Dọc phiên chợ hoa ở TP. Đà Lạt trong Tuần Văn hóa du lịch 2013 (từ 27 - 31/12), nhiều du khách ngạc nhiên khi địa lan được các doanh nghiệp đưa ra bán với giá rẻ bất ngờ.
Nở sớm do nắng nóng
Trước câu hỏi: “Vì sao “nữ hoàng” phong phú đến quá mức trong phiên chợ hoa năm nay đến vậy?”, câu trả lời thường là: “Vừa làm đẹp phiên chợ hoa, vừa bán được đồng nào hay đồng ấy!”. Ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, giải thích: “Vài tháng gần đây, đặc biệt là từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12, thời gian nắng nóng trong ngày ở Đà Lạt kéo dài bất thường (từ 7 giờ trở lên, thường thì 5 giờ) đã kích thích sự ra hoa cho địa lan”.
Địa lan nở sớm vừa được trưng bày vừa được bán tháo ở phiên chợ hoa Đà Lạt sáng 29/12. |
Một số nhà vườn còn cho rằng, hơn thế, không ít người cứ nghĩ là dịp festival năm nay (trước tết hơn 1 tháng), địa lan sẽ khan hiếm; nên dẫu biết rằng thời tiết nắng nóng nhưng nhà vườn vẫn cứ để như thế, cho hoa nở tự do, nếu nở chậm (kịp tết) thì tốt, còn nếu nở sớm thì bán trong dịp lễ hội càng tốt. Nhưng bất ngờ, đến tuần đầu tháng 12, thông tin được rỉ tai nhà vườn là hoa địa lan cho dịp tuần văn hóa du lịch đã đủ! Vậy là nhà vườn ra sức hãm hoa, ép không cho hoa nở, nhưng đã quá muộn.
Hạ giá xuống... 10 lần
Ông Đoàn Văn Quỳnh - chủ vườn lan Anh Quỳnh (phường 8, Đà Lạt) kể lại: “Cả tháng nay tôi khổ sở vì địa lan nở sớm. Ngày nào tôi cũng dậy thật sớm để xem nhiệt độ sáng nay tăng hay giảm so với sáng hôm qua; đêm đến lại theo dõi sát dự báo thời tiết để có phương án chủ động. Nhưng, hãm nhiệt độ đến mấy cũng không thắng nổi ông trời…”.
Hiện trong vườn lan nhà ông Quỳnh có đến hàng ngàn chậu địa lan đang bung nụ quá cỡ. Ông Quỳnh còn cho biết: “Mọi năm, giá một cành lan ngày tết trên dưới 1 triệu đồng, có loại lên đến gần 2 triệu đồng/cành, nay cắt cành bán tháo cũng chỉ được không quá 100.000 đồng. Mọi năm, vườn nhà tôi cung cấp cho thị trường tết cả chục ngàn cành, năm nay chắc chỉ không đến 2.500 cành!”.
Tương tự, ông Đỗ Văn Ẩn - Giám đốc công ty Hoa Ngọc Ẩn (đường Tô Hiến Thành, Đà Lạt) cho biết, công ty của ông đã bỏ ra thêm khoảng 20% chi phí so với tổng chi phí thông thường để mua các loại thuốc “hãm” hoa, không cho hoa nở sớm nhưng kết quả mang lại không mấy khả quan. Chỉ tay vào chậu lan lửa đang nở bung nụ, ông Ẩn than: “Chậu này nếu nở đúng tết thì giá bét cũng phải 12 triệu đồng. Nay, cắt cành nguyên chậu, bán chỉ không đến 500.000 đồng, tức không đến 100.000 đồng/cành”.
Theo ông Trần Huy Đường, trung bình mỗi năm Đà Lạt cung cấp cho cả nước 80.000 - 85.000 chậu địa lan, tương đương 500.000 - 650.000 cành. “Nhưng năm nay thì nhà vườn Đà Lạt thất thu, các doanh nghiệp trồng và kinh doanh địa lan ở thành phố hoa này cũng thất thu nặng!” - ông Đường nói.