Sau khi Nga tuyên bố tiến hành “chiến dịch quân sự” vào ngày 24/2, phương Tây áp đặt một loạt lệnh trừng phạt khiến đồng rúp mất giá và làm gia tăng lạm phát ở Nga.
Tuy nhiên, sau thời điểm rơi xuống mức thấp nhất vào ngày 7/3 - 139 rúp đổi một USD, đồng nội tệ của Nga đã có sự phục hồi đáng kể.
Vào ngày 8/4, Sở Giao dịch Moscow cho biết lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, một euro đổi được 79 rúp. Trong khi đó, đồng USD giảm 1,58% giá trị, đổi được 74,55 rúp, TASS đưa tin.
Theo NPR, đồng rúp là tiền tệ hoạt động tốt nhất thế giới trong tháng 3 vừa qua.
Các nhà kinh tế nhận định việc đồng rúp trở lại mức trước khi có lệnh trừng phạt là dấu hiệu nền kinh tế Nga đang được điều chỉnh linh hoạt để thích ứng.
Lệnh trừng phạt có lỗ hổng?
Sự phục hồi này là nhờ một số lý do. Đầu tiên phải kể đến “lỗ hổng” lớn trong các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt: Loại trừ lĩnh vực khí đốt tự nhiên. Các biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm hạn chế khả năng thu được ngoại tệ của Nga, đặc biệt là đồng USD và euro.
Tuy nhiên, một số nước châu Âu vẫn tiếp tục trả tiền cho Nga do họ quá phụ thuộc vào khí đốt từ nước này và không tìm được đủ nhà cung cấp thay thế để đáp ứng nhu cầu.
Thêm vào đó là giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng, cùng với khả năng tăng cường quan hệ thương mại giữa Nga và các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc và Ấn Độ.
Sofya Donets, nhà kinh tế tại Renaissance Capital, cho biết sự phục hồi của đồng rúp được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại chưa từng có trong bối cảnh giá năng lượng cao.
Bà cho biết tuy có sự sụt giảm trong nhập khẩu, “xuất khẩu vẫn đứng vững với giá hàng hóa tăng cao”.
Kết quả là Nga vẫn nhận một dòng chảy ngoại tệ ổn định. Dầu và khí đốt, những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, tiếp tục chảy ra nước ngoài, lấp đầy kho bạc của Nga.
Điều này làm giảm bớt lo ngại Nga sẽ mất khả năng thanh toán, giúp thiết lập một mức sàn cho đồng rúp.
Lỗ hổng khác trong các biện pháp trừng phạt mà NPR đề cập là các khoản nợ chính phủ. Một trong những biện pháp trừng phạt lớn nhất và có tác động mạnh nhất là việc đóng băng các tài khoản nước ngoài của Nga.
Nga nắm giữ lượng ngoại tệ khoảng 640 tỷ USD, chủ yếu là đồng USD, euro, yen khắp các ngân hàng trên thế giới. Khoảng một nửa trong số này nằm ở Mỹ và châu Âu.
Các biện pháp trừng phạt đã ngăn chặn quyền tiếp cận của Nga với nguồn tiền trên, ngoại trừ việc dùng chúng để trả cho những khoản nợ chính phủ.
Kho bạc Mỹ để ngỏ một cánh cửa cho phép các trung gian tài chính xử lý những khoản thanh toán cho Nga. Điều này dự kiến kết thúc trong tháng này, nhưng vẫn giúp ích nhiều cho Nga.
Nếu không có chính sách này, Nga có thể cần tăng lượng USD nắm giữ bằng cách bán đồng rúp, gây áp lực giảm giá lên đồng nội tệ. Nếu không thể huy động đủ lượng USD, Nga sẽ vỡ nợ.
Chính phủ Nga áp dụng những biện pháp gì?
Chính sách của chính phủ Nga đóng vai trò lớn trong việc “giải cứu” đồng rúp.
Vào ngày 28/2, Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất lên 20%. Bất kỳ người Nga nào đang muốn bán đồng rúp và mua đồng USD hoặc euro giờ đây có lý do để giữ tiền gửi tiết kiệm. Càng ít đồng rúp được bán ra thì áp lực giảm giá tiền tệ càng thấp.
Tiếp theo là yêu cầu của chính phủ đối với các doanh nghiệp Nga. 80% số tiền mà các doanh nghiệp kiếm được ở nước ngoài phải được đổi thành đồng rúp.
Điều này có nghĩa là một nhà sản xuất thép Nga kiếm được 100 triệu euro từ công ty ở Pháp phải quay vòng và đổi 80 triệu euro đó thành rúp, bất kể tỷ giá hối đoái. Lệnh chuyển đổi 80% doanh thu thành rúp tạo ra nhu cầu đáng kể đối với đồng tiền Nga, từ đó đẩy giá.
Điện Kremlin cũng ban hành sắc lệnh cấm môi giới Nga bán chứng khoán do nước ngoài sở hữu. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phiếu công ty và trái phiếu chính phủ Nga. Bằng cách cấm những giao dịch này, chính phủ củng cố thị trường cổ phiếu và trái phiếu, đồng thời giữ tiền trong nước.
Người Nga cũng bị cấm rút hơn 10.000 USD ngoại tệ hoặc mang nhiều hơn số tiền đó ra khỏi đất nước.
Tuy nhiên, cú hích mạnh nhất vẫn là việc Nga đưa ra yêu cầu buộc các nước “không thân thiện”, trong đó có châu Âu, thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, thay vì euro hoặc USD. Những nước này thường không có dự trữ lớn đồng rúp.
Gần đây, Nga có một số biện pháp nới lỏng sau khi đồng rúp tăng giá.
Hôm 8/4, Ngân hàng Trung ương Nga quyết định hạ 300 điểm lãi suất chủ chốt xuống 17%. Động thái này phản ánh sự thay đổi trong cán cân rủi ro “do giá tiêu dùng tăng nhanh, hoạt động kinh tế suy giảm và rủi ro đối với ổn định tài chính”.
Ngoài ra, các ngân hàng được phép bán ngoại tệ cho cá nhân từ ngày 18/4, nhưng chỉ bán những ngoại tệ mua sau ngày 9/4. Cơ quan này cũng cho phép các cá nhân rút tiền bằng đồng USD và euro từ ngày 11/4, nhưng không được quá 10.000 USD cho đến ngày 9/9, theo Reuters.
Chỉ là thành công tạm thời?
Tuy nhiên, những biện pháp can thiệp của chính phủ cũng đi kèm với rủi ro. Các nhà phân tích cho rằng thành công này theo nhiều cách là “bề nổi”.
"Chứng khoán Nga và đồng rúp hiện vẫn bị tách khỏi các yếu tố vĩ mô toàn cầu do các biện pháp kiểm soát vốn", Ngân hàng Alfa cho biết.
Theo NPR, chính phủ cuối cùng sẽ phải thu hồi một số biện pháp can thiệp.
Các nhà kinh tế cho rằng tác động từ lệnh trừng phạt vẫn sẽ tiếp diễn. Họ nói Nga, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thiết bị sản xuất và hàng tiêu dùng, có khả năng rơi vào suy thoái sâu.
Vào hôm 7/4, cơ quan thống kê nhà nước cho biết tỷ lệ lạm phát của Nga đạt 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức chưa từng thấy kể từ năm 2015, trong khi giá thực phẩm thậm chí còn tăng mạnh hơn. Renaissance Capital dự đoán lạm phát hàng năm sẽ đạt đỉnh 24% vào mùa hè này.