Điện thoại với bàn phím QWERTY từng có những thời điểm là tiêu chí đầu tiên để chọn mua. Khi đó, BlackBerry là bá chủ của những thiết bị có bàn phím vật lý. Các hãng khác cũng không nằm ngoài cuộc chơi như Palm, Nokia, Samsung, Motorola.
Dòng Palm Treo, những chiếc di động có bàn phím QWERTY đầu tiên. |
Tại Việt Nam, khoảng 4 năm trước, việc bạn sở hữu một chiếc BlackBerry thời thượng giống như sở hữu một chiếc iPhone lúc này. Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 năm, những chiếc điện thoại sở hữu bàn phím cứng dần dần biến mất và đi vào lãng quên. Vậy nguyên nhân gì đã làm những chiếc smartphone với bàn phím QWERTY trở nên “tuyệt chủng”? Những nhân vật có tầm ảnh hưởng ở Sprint, Motorola, HTC… sẽ cho chúng ta một câu trả lời trọn vẹn.
Sprint - kẻ thống lĩnh bàn phím vật lý
Chiếc Android của HTC dành cho nhà mạng Sprint. |
Doug Kaufman, Giám đốc chiến lược về thiết bị cho nhà mạng Sprint ở Mỹ chia sẻ, vào thời điểm bùng nổ của việc nhắn tin, những chiếc điện thoại sở hữu bàn phím QWERTY được bán ra chiếm tới 40%. Khi Android xuất hiện, smartphone được người tiêu dùng quan tâm, các thiết bị có bàn phím này như Samsung Moment, EVO Shift, Epic 4G… đã giúp Sprint bán được hàng triệu thiết bị với lợi nhuận khổng lồ.
Theo nhiều nghiên cứu của Sprint, bàn phím QWERTY là một trong những lợi thế giúp họ bán được nhiều thiết bị. Một trong những khảo sát với người tiêu dùng đã cho thấy, 70 đến 80% người được hỏi cảm thấy thoải mái với một chiếc điện thoại có bàn phím QWERTY trượt ngang. Ngược lại, chưa đến 50% số người được hỏi có cảm giác như vậy với một thiết bị có màn hình cảm ứng.
Gần đây, một số khảo sát cho thấy, 54% số người được hỏi thao tác dễ dàng với chiếc Galaxy Note 2, còn với iPhone 5 là 48%. Khi Sprint hỏi các khách hàng đang sở hữu một chiếc điện thoại có bàn phím cứng của mình, “Bạn sẽ chọn mua một chiếc điện thoại mới có bàn phím QWERTY tiếp hay không?”, có đến 75% khách hàng trả lời là có. Đặc biệt, 30% khách hàng đang sử dụng Galaxy Note 2 có nhu cầu như vậy.
Với những khảo sát trên, Sprint nhận thấy nhu cầu có một chiếc smartphone có bàn phím QWERTY là rất lớn, hãng đã cho ra mắt hai chiếc điện thoại có bàn phím này đó là LG Mach và Photon Q. Tuy nhiên, hai thiết bị này không cho kết quả kinh doanh như mong đợi, và Sprint quyết định chuyển hướng không sản xuất dòng sản phẩm có bàn phím cứng nữa.
Doug Kaufman ví von, “việc cho ra mắt hai thiết bị này giống như tổ chức một bữa tiệc xa hoa, nhưng lại không có người tham dự”. Vậy chuyện gì đã xảy ra, theo ông, việc các thiết bị QWERTY không có chỗ đứng, điều này không liên quan đến kích cỡ màn hình, mà là do các smartphone mang tính biểu tượng được hỗ trợ bởi các chiến lượng truyền thông và marketing rộng khắp. Ông chia sẻ thêm, một nửa số người được hỏi sẽ chọn mua iPhone, nửa còn lại với câu trả lời “tôi sẽ mua 1 chiếc smartphone bàn phím QWERTY”, nhưng rồi họ đến các cửa hàng chọn mua Galaxy S4 hay HTC One
Sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng
Chiếc Android đầu tiên của HTC dùng bàn phím QWERTY, nhưng chúng dần biến mất. |
Trong lúc nói chuyện, Kaufman có đề cập đến HTC với hàm ý mỉa mai. Công ty Đài Loan này đã từng một thời thống trị nhờ những chiếc điện thoại có bàn phím QWERTY, ngay từ khi họ còn gia công những chiếc PDA cho O2 mà không được gắn thương hiệu của mình ở trên những thiết bị đó. Sau nhiều năm sản xuất ra những chiếc điện thoại Windows Mobile, HTC đã sản xuất ra chiếc điện thoại Android đầu tiên: T-Mobile G1. Thiết bị này vẫn có bàn phím QWERTY. Và nếu nhà mạng cần điện thoại QWERTY để bán cho khách hàng thì HTC luôn sẵn sàng cung cấp hàng loạt mẫu máy như Evo Shift 4G, G2, dòng myTouch của T-Mobile…
Thế nhưng vào năm 2012, HTC quyết định sẽ tập trung vào "một" dòng smartphone duy nhất, đó là lúc dòng One ra đời với One X, One S... Đây cũng là hướng đi của Samsung khi hãng tập trung rất mạnh cho dòng Galaxy của mình. Đây là thời điểm mà người hâm mộ bàn phím QWERTY của HTC nhận được tin xấu: trưởng nhóm thiết kế Claude Zellweger cho biết HTC đã quyết định khai tử các thiết bị QWERTY.
Vậy tại sao, HTC quyết định từ bỏ bàn phím vật lý? Theo như Jonah Becker, nguyên nhân là do thiết kế, các thiết bị có bàn phím QWERTY dạng trượt có độ dày đáng kể so với những máy thuần cảm ứng. Điều này làm người tiêu dùng cảm thấy bất tiện khi đút vào túi quần
Thế nhưng, ngạc nhiên thay, "nguyên nhân thật sự không phải là về thiết kế, mà là sự thay đổi hành vi của người dùng". Ông giải thích về việc bàn phím ảo hiện nay đã tốt như thế nào, trẻ con lớn lên quen thuộc với màn hình cảm ứng ra sao và việc giao tiếp bằng ngôn ngữ viết đã trở nên ít quan trọng hơn với người dùng smartphone. Nếu một bức tranh có thể nói được hàng nghìn từ thì một đoạn clip trên Vine hay YouTube sẽ nói gấp bao nhiêu lần?
Becker nói: "Chúng ta đã có các mẫu tin nhắn văn bản, các biểu tượng cảm xúc, công cụ dịch giọng nói thành văn bản và nhiều phương thức giao tiếp khác để chúng ta trao đổi thông tin. Đây là lý do mà bàn phím QWERTY trở nên kém quan trọng so với thời gian trước".
Motorola, nhà sản xuất nên dòng Droid nổi tiếng với bàn phím QWERTY trượt ngang chạy Android, cũng đồng ý như thế. "Người ta càng ngày càng muốn xem được nhiều thông tin hơn, nhưng mà họ không cần phải nhập liệu nhiều nữa", Phó chủ tịch Rick Osterloh của Motorola cho biết.
Lựa chọn bắt buộc?
Điện thoại QWERTY của RIM đang dần thất thế trước xu hướng màn hình rộng. |
Có vẻ điện thoại với bàn phím QWERTY không tự mình biến mất chỉ sau một đêm, mà dường như toàn bộ ngành công nghiệp di động không cho dòng thiết bị này một lựa chọn, một cơ hội sống sót nào cả.
Trong nhiều năm qua, việc mua một chiếc smartphone với bàn phím QWERTY đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận cấu hình thấp và không có nhiều công nghệ mới như những sản phẩm khác trên thị trường.
Khi chiếc Droid 4 của Motorola ra mắt vào tháng 1/2012, cấu hình của nó đã cũ và màn hình cũng không tốt như những thiết bị khác. Kể từ khi Samsung ra mắt chiếc Epic 4G hồi tháng 8/2010, thì dường như không còn chiếc smartphone đầu bảng nào dùng bàn phím QWERTY.
Các nhà sản xuất điện thoại, nhà mạng xem những chiếc smartphone có bàn phím vật lý như một sản phẩm dành cho “teen” nhắn tin chứ không phải là một thiết bị cao cấp. Theo đó, họ điều chỉnh hoạt động quảng cáo của mình cho phù hợp.
Thế thì thứ gì đã giết chết bàn phím QWERTY? "Nghi phạm" đầu tiên chính là màn hình to với độ phân giải HD. Trải nghiệm độ nét HD đã là một trong những bước tiến lớn của ngành công nghiệp di động trong thời gian gần đây. Khi mà màn hình to ra thì máy trở nên khó cầm hơn, thế là các nhà sản xuất phải làm chúng mỏng đi. Tiêu chuẩn của 1 chiếc smartphone bây giờ là :mỏng và to. Giám đốc thiết kế Becker của HTC nói: "Chúng ta từng muốn một thứ to bằng TV để có được những trải nghiệm như trên, và bây giờ thì chúng ta muốn đem cả TV vào trong thiết bị di động".
Và đây cũng là lúc các nhà sản xuất bắt đầu nhận thấy sự rắc rối khi phải đưa bàn phím vật lý vào các thiết bị của mình, theo ông Rick Osterloh của Motorola. Bàn phím "khiến bạn phải giảm kích cỡ màn hình xuống, hoặc sử dụng dạng trượt ngang với độ dày, trọng lượng và chi phí cao hơn đáng kể". Ông nói "thật sự thì không có cách giải quyết nào cho chuyện này bởi nó là một thành phần cơ học...". Vậy nếu như trên thị trường có những chiếc điện thoại với màn hình to độ phân giải HD và cả bàn phím QWERTY thì liệu người dùng có mua nó hay không, hay họ vẫn quyết định sắm những thiết bị thuần cảm ứng?
Một thị trường ngày càng thu hẹp
Màn hình cảm ứng đang là xu hướng hiện nay. |
Giả sử, các nhà sản xuất và nhà mạng ngồi lại với nhau để đưa ra một chuẩn chung cho những chiếc smartphone cao cấp: có màn hình độ nét HD và phải có bàn phím QWERTY trượt ngang thì sao?
Doug Kaufman không nghĩ rằng điều này sẽ diễn ra. "Tôi nghĩ là sẽ có một phân khúc người dùng nào đó đồng ý mua máy kiểu này, nhưng phân khúc đó đang dần thu hẹp theo từng ngày... Các nhà sản xuất muốn một thiết bị mỏng và hấp dẫn xuất hiện trong quảng cáo của họ", ông giải thích. "Tôi nghĩ rằng thời của QWERTY đã qua rồi".
Về phần mình, HTC và Motorola nói rằng bàn phím đơn giản vật lý không còn quan trọng nữa". Nhà thiết kế Becker cho biết "tôi đang dùng chiếc HTC One và không thể tưởng tượng rằng mọi chuyện sẽ thấy nào nếu quay trở lại với bàn phím cứng", đồng thời tiết lộ rằng HTC phải tập trung để đạt được mục đích thiết kế của mình. "Tôi không nghĩ rằng có quá nhiều trở ngại có thể ngăn chúng tôi thiết kế ra những chiếc điện thoại QWERTY ở nhiều tầm giá khác nhau. Chỉ là hành vi và công nghệ đã khiến cho bàn phím cứng không còn là ưu tiên của công ty nữa". Phó chủ tịch Rick Osterloh của Motorola thì nói: "việc kết hợp giữa tính năng nhập văn bản bằng giọng nói và tiên đoán từ làm giảm tính cần thiết của bàn phím vật lý đối với người tiêu dùng".
Có vẻ như thiết bị QWERTY đã trở thành một thị trường nhỏ bé đến nỗi các nhà sản xuất khác sẵn lòng để cho BlackBerry tung hoành trong đó.
Khi được hỏi thêm, Kaufman nói rằng nếu điện thoại QWERTY muốn quay trở lại thì đó sẽ phải là "một chiếc HTC One Q, một chiếc Galaxy S4 Q... nói chung là một siêu phẩm.. Nếu bạn có thể làm ra một chiếc Galaxy S4 với bàn phím cứng, tôi nghĩ người ta sẽ mua nó".
Nếu công ty nào đó có ý định quay trở lại thị trường QWERTY thì Samsung là một trong những ứng viên sáng giá nhất. Bỏ qua một số cáo buộc Samsung là kẻ copycat thì Samsung đã chứng minh rằng hãng có thể biến điều không thể thành có thể. Chẳng hạn, Samsung là kẻ tiên phong đưa kích thước màn hình smartphone lên mức 6,3 inch mà không ai ngờ đến. Samsung cũng là công ty đã đưa chiếc bút stylus trở lại cách cực kì thành công và biến nó thành một trong những nguồn lợi nhuận lớn của mình. Samsung cũng có đủ loại thiết bị ở nhiều kích thước khác nhau, có thể hãng sẽ tận dụng sức mạnh và khả năng marketing của mình để làm điện thoại QWERTY hồi sinh.