Phân chia thứ hạng ca sĩ có nhiều cách tùy theo suy nghĩ của người hâm mộ, trong đó nhiều nhất vẫn là đánh giá dựa trên các sân khấu mà họ tham gia.
Nhiều người mặc định rằng ca sĩ hạng A hát chương trình lớn, ca sĩ hạng B hay C hát show tỉnh ở "sân khấu chuồng gà". Gần đây, sự cố nghệ sĩ bị ném đồ khi diễn trên sân khấu tỉnh càng gây ấn tượng không mấy đẹp như “thiếu an ninh”, “không an toàn”, “khán giả không văn minh”…
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Đan Trường và Khởi My, thực tế hoàn toàn trái ngược. Còn với những ca sĩ được xem là “ông hoàng miền Tây” như Lâm Chấn Khang hay Hồ Việt Trung, để tồn tại được ở thị trường tỉnh không đơn giản như nhiều người nghĩ.
Sức hút của Đan Trường - Thanh Thảo khi biểu diễn tại Biên Hòa. Ảnh: Facebook. |
Ca sĩ hạng B, C mới hát sân khấu tỉnh?
Dù không còn ở thời kỳ đỉnh cao, Đan Trường vẫn là một trong những ca sĩ thuộc hàng top đầu của làng nhạc Việt. Với vị trí hiện có, nam ca sĩ không thiếu lời mời diễn ở các chương trình lớn.
Tuy nhiên trong lịch diễn của anh Bo không bao giờ thiếu những địa điểm ở tỉnh, thậm chí là những nơi vùng sâu vùng xa, những hội chợ, triển lãm hàng tiêu dùng.
Trong tháng 7, Đan Trường di chuyển liên tục từ Long An, Hội An, Cần Giờ bên cạnh các thành phố lớn như Đà Nẵng và Hà Nội. Từ 10 năm qua, ngoài những tháng lưu diễn nước ngoài, nam ca sĩ luôn dành nhiều thời gian để đến gặp khán giả ở tỉnh.
Lựa chọn của giọng ca Anh Ba Khía gây nhiều tranh luận, trong đó không ít người cho rằng việc đi tỉnh không phù hợp với vị trí của Đan Trường. Trước thắc mắc này, anh bày tỏ quan điểm thẳng thắn.
“Theo tôi, một ca sĩ hạng A là ca sĩ phải được khán giả mọi miền đất nước biết đến và yêu mến. Nhiều người nổi tiếng nhưng chỉ theo đuổi những dòng nhạc phù hợp với các thành phố lớn, chưa chắc khi đến vùng sâu vùng xa có thể thuyết phục được khán giả", Đan Trường nói.
"Các thương hiệu khi mời nghệ sĩ đi diễn tỉnh họ cũng phải lựa chọn người mà có thể biến hóa và làm nhiều đối tượng khán giả hài lòng”, anh giải thích.
Ngoài việc gặp gỡ khán giả, đại diện của nam ca sĩ là bầu Tuấn Thaso cũng cho biết việc diễn tỉnh là “chiêu” bán được nhiều sản phẩm hơn cách tiêu thụ thông thường. Các album gốc được thực hiện tử tế nhưng giá cả hợp lý rất được fan tỉnh ưa chuộng.
Trong làng nhạc Việt, Đan Trường cũng là ca sĩ hiếm hoi vừa có thể đi diễn tỉnh, vừa liên tục xuất hiện trong các chương trình mang tầm quốc gia.
Khởi My tự hào khi xem là "nữ hoàng show tỉnh" hay "nữ hoàng hội chợ". |
Một trường hợp được đánh giá “khó hiểu” khác là Khởi My. Có sức hút và lượng fan đông đảo không hề thua kém những ca sĩ trẻ hàng đầu như Đông Nhi, Noo Phước Thịnh… nhưng một thời gian dài cô gần như “bỏ quên” những chương trình lớn mà chỉ miệt mài đi tỉnh.
Chính Khởi My cũng thừa nhận: “Từ trước đến nay, tôi cũng đã ít xuất hiện trong các chương trình lớn vì có quan điểm là không quan trọng chuyện sao hạng A hay hạng B. Tôi đi hát là để phục vụ, kiếm sống và ngược lại có thể mang lại niềm vui cho chính bản thân mình”.
Cô nói thêm: “Có đi diễn ở những vùng quê mới thấy những khán giả ở vùng sâu vùng xa họ thích ca nhạc đến mức nào. Với hoàn cảnh và công việc, họ không thể lên những thành phố lớn để gặp gỡ những ca sĩ mà mình yêu thích. Tuy mỗi vé chỉ 10.000-20.000 đồng nhưng tôi có thể mang lại niềm vui cho họ. Ngược lại, khán giả cũng có thể nuôi mình dù ở bất cứ nơi nào".
Là cái tên “bán vé” cho show tỉnh, nhiều người thậm chí gọi Khởi My là “nữ hoàng hội chợ”. Nữ ca sĩ bật cười và chia sẻ sự tự hào về biệt danh này và “ước gì show tỉnh có thể gọi tôi đến khi già”.
Ngoài ra, Hoài Linh, Sơn Tùng M-TP, Trường Giang, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Phi Nhung… cũng rất thường xuyên diễn tỉnh. Họ đều là những nghệ sĩ được đánh giá là có tên tuổi.
Cát-xê từ những chuyến đi tỉnh cũng không hề thua kém các chương trình sang trọng. Trong giới, nhiều người vẫn truyền tay nhau công thức: “Diễn thành phố kiếm tiếng, diễn tỉnh kiếm tiền”.
'Chuồng gà' chỉ có cách đây 20 năm
Thị trường tỉnh cũng có những “ngôi sao” riêng, trong đó có chủ nhân của chuỗi phim ngắn đình đám Người trong giang hồ Lâm Chấn Khang. Nam ca sĩ được ưu ái gọi là “ông hoàng miền Tây” cho biết không chỉ cuối tuần mà ngày nào cũng có lịch diễn.
Ngoài thị trường miền Tây, anh còn dần tấn công đến các tỉnh miền Trung và miền Bắc nhờ sức hút của Người trong giang hồ. Tuy nhiên, theo Lâm Chấn Khang, việc đi diễn tỉnh không phải đơn giản, ai lên hát cũng được.
Hồ Việt Trung và Lâm Chấn Khang là hai cái tên rất được bầu show tỉnh ưu ái
vì vừa hát dòng nhạc phù hợp, vừa biết cách giao lưu với khán giả. |
Ngoài việc biết lựa chọn dòng nhạc phù hợp thị hiếu, nam ca sĩ còn phải chủ động gây cười, phải "điên” để khán giả cảm thấy vui vẻ, gần gũi. “Tôi là người miền Tây nên biết người dân ở đây muốn gì. Họ có thể rất dễ chinh phục nhưng cũng có cái khó riêng. Nhiều ca sĩ về đây diễn không được vì họ chưa thật”, anh tâm sự.
Hỏi về ý định tấn công các thị trường khác, Lâm Chấn Khang bỏ ngỏ: “Ví dụ tôi là vua của khu rừng này nhưng khi qua khu rừng khác, tôi chỉ là một con tốt. Ngược lại, chưa chắc vua của nơi khác đến thị phần của tôi có thể vượt tôi được. Mỗi người có ưu điểm riêng, nên giữ vững quan điểm”.
Tương tự, Hồ Việt Trung cho biết ở sân khấu tỉnh luôn phải bung hết sức. “Khán giả thích tôi phải vừa hát, vừa diễn chứ không phải đứng yên một chỗ. Diễn sân khấu là phải vậy, khán giả không chỉ muốn nghe nghệ sĩ hát mà còn muốn giao lưu. Nếu chỉ muốn nghe không thì họ đã mua đĩa về mở hay lên mạng nghe online là đủ rồi”, giọng ca Giải cứu tiểu thư nói.
Với lẽ này, nhiều ca sĩ quen với việc lên hát rồi rời sân khấu, không biết cách giao lưu hoặc giao lưu kém duyên thường không được bầu show tỉnh ưa chuộng. Ngược lại, những giọng ca đắt show tỉnh luôn là người biết cách khuấy động sân khấu.
Nhiều chương trình tổ chức ở tỉnh chính là mô tả là “sân khấu chuồng gà”, ý nói đến sự sơ sài, tạm bợ và nhỏ như chỗ ở của gà. Tuy nhiên, ca sĩ Đan Trường khẳng định chuyện "sân khấu chuồng gà" là cách đây 20 năm.
Các show hội chợ tổ chức hoành tráng, thậm chí mời cả Sơn Tùng M-TP đến biểu diễn. |
"Hiện sân khấu của một đoàn lô tô cũng đã biết làm hoành tráng vì nhu cầu thưởng thức của khán giả không phải như trước đây nữa. Họ xem nhiều game show trên truyền hình nên đòi hỏi ngày càng cao. Còn những tour diễn dài hơi giới thiệu sản phẩm càng hoành tráng”, anh nói.
Khởi My có cùng ý kiến: “Tôi cũng không hiểu vì sao mọi người mặc định hai chữ 'hội chợ' là điều gì đó rất quê mùa. Thực ra, những chương trình như thế đều do những nhãn hàng cao cấp kết hợp thực hiện nhằm quảng bá sản phẩm của họ. Hơn nữa, với nghệ sĩ chúng tôi, vấn đề không phải show ở đâu, quan trọng là ở đó có khán giả dành tình cảm cho mình”.
Về chuyện gần đây một số nghệ sĩ bị ném giày khi diễn ở sân khấu tỉnh, nữ ca sĩ 9X cho biết cô chưa từng gặp tình huống tương tự. “Ở đâu cũng sẽ có những người muốn trêu chọc. Chỉ là trên thành phố an ninh tốt hơn. Làm nghề gì cũng phải chịu sự rủi ro nên đó không phải lý do có thể khiến tôi từ chối khán giả”, Khởi My nhấn mạnh.