Ngoài dòng phim võ thuật và các tác phẩm lấy đề tài xã hội đen, cảnh sát, điện ảnh Hong Kong từng có một dòng phim "làm mưa làm gió" trên màn ảnh châu Á, đó là phim cương thi (xác sống).
Hình ảnh những xác chết nhảy cà tưng, hai tay duỗi thẳng, mặt trắng bệch trong trang phục thời nhà Thanh đã trở thành thương hiệu riêng biệt cho thể loại phim kinh dị xứ Hương Cảng.
Những năm 1980-1990, dòng phim này luôn đạt doanh thu kỷ lục và chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ sau một thập kỷ phát triển, phim cương thi bắt đầu chững lại và hiện tại đang dần biến mất.
Thời vàng son của phim cương thi
Nhắc đến dòng phim cương thi, Lâm Chánh Anh luôn là cái tên được nhiều khán giả nghĩ đến đầu tiên. Nam diễn viên được xem là “thương hiệu nhận diện” của điện ảnh Hong Kong ở thể loại phim kinh dị từ những năm 1980 đến nay.
Theo On, người có công làm hồi sinh dòng phim cương thi chính là bộ ba Hồng Kim Bảo, Lâm Chánh Anh và đạo diễn Lưu Quan Vỹ.
Năm 1981, "đại ca" thực hiện tác phẩm hài - võ thuật Ma cương thi. Trong phim, ông sáng tạo ra cảnh đánh nhau giữa những xác chết đội mồ sống dậy và Trương "to gan" (Hồng Kim Bảo đóng). Phân đoạn ngắn này gây bão trên màn ảnh rộng.
Phim cương thi từng trở thành một thương hiệu nhận diện của nền điện ảnh xứ Cảng thơm. |
Trước thời của Hồng Kim Bảo, thể loại phim kinh dị ở Hong Kong không được các nhà sản xuất để tâm, công chúng ưa chuộng. Tuy vẫn có một số tác phẩm ra mắt, song phần lớn đều bị chỉ trích là "bắt chước thô thiển" các bộ phim về thây ma của phương Tây, không gây được tiếng vang.
Năm 1974, hãng phim lớn nhất Hong Kong - Thiệu thị huynh đệ từng chi không ít tiền hợp tác với công ty phim ảnh ở Anh sản xuất dự án Bảy xác chết vàng, nội dung nói về ma ca rồng. Ngày ra rạp, tác phẩm bị khán giả tẩy chay vì phong cách quái đản, nội dung hỗn tạp.
Phim thất bại thảm hại về mặt doanh thu phòng vé. Cú "ngã ngựa" của Thiệu thị huynh đệ khiến dòng phim kinh dị bị xếp xó ở Hong Kong trong gần một thập kỷ.
Năm 1985, bộ phim đầu tiên lấy xác sống làm trung tâm ra đời với tên gọi Cương thi tiên sinh. Đây là tác phẩm mở ra kỷ nguyên hoàng kim cho dòng phim cương thi. Sự kết hợp giữa Lâm Chánh Anh, Hồng Kim Bảo và đạo diễn Lưu Quan Vỹ đạt được thành công ngoài mong đợi.
Cương thi tiên sinh thắng lớn về doanh thu phòng vé với hơn 2,5 triệu USD và nhận được 11 đề cử tại giải thưởng điện ảnh Hong Kong (Kim Tượng). Không chỉ vậy, tác phẩm còn giúp Lâm Chánh Anh - vốn là một diễn viên phụ mờ nhạt - trở thành tên tuổi vang danh khắp showbiz Hoa ngữ.
Trong thập niên 1980-1990, có thể kể đến một số bộ phim cương thi đã trở thành kinh điển như series Cương thi tiên sinh, Cương thi đạo trưởng, Đến thượng đế cũng phải cười, Người dọa người, Cương thi vật cương thi, Cương thi thúc thúc, Cương thi gia tộc...
Lâm Chánh Anh được mệnh danh là "ông tổ không thể thay thế" của dòng phim cương thi. |
Lúc bấy giờ, các bộ phim cương thi luôn là quân bài chủ chốt, giúp định hình phong cách và tạo nên bộ mặt không thể lẫn vào đâu được của điện ảnh xứ Cảng thơm.
