Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao doanh nghiệp tác động xã hội trở thành xu hướng?

Doanh nghiệp tạo tác động xã hội không còn là một khái niệm xa vời mà ngày càng được chú ý và có xu hướng gia tăng, nhất là tại các quốc gia hướng đến phát triển bền vững.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, với tác động từ đại dịch, biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt của tài nguyên thiên nhiên, cùng những vấn đề về công bằng xã hội ngày càng trở nên rõ rệt. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận thức rõ ràng hơn về tác động của mình lên xã hội, cũng như những lợi ích có thể đem lại cho cộng đồng.

Đặc biệt, tại các quốc gia hướng đến phát triển bền vững như Singapore, doanh nghiệp tác động xã hội có xu hướng tăng, xây dựng nền tảng vững chắc và thúc đẩy nhiều thay đổi, góp phần kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Doanh nghiệp tạo tác động xã hội ngày càng được quan tâm

Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội có thể có hoặc phi lợi nhuận, ưu tiên những hoạt động đáp ứng hay hướng đến đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng địa phương, quốc tế, theo phương thức có chủ đích, hệ thống và bền vững.

Hiện tại, không ít doanh nghiệp đã thích ứng và thay đổi nhằm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng, nhân viên cũng như nhà đầu tư vốn đang có xu hướng quan tâm hơn đến "phát triển bền vững".

Trong đó, người tiêu dùng dành sự quan tâm đến những công ty cân bằng giữa lợi nhuận và tác động xã hội. Điều này thể hiện ở sự thay đổi thói quen mua sắm. Theo Trung tâm Kinh doanh bền vững Stern NYU (Mỹ), năm 2020, sản phẩm bền vững đã có mức tăng trưởng vượt các sản phẩm tiện lợi trên 36 ngành hàng, đạt 16,8% tổng lượng hàng hóa được bán ra.

Song song đó, ngày càng nhiều người lao động kỳ vọng công ty nơi mình làm việc đem đến giải pháp phát triển bền vững. Theo báo cáo về mức độ tín nhiệm của Eldelman thực hiện năm 2021, 86% người tham gia khảo sát mong đợi CEO công khai phát biểu về các thách thức xã hội, trong đó có vấn đề xã hội và cộng đồng địa phương.

Điều này cũng được nhấn mạnh trong khảo sát thực hiện trên 1.000 người thuộc thế hệ Millenials của IE University Insights. Kết quả cho thấy những sáng kiến hiệu quả nhất trong thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thường gắn với hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty.

Chiều hướng gia tăng của doanh nghiệp tạo tác động xã hội còn được thúc đẩy bởi sự quan tâm của nhà đầu tư. Theo đó, các công ty được đánh giá qua tác động đến xã hội và môi trường. Theo một báo cáo năm 2021 của Liên minh Đầu tư Bền vững Toàn cầu, khoản đầu tư bền vững tại 5 thị trường lớn nhất thế giới khoảng 35.300 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng lượng vốn đầu tư.

Khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội được ước tính đạt giá trị 12.000 tỷ USD toàn cầu và có thể tạo ra 380 triệu việc làm tính đến năm 2030. Qua việc hỗ trợ và hợp tác với các doanh nghiệp này, những doanh nghiệp khác cũng có thể tạo ra thay đổi tích cực cho xã hội.

Câu chuyện đặc biệt của "The Animal Project"

Khi "tính bền vững" trở thành xu hướng, các doanh nghiệp tạo tác động xã hội sẽ có thêm cơ hội thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, biến mô hình kinh doanh thành "lợi điểm bán hàng độc nhất" để phát triển trong thị trường.

Tại Singapore, nơi nổi tiếng với những chính sách thân thiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, những tổ chức tạo tác động xã hội có môi trường thuận lợi để khẳng định vị thế và nâng tầm ảnh hưởng.

Một trong những doanh nghiệp hàng đầu thuộc lĩnh vực này tại đảo quốc sư tử là The Animal Project (TAP). Hoạt động từ năm 2013, TAP khởi đầu là doanh nghiệp xã hội do một nhóm phụ huynh và bạn bè muốn trưng bày tác phẩm và hỗ trợ những nghệ sĩ có nhu cầu đặc biệt.

Doanh nghiep tao tac dong xa hoi anh 3

Một sản phẩm của The Animal Project lấy cảm hứng từ hươu cao cổ. Ảnh: The Animal Project.

Dự án chú trọng những nghệ sĩ có khả năng vẽ động vật, đem lại cho họ cơ hội hưởng thu nhập từ sản phẩm của mình. Đồng thời, 50% lợi nhuận sẽ được ủng hộ cho các tổ chức từ thiện do TAP lựa chọn.

Hiện tại, 5 học sinh mắc hội chứng tự kỷ đang làm việc cho xưởng vẽ minh họa của doanh nghiệp. TAP cũng tuyển dụng những người trưởng thành để đóng gói và làm công việc trong kho.

Với những sản phẩm chất lượng, phù hợp thị hiếu người dùng, cùng mục tiêu tốt đẹp mà doanh nghiệp hướng đến, TAP nhanh chóng trở thành thương hiệu được yêu thích, góp phần thay đổi cách nhìn của cộng đồng về người có nhu cầu đặc biệt.

Cách đây 2 năm, doanh nghiệp đã hợp tác với Starbucks ra mắt bộ sưu tập Happy Holidays 2019 với những thiết kế của họa sĩ Tay Jun Yi, người mắc hội chứng tự kỷ. Đây cũng là một hoạt động thuộc chương trình hợp tác giữa Starbucks và Trung tâm Nguồn lực Tự kỷ.

Tay Jun Yi yêu thích vẽ động vật trong những tình huống khác nhau. Anh tạo dựng các tương tác xã hội giữa chúng - điều anh hiếm khi có trong cuộc sống thực. Với một chiếc bút màu đen, anh vẽ từng động vật theo bản năng một cách dứt khoát, mỗi loài lại có một biểu hiện khác nhau. Chính điều này tạo ra nét đặc trưng không thể hòa lẫn cho những tác phẩm của Jun Yi và khiến bộ sưu tập được người dùng đặc biệt yêu thích.

Tháng 9 năm nay, TAP đã được công nhận danh hiệu "Made With Passion" - một sáng kiến quốc gia của Singapore hướng đến tôn vinh các nhãn hàng địa phương và tâm huyết của họ trong việc tạo ra những sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng.

Đại diện TAP chia sẻ: "Chúng tôi nằm trong 64 nhãn hiệu được lựa chọn năm 2021 bởi các nhà lãnh đạo, hiệp hội kinh doanh và cơ quan chính phủ. Chúng tôi vinh dự và cảm kích khi doanh nghiệp xã hội nhỏ bé của mình được nhớ đến".

Với sự hỗ trợ của chính phủ, cùng sự thay đổi trong xu hướng tại Singapore cũng như trên toàn cầu, TAP có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp tạo tác động xã hội khác thành công và đóng góp trở lại cho cộng đồng.

Giang Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm