Trao đổi với Zing.vn, nhà báo Scott McIntyre của Fox Sports Asia bình luận: "Việc các khán đài tại V.League quá đìu hiu khán giả phần nào ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu cầu thủ. Họ không được thử thách bản thân. Điều này khác với cầu thủ ở Malaysia, Thái Lan hay Indonesia".
Cây bút người Australia dẫn chứng trận chung kết Malaysia Cup tuần rồi trên sân Shah Alam giữa CLB Terengganu và CLB Perak chứng kiến hơn 80.000 khán giả có mặt. Họ tạo ra không khí cuồng nhiệt. Tiếng hò hét động viên tinh thần đội bóng con cưng, dọa nạt đối thủ vang lên liên hồi.
Không có nhiều trận đấu tại V.League 2018 được chứng kiến khán giả tới sân đông nghẹt. Ảnh: Kiệt Trần. |
Điều này thử thách tâm lý và bản lĩnh cầu thủ. Để chơi tốt, những con người dưới sân phải nỗ lực hết mình, đồng thời luôn giữ cái đầu lạnh để không bị phân tâm bởi tác động từ khán đài. Sự trưởng thành trong suy nghĩ và hành động các ngôi sao cũng lớn dần từ đó.
Kể với Zing.vn, Scott McIntyre cho biết bản thân may mắn được tác nghiệp ở nhiều trận đấu tại các nước Đông Nam Á với đông đảo khán giả có mặt trên sân. Ông nhận ra sức ép đến từ khán đài khủng khiếp thế nào, bản lĩnh cầu thủ thi đấu dưới sân lại càng được trui rèn nhiều hơn.
Khác biệt giữa cầu thủ Việt Nam so với Malaysia, Indonesia hay Thái Lan xuất phát từ đây. Tại V.League những mùa gần đây, không có nhiều trận đấu người ta được chứng kiến các sân vận động phủ kín khán giả. Mọi thứ được thay bằng khung cảnh tẻ nhạt ở bốn góc khán đài.
Bằng chứng chỉ hai đội là CLB Nam Định và CLB Hà Nội có lượng khán giả tới sân trung bình vượt hơn 10.000 người mỗi trận. Ngược lại, mái nhà Thống Nhất, sân nhà của CLB Sài Gòn và CLB TP.HCM, với sức chứa 20.000 chỗ ngồi chỉ được thấy trung bình 4.500 khán giả tới theo dõi các trận đấu.
Những khung cảnh đìu hiu thường xuất hiện trên các khán đài tại V.League mùa này. Ảnh: Nguyên Trí. |
Theo Scott McIntyre, chính các khán đài vắng vẻ khiến tâm lý thi đấu cầu thủ không được thử thách cực độ. Theo thời gian, điều này dẫn đến những đôi chân bị "cóng" mỗi lần bước vào thời khắc định đoạt số phận trận đấu. Trường hợp của thủ môn Nguyên Mạnh hai năm trước là ví dụ cụ thể.
Trên sân Mỹ Đình, trận bán kết lượt về AFF Cup 2016, Nguyên Mạnh bị truất quyền thi đấu vì "đánh nguội" cầu thủ Indonesia. Scott McIntyre cho rằng hành động ấy xuất phát từ sự thiếu kiềm chế, không giữ được cái đầu lạnh khi cần thiết. Nói xa hơn, Nguyên Mạnh cho thấy rõ sự thiếu kinh nghiệm.
"Các cầu thủ Việt Nam thường không được thi đấu dưới sức ép khủng khiếp của những nơi gọi là "chảo lửa". Vì vậy, họ thường gặp khó khăn ở những giây phút đòi hỏi phải thể hiện bản lĩnh và thần kinh thép. Tôi tin đây là một trong những yếu tố khiến tuyển Việt Nam khi bước vào các trận đấu quan trọng thì đều thất bại", Scott McIntyre nói.
Thủ môn Nguyên Mạnh nhận thẻ đỏ trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2016. |
Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Đông Nam Á Steve Darby cũng có chung quan điểm. Ông bắt mạch căn bệnh "mỗi lần được kỳ vọng thắng, nhưng sau cùng lại thua" của tuyển Việt Nam chỉ có thể được cải thiện nếu cầu thủ được dịp trải nghiệm cảm giác chơi bóng ở những nền bóng đá cạnh tranh và khốc liệt. Muốn như vậy, họ cần xuất ngoại.
"Chưa biết chuyện ra nước ngoài sẽ mang đến kết quả ra sao, chỉ việc dám ra đi cũng đủ giúp bản lĩnh trong cầu thủ mạnh mẽ hơn. Tôi tin những trải nghiệm khi được thi đấu dưới sức ép hàng vạn khán giả sẽ giúp ích rất nhiều cho tâm lý cầu thủ. Họ sẽ trưởng thành, quyết tâm và có ý chí mạnh mẽ hơn", cựu HLV từng giúp tuyển nữ Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games 2001 nói.