Từ đó, thể loại cương thi trở thành gu thưởng thức phim kinh dị của khán giả toàn châu Á những năm 1980-1990. Thậm chí, cụm từ “phim cương thi Hong Kong” còn dùng để gọi vắn tắt cho nền điện ảnh Hong Kong một thời.
Theo đạo diễn Lưu Quan Vỹ chỉ cần đó là một bộ phim dán mác “cương thi” thì lập tức trở nên ăn khách, phá vỡ mọi kỷ lục phòng vé.
Hai tên tuổi trụ cột và sáng giá qua đời
Từ sau năm 1990, trào lưu phim cương thi tại Hong Kong bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái. Cơn gió mới từ dòng phim võ thuật và đánh bạc khiến thể loại xác sống khó lòng duy trì sự huy hoàng năm xưa, bởi phương pháp làm phim đã cũ từ kịch bản cho đến con người.
Hơn một thập kỷ “làm mưa làm gió”, thị trường điện ảnh Hong Kong vẫn đều đặn cho ra mắt các bộ phim cương thi trong mỗi năm, nhưng chỉ có duy một cái tên ngôi sao được nhắc đi nhắc lại là Lâm Chánh Anh.
Năm 1993, biên kịch vàng của thể loại phim xác sống ở xứ Hương Cảng là Hoàng Ưng qua đời. Theo On, Hoàng Ưng đã vay tiền nặng lãi với mục đích cứu lấy dòng phim cương thi đang thoái trào. Tuy nhiên, tác phẩm ra mắt thất bại khiến ông thua lỗ, không còn tiền trả nợ và bị giang hồ đánh chết tại nhà.
Sự ra đi của Lâm Chánh Anh là dấu chấm hết cho một thời từng "làm mưa làm gió" của dòng phim cương thi. |
“Cái chết bi thảm của Hoàng Ưng đã dự báo cho sự tàn lụi của dòng phim cương thi ở Hong Kong”, HK01 bình luận. Giữa những năm 1990, phim cương thi chỉ còn xuất hiện thưa thớt trên màn ảnh bất chấp nỗ lực sáng tạo của các nhà làm phim.
Đến cuối năm 1997, Lâm Chánh Anh qua đời sau thời gian dài mắc bệnh ung thư. Sự ra đi của ông chính thức đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của thể loại phim xác sống. "Không còn Lâm Chánh Anh, Hong Kong cũng sẽ chẳng còn phim cương thi", Apple Daily nhận xét.
Trong thời kỳ hậu Lâm Chánh Anh, một số phim mới về cương thi cũng được sản xuất như Cương thi tiên sinh của Lương Hồng Hoa, Cương thi đại thời đại của Từ Khắc, Thiếu Lâm cương thi của Lương Gia Huy…
Tuy nhiên, các tác phẩm này bị chê mất chất, kịch bản yếu kém. “Ai mà dám xem những bộ phim dở tệ như vậy quả thật là người dũng cảm và có tinh thần thép”, khán giả nói với On.
Không chỉ vậy, bước sang những năm 2000, Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Hong Kong ban hành lệnh hạn chế sản xuất các bộ phim chứa yếu tố mê tín, tâm linh càng đẩy dòng phim cương thi chìm vào quên lãng.
Phải đến 13 năm sau, công chúng mới một lần nữa nhìn thấy phim cương thi trên màn ảnh rộng với tác phẩm Cương thi của ca sĩ Mạch Lăng Long. Anh cho biết bản thân sản xuất dự án này là để nhắc nhớ với khán giả rằng Hong Kong từng có một thể loại phim mang đậm đặc trưng văn hóa bản địa.
Nhà sản xuất Hong Kong hiện tại không còn mặn mà với dòng phim cương thi. |
Được đón nhận nhưng Cương thi chưa đủ sức lan tỏa, làm sống dậy dòng phim từng vang danh một thời của xứ Hương Cảng. Đến nay, đã gần 2 thập kỷ khán giả không còn được chứng kiến những thước phim kinh dị - hài hước - đầy triết lý thiện ác mang đậm dấu ấn Hong Kong như thời kỳ vàng son.
“Phim cương thi từng là 'tấm danh thiếp' của điện ảnh Hong Kong. Hiện tại, khi các nhà sản xuất không còn mặn mà, những tác phẩm lấy đề tài xác sống chỉ còn mang nhiều dấu ấn của sự hoài niệm”, HK01 bình luận.