành công như TP.HCM?
- Mô hình và kinh nghiệm xây dựng Đường sách TPHCM chúng tôi đều chia sẻ trong quá trình xây dựng Phố sách Hà Nội. Tuy nhiên mỗi nơi có những khó khăn, thuận lợi khác nhau.
Theo tôi, ở đây có một vấn đề cần nói quá trình vận hành của Phố sách. Khác với TP.HCM, một doanh nghiệp gắn với Hội nghề nghiệp, điều hành đường sách thì Hà Nội điều hành phố sách bởi một tổ chức quản lý sự nghiệp của Nhà nước.
Ngoài ra có thể do điều kiện thời tiết mùa hè quá nóng hay mùa đông quá lạnh mà mà các gian hàng trên Phố sách Hà Nội là thiết kế không gian đóng, cũng làm hạn chế đi sự tương tác, gần gũi với du khách đến phố sách.
Còn tại Đường sách TP.HCM, các gian hàng kết nối với nhau, mở toang cửa đón khách phù hợp với không gian đường phố, hoạt động ngoài trời, tạo ra một cảm giác thông thoáng, thoải mái cho mọi người đến đường sách.
Phố sách Hà Nội nhộn nhịp những ngày đầu mở cửa. Ảnh: Lê Hiếu. |
- Trong quá trình hoạt động, Đường sách TP.HCM phải đối diện với những khó khăn gì?
Có lẽ cái khó khăn lớn nhất là khó khăn tự thân từ phía lãnh đạo Công ty Đường sách và các đơn vị xuất bản hoạt động trên Đường sách. Thách thức lớn nhất là xã hội luôn vận động và đòi hỏi ngày càng cao còn chúng tôi thì lại dễ rơi vào sự bằng lòng, giậm chân tại chỗ hay sự chai lì, lối mòn, xơ cứng.
Do vậy để Đường sách TPHCM phát triển tốt hơn đòi hỏi những người đang làm việc trên Đường sách phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Vì như đã nói, khi ta cứ bằng lòng với những gì mình đạt được thì thành công đó sẽ mất đi, làm cho đường sách thụt lùi.
Khó khăn còn là ở các gian hàng sách, các bạn phải luôn tìm cách vươn lên thế nào để có nhiều xuất bản phẩm hay hơn, cung cách bán hàng tốt hơn, kết hợp với tổ chức các sự kiện khuyến khích văn hoá đọc tốt hơn để từ đó tạo ra hiệu quả kinh doanh cao hơn cho mỗi đơn vị mình.
Do vậy cứ hàng tháng hai lần luôn có những cuộc họp rút kinh nghiệm với các em cửa hàng trưởng hay cứ 3 tháng, 6 tháng chúng tôi lại ngồi với lãnh đạo các đơn vị để bàn kế sách làm sao cho công việc tại Đường Sách mỗi ngày một tốt hơn .
- Ông đánh giá thế nào về sự thành công của đường sách dự kiến mở sắp tới như Vũng Tàu, quận 7 và Gò Vấp?
- Nếu đường sách TP.HCM, cách đây hai năm khi bắt tay vào xây dựng tôi dám quyết đoán chắc chắn thành công nhưng các nơi khác thì chỉ 50/50. Dù có đề ra được mục tiêu, mô hình, cơ chế tốt khi xây dựng và vận hành thì đó cũng mới là một chuyện.
Còn một vấn đề là Đường sách đó được điều hành và tổ chức hoạt động bởi những con người như thế nào nữa